Mua bản quyền Ngoại hạng Anh: Phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Thể thaoThứ Tư, 20/04/2016 01:58:00 +07:00

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn chỉ đạo việc mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa giải 2016-2019 tại Việt Nam.

(VTC News)- Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn chỉ đạo việc mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa giải 2016-2019 tại Việt Nam.

Trong công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cùng các đài truyền hình, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị cần chủ động đa dạng hóa nội dung chương trình truyền hình nói chung, nội dung chương trình truyền hình thể thao nói riêng.

Trong công văn số 1208/BTTTT-PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trên cơ sở các báo cáo và công văn của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam và Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:
Giá bản quyền Ngoại hạng Anh lên đến 80 triệu USD
1. Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh, truyền hình, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong quá trình đàm phán mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh các mùa giải 2016-2019 tiếp tục tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 10285/VPCP-KGVX ngày 8/12/2015 “bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bền vững của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam”.

2. Đề nghị Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam sớm có các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng các cam kết mà Hiệp hội và các thành viên đã thống nhất.

Trong trường hợp không thực hiện được các cam kết đó, Hiệp hội và các thành viên cần thống nhất và sớm có phương án mới trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người xem truyền hình.


3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh, truyền hình, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cần chủ động đa dạng hóa nội dung chương trình truyền hình nói chung, nội dung chương trình truyền hình thể thao nói riêng, tránh phụ thuộc vào bản quyền nội dung một hoặc một số giải đấu và lệ thuộc vào một hoặc một số đơn vị cung cấp bản quyền nội dung nhất định.

Trên cơ sở đó đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của người xem truyền hình trên cả nước.
 MP&Silva từ chối thỏa thuận với đại diện VNPayTV
Với công văn này, có thể thấy, Bộ Thông tin& Truyền thông vẫn ưu tiên phương án mua bản quyền Ngoại hạng Anh với giá tiết kiệm nhất, đồng thời, khuyến khích các bên tiếp tục kiên nhẫn, thực hiện đàm phán thông qua đại diện VNPayTV.

Ngày 15/4 vừa qua là hạn cuối để MP&Silva đứng ra đàm phán với phía đại diện Việt Nam. Tuy nhiên, phía MP&Silva viện dẫn các quy định từ ban tổ chức Ngoại hạng Anh để từ chối ngồi vào bàn đàm phán với đại diện VNPayTV.

K+ là đơn vị truyền hình sốt ruột nhất vào thời điểm này. Dù vẫn nằm trong ban đàm phán song họ đề nghị VNPayTV cho phép thỏa thuận riêng với MP&Silva trên cơ sở tuân thủ đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Tuy nhiên, VNPayTV cùng các đài truyền hình còn lại không đồng ý, vì trái với thỏa thuận ban đầu, đồng thời tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài ép giá.
 Liệu người hâm mộ Việt Nam có xem được Ngoại hạng Anh 3 mùa tới?
Trong một động thái gần đây, VTV đã có văn bản đề cập tới việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn tại VSTV (với thương hiệu K+) “để bảo toàn vốn nhà nước và thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước cần nắm giữ”.

Khoản vốn thoái từ K+, VTV sẽ chuyển về cho Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Bên cạnh đó, từ quý I/2016, VTV cũng ráo riết tính chuyện cổ phần hóa và bán phần vốn của mình tại Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), Truyền hình cáp Saigontourism (SCTV).

Đại diện VTV cho rằng, cổ phần hóa sẽ khiến những doanh nghiệp này quản lý và kinh doanh tốt hơn, VTV chỉ đóng vai trò kiểm soát nội dung.
Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn