Mùa giải 2011/12: Một loạt huyền thoại 'bỏ cuộc chơi'

Thể thaoThứ Tư, 16/05/2012 03:37:00 +07:00

Raul, Van Nistelrooy, Nesta... một thế hệ Vàng của bóng đá châu Âu hoặc quyết định chia tay bóng đá, hoặc tìm tới những bến đỗ khác.

Raul, Van Nistelrooy, Nesta... một thế hệ Vàng của bóng đá châu Âu hoặc quyết định chia tay bóng đá, hoặc tìm tới những bến đỗ khác.
Cường độ thi đấu của bóng đá châu Âu đang trở nên khốc liệt hơn. Trong khi đó, những giải đấu chỉ hơn một thập kỷ trước còn “trắng bóng đá” giờ đã giàu có hơn. Con đường đi từ đỉnh cao đến “vùng trũng”, vốn xưa kia chỉ dành cho những cầu thủ đã hết thời, đang trở nên phổ biến trong các ngôi sao đã qua “tuổi băm” nhưng vẫn đầy sinh lực. Mùa giải 2011/12 chứng kiến hàng loạt cuộc chia tay như thế.
 
Raul Gonzalez đã chủ động rời Schalke để gia nhập một CLB ở Qatar. Dẫu sao, Bundesliga cũng không còn là môi trường thích hợp cho các lão tướng nữa. Bây giờ ở Đức, người ta chơi thứ bóng đá tấn công tốc độ, có thể dễ dàng nhận ra điều đó qua cách đá của Bayern hay Dortmund, hai đầu tàu của Bundesliga. Ở Vùng Vịnh, người ta có thể cho Raul một mức sống vương giả, và một thứ bóng đá nhàn hạ.
Những lão thần của Milan, như Inzaghi, Nesta, Zambrotta hay Van Bommel, tượng đài Del Piero của Juventus cũng không còn phù hợp với Serie A nữa. Chính CLB thông báo với họ như vậy bằng cách không gia hạn hợp đồng. Họ sẽ đi. Nếu còn muốn được chơi đôi ba trận bóng đá đỉnh cao, thì có thể chọn cách như Van Bommel, về lại quê hương để đầu quân cho PSV. Nếu muốn có nhiều tiền và một không khí làm việc “bình yên” hơn nữa, thì làm như Nesta, sang Mỹ thi đấu. Thậm chí để thay đổi hoàn toàn không khí, họ có thể theo chân Anelka, người vừa sang Trung Quốc đầu quân cho Thân Hoa Thượng Hải tháng 1 năm nay.
Thế giới bóng đá đang trở nên “phẳng” hơn với sự đầu tư của các đại gia từ những nền kinh tế mới. Và những chàng trai ngoài 30 tuổi bây giờ rời bỏ đỉnh cao cũng không hẳn là vì họ đã “hết đát”. Những lựa chọn vì thế rất nhiều: Mỹ, Ả-rập, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga hay thậm chí cả Uzbekistan, nơi người ta từng bỏ hàng đống tiền chiêu mộ Rivaldo và HLV Scolari.
 
Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa của những cuộc chia ly buồn bã này, là bóng đá châu Âu đang thực dụng hơn. Khái niệm “quỹ lương” chưa bao giờ được nhắc nhiều trên mặt báo đến thế. Người ta không còn muốn nuôi báo cô một cầu thủ, thường là với mức lương không thấp, chỉ vì anh ta được gọi là một “tượng đài”, thứ danh hiệu chỉ có ý nghĩa với các CĐV (mà CĐV bây giờ cũng đâu còn được tôn trọng?).
Giữ một người như thế lại chỉ tổ gây rắc rối trong phòng thay đồ, có lẽ các ông chủ nghĩ vậy. Raul chia tay châu Âu không phải vì Schalke, mà bởi Real đã đẩy anh đi. Tương tự là những tượng đài Serie A đã kể trên.
Có lẽ thế hệ CĐV này của bóng đá châu Âu thiếu may mắn. Họ “trót” sinh ra trong một thời đại mà Luật Bosman và TTCN ra đời, bóng đá buộc phải thực dụng hơn, nên không còn có được may mắn được nhìn thấy những tượng đài gắn bó với CLB, hay ít nhất là xuất hiện ở các trận đấu đỉnh cao cho đến tận những ngày cuối. Không thể tránh được chút gì bâng khuâng khi có nhiều người cùng bỏ đi một lúc như thế, dù biết rằng đó là điều hợp lý.

Hai Phong-Bongdaplus
Bình luận
vtcnews.vn