'Mùa hè địa ngục' của Tổng thống Trump

Thế giớiChủ Nhật, 02/09/2018 12:19:00 +07:00

Tổng thống Trump có lẽ đang phải trải qua thời gian tồi tệ nhất kể từ khi lên nắm quyền bởi liên tiếp những diễn biến bất lợi kéo đến bủa vây ông chỉ trong vỏn vẹn vài tháng qua.

Trong vài tháng trở lại đây, Nhà Trắng và nội các của Tổng thống Trump đã và đang làm mọi cách để ổn định chính phủ liên bang trước những sóng gió chính trị liên tiếp ập tới. Nhưng dường như suốt mùa hè qua thật khó để người dân Mỹ nhìn thấy được những dấu hiệu tích cực từ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump. Bởi trên truyền thông nước nhà, mỗi buổi sáng luôn tràn ngập các thông tin không mấy khả quan về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, những bế tắc trong đàm phán với Triều Tiên, Nga can thiệp bầu cử Mỹ, huỷ bỏ thoả thuận hạt nhân Iran hay vụ "lật kèo" của cựu luật sư Tổng thống. 

Đó có thể là một trong những lý do khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đang xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức, theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây. 

Cây viết Byron Wolf của CNN mới đây đã liệt kê những sự vụ nổi cộm tạo nên một mùa hè mà ông gọi là "địa ngục" đối với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump.

Gian nan sau hội nghị Mỹ-Triều

Tổng thống Trump đã khởi đầu mùa hè khá suôn sẻ khi bước vào cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6. Ngay sau khi trở về, ông tuyên bố Triều Tiên đã không còn là một mối đe dọa hạt nhân. Nhưng kết luận có vẻ đã được đưa ra quá vội vã. Các nguồn tin tình báo thời gian qua liên tục khẳng định Bình Nhưỡng vẫn đang phát triển vũ khí hạt nhân và lời hứa ông Kim đưa ra hồi giữa tháng 6 về phi hạt nhân hóa hoàn toàn vẫn chưa được triển khai.

180612090723-donald-trump-kim-jong-un-exlarge-169

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chụp ảnh chung trước khi bước vào cuộc gặp kín tại Singapore ngày 12/6. (Ảnh: CNN) 

Các cuộc đàm phán giữa 2 bên cùng với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về chi tiết thỏa thuận cũng bị đình trệ. Mới đây nhất, hôm 14/8, chính ông Trump đã hủy chuyển thăm tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo sau khi nhận được một lá thư với ngôn ngữ đầy hiếu chiến từ quan chức cấp cao nước này. 

Đáp trả lại, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington hai mặt và đang lên kế hoạch tấn công Triều Tiên. 

Yếu thế trước ông Putin tại Helsiki

Khi Tổng thống Trump đứng cạnh người đồng cấp Nga Putin tại Helsiki ngày 16/7, người Mỹ hy vọng Tổng thống của họ đứng lên thay các quan chức tình báo Mỹ chỉ trích Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng ông Trump đã không làm vậy. 

180816132910-01-trump-putin-presser-july-2018-exlarge-169 (1)

Tổng thống Trump và người đồng cấp tham gia họp báo tại Helsiki ngày 16/7. (Ảnh: CNN)

"Ông Putin nói Nga không can thiệp và tôi cũng muốn nói rằng tôi thấy Nga không có lý do gì để làm như vậy", ông Trump nói ở Helsiki. Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Mỹ đã vấp phải một làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận Mỹ. Các thượng nghị sỹ từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã chỉ trích ông đứng về phe Nga thay vì bảo vệ cho lợi ích đất nước.

Tổng thống Trump những ngày sau đó phải bù đầu giải quyết mớ hỗn độn mà mình gây ra, đưa ra những bình luận bào chữa. Nhưng khi mà ông chưa thể kịp lấy lại lòng tin nơi dư luận, điện Kremlin bắt đầu đề cập tới các thỏa thuận quân sự mà 2 nhà lãnh đạo đề cập trong cuộc gặp riêng ở Helsiki. Lầu Năm Góc không hề hay biết về các thỏa thuận này. 

Khủng hoảng nhập cư

Tháng 5/2018, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố thực thi chính sách “không khoan nhượng” với người nhập cư trái phép trong đó quy định những người bị bắt giữ vì tội nhập cư trái phép vào Mỹ, kể cả người tị nạn sẽ trực tiếp được đưa tới tòa án liên bang trong khi con cái của họ sẽ được chuyển tới Văn phòng Tái định cư tị nạn và Dịch vụ dân sinh. 

Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã có khoảng 2.000 trẻ em nhập cư bị tách khỏi cha mẹ trong khoảng thời gian hơn 6 tuần, từ ngày 19/4 tới 31/5 vì áp dụng chính sách nhập cư mới này. 

Chính sách này đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Mỹ với đỉnh điểm là vào giữa tháng 6 khi hình ảnh người nhập cư bị bắt giữ, cha mẹ và con cái bị chia cắt tràn ngập trên trang nhất hàng loạt tờ báo Mỹ. 

Một loạt vụ kiện pháp lý cũng đã xảy ra và cho tới thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn chưa thể để tất cả trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ được đoàn tụ với các gia đình. 

Cựu luật sư riêng phản bội

Cựu luật sư riêng của Trump Michael Cohen đầu tuần trước khiến cả nước Mỹ chao đảo khi nhận tội đối với 8 cáo buộc vi phạm về thuế, gian lận ngân hàng và vi phạm quy định tài chính trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2016. Cựu luật sư Cohen nói trước tòa án liên bang ở Manhattan, New York rằng Tổng thống Trump đã chỉ thị ông sắp xếp các khoản chi trước cuộc bầu cử tổng thống 2016 để mua sự im lặng của 2 người phụ nữ về mối quan hệ tình ái của họ với ông Trump. 

Nhà lãnh đạo Mỹ ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc này nhưng theo CNN, đoạn ghi âm ghi lại cuộc hội thoại giữa ông Trump và cựu luật sư Cohen về việc chi các khoản tiền này là có thật và đang được FBI thu giữ. 

Hàng loạt các tờ báo sau đó đã vẽ ra những kịch bản tồi tệ nhất với ông chủ Nhà Trắng như bị luận tội hay khủng khiếp nhất là phế truất dù khả năng này không quá lớn. 

Thuế và cuộc chiến thương mại 

Tổng thống Trump không ngần ngại để Mỹ dấn thân vào cuộc chiến thương mại với các nước, áp đặt các chính sách thuế quan mới, đồng thời rút Washington khỏi hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và tìm kiếm các thỏa thuận đơn phương. 

Video:Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra như thế nào?

Những mức thuế mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra với hy vọng sẽ khiến các nước khác phải hạ mình trong các cuộc đàm phán đã làm nóng mắt rất nhiều người, đặc biệt là Trung Quốc. 

Những tháng vừa qua, thông tin được các nhà hoạch định kinh tế Mỹ quan tâm nhất là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Mức thuế mà Mỹ áp đặt lên mặc dù không làm leo thang đột biến giá cả ở Mỹ, nhưng chính phủ nước này đã bắt đầu phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân, đối tượng chịu tác động rõ nhất của cuộc chiến mà họ gọi là một thảm họa. 

Nhưng không chỉ Trung Quốc, hàng loạt các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Mexico, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra hết sức bất bình với chính sách của Tổng thống Trump. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có cuộc tranh cãi gay gắt với nhà lãnh đạo Mỹ về việc liệu Canada có phải là một rủi ro an ninh hay không. Đây là việc chưa từng có trong tiền lệ quan hệ song phương hiện đại giữa hai nước. 

Sự ra đi của Thượng nghị sỹ John McCain

Không lâu sau khi Thượng nghị sỹ John McCain qua đời, Tổng thống Trump bị chỉ trích dữ dội vì đã không cho công bố thông cáo báo chí về việc ông McCain qua đời, mặc dù bản thông cáo đã được Nhà Trắng soạn thảo sẵn. Ông cũng không tới tham dự lễ tang của vị Thượng nghị sỹ đúng theo yêu cầu của chính ông McCain trước khi mất. 

3169473-1404492 3

Tổng thống Trump bị chỉ trích vì không cho công khai thông cáo báo chí về sự ra đi của Thượng nghị sỹ John McCain. (Ảnh: Sputnik)

Trong lễ tang của cha mình ở Nhà thờ Quốc gia, Meghan McCain, con gái của McCain cũng ngầm công kích người từng đối đầu với cha mình khi khẳng định "nước Mỹ không cần phải trở nên vĩ đại trở lại vì bản thân nước Mỹ vốn đã luôn vĩ đại". Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định ông sẽ đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong những năm tại nhiệm. Câu nói này của bà Meghan đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay của những người tham dự tang lễ. 

Hàng loạt tiết lộ gây sốc từ cựu nhân viên Nhà Trắng 

Cựu trợ lý Nhà Trắng Omarosa Manigault Newman từ đầu tháng 8/2018 khiến Tòa Bạch Ốc đau đầu khi liên tiếp đưa ra hàng loạt các thông tin bất lợi với Tổng thống Trump. Từ đoạn băng ghi âm ghi lại cuộc gọi với ông Trump sau khi bị sa thải, cho tới thông tin nhà lãnh đạo Mỹ sẽ trục xuất vợ nếu bị đệ đơn ly hôn, rồi cáo buộc ông Trump là người cuồng tín, phân biệt chủng tộc, không có thiện cảm với phụ nữ... Cựu trợ lý Nhà Trắng Omarosa đã khiến Tổng thống Trump và nội các của ông trở tay không kịp. 

trump-15341510614721896692431-0734230 5

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu trợ lý Nhà Trắng Omarosa Manigault Newman (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Nhà Trắng đã bác bỏ những thông tin này, khẳng định Omarosa chỉ đang dựng chuyện, nhưng không ít người Mỹ vẫn tin vào những tin giật gân trên. 

Tương lai trước mắt

Mùa hè "đầy giông bão" chưa thực sự qua đi, nhưng Tổng thống Trump đã bắt đầu phải lo tới "một mùa thu ảm đạm" sắp tới với cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai chính trị của ông. Trong trường hợp Đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát Hạ Viện hoặc Thượng viện hay thậm chí là cả 2, mùa thu tới đây có thể sẽ còn tồi tệ hơn cả mùa hè thảm họa với nhà lãnh đạo Mỹ. 

>>> Đọc thêm: Bị cựu luật sư tố cáo, ông Trump có thể đối mặt với những rắc rối pháp lý nào?

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn