Mua bán nợ doanh nghiệp: ‘Nhận khó về mình!’

Kinh tếThứ Bảy, 24/08/2013 07:15:00 +07:00

Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang được đánh giá là một hướng đi hữu hiệu gỡ khó cho DN và cả nền kinh tế.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang được đánh giá là một hướng đi hữu hiệu gỡ khó cho DN và cả nền kinh tế.

Nắm giữ trọng trách thực hiện tái cơ cấu DN thông qua mua bán nợ xấu, hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nay còn gọi là Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang được đánh giá là một hướng đi hữu hiệu gỡ khó cho DN và cả nền kinh tế. Nhìn lại thành tựu mà DATC đã đạt được trong gần 10 năm qua, ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC chia sẻ những trăn trở của người đi tiên phong trong hoạt động còn mẻ và không kém phần nhạy cảm này.

- Trong bối cảnh nợ xấu đang đè nặng lên nền kinh tế, việc điều trị tận gốc khối“ung nhọt” này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, ông đánh giá thế nào về vai trò của DATC trong hoạt động “giải cứu”, làm lành mạnh hoá tài chính DN?


Ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC 
Nếu nhận xét một cách khách quan và công bằng nhất, tôi cho rằng công việc mà DATC đang làm chính là việc “nhận khó về mình”. Vì sao ư? Cứ nhìn vào thực trạng nền kinh tế trong 5 năm vừa qua với rất nhiều biến động “chóng mặt”: từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát rồi thiểu phát, biến động về tín dụng, lãi suất ngân hàng tăng giảm bất thường, rồi nợ xấu…

Bối cảnh kinh tế đó, đến các anh DN “khỏe” còn “chết” nữa là việc “vực dậy” các doanh nghiệp đang “ốm yếu”, đã, đang rơi vào tình trạng tài chính yếu kém, nợ nhiều và thậm chí không có khả năng trả nợ... Khi một DN đã bên bờ vực phá sản thì không chỉ tiềm lực tài chính, hoạt động kinh doanh mà công tác quản trị cũng rất yếu.

Vấn đề mấu chốt của hoạt động tái cấu trúc DN thông qua xử lý nợ là tạo ra giá trị gia tăng cho DATC, cho doanh nghiệp nhà nước (con nợ), cũng như mang lại nhiều tác động lan tỏa tích cực cho nền kinh tế. Đó là cả một quá trình phức tạp.

Tuy nhiên, từ cơ chế, hành lang pháp lý cho hoạt động của Công ty còn chưa có hướng dẫn đầy đủ, đến nhận thức của nhiều giám đốc doanh nghiệp còn thiếu, nên chưa muốn hợp tác với DATC để cùng nhau xử lý các khoản nợ dù rằng họ có nhiều lợi ích…

Từ khi triển khai hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu vào năm 2006 đến nay, DATC vẫn là người chủ động tìm các DN để hỏi… mua nợ.

- Có thể là bản thân các DN cũng chưa đủ niềm tin vào khả năng của một công ty mua bán nợ để giải quyết tận gốc các khó khăn của mình?

Trên thực tế, sau khi được thành lập từ năm 2004, DATC thậm chí từng bị gọi là “Công ty tiền gửi” bởi có tới 1.800 tỷ tiền vốn (trong tổng số 2.000 tỷ vốn điều lệ) của công ty không hề được dùng mua bán nợ mà vẫn yên vị trong tài khoản gửi tại ngân hàng.

Năm 2006, khi được điều về nhận nhiệm vụ tại DATC, với quyết định xuất trên 1.700 tỷ thực hiện mua bán nợ DN, dù đây là việc làm rất đúng theo chức năng được giao khi thành lập của DATC, thì quyết định này của tôi vẫn có lúc bị đánh giá rằng “quá liều”...  

Tuy nhiên, khi DATC trở về đúng vị trí của mình, các DN được DATC tái cấu trúc thông qua xử lý nợ đều có chuyển biến tích cực, thay đổi cơ bản về chất. Các DN thoát khỏi tình trạng phá sản hoặc đình trệ trong hoạt động kinh doanh và tiếp tục đóng góp cho ngân sách, tránh được việc hàng ngàn lao động mất việc làm.

Nhà nước thu được các khoản nợ đọng thuế là 201 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội là trên 30 tỷ đồng, kinh phí công đoàn đều được giải quyết và thanh toán triệt để…

 
Trên thực tế, sau khi được thành lập từ năm 2004, DATC thậm chí từng bị gọi là “Công ty tiền gửi” bởi có tới 1.800 tỷ tiền vốn (trong tổng số 2.000 tỷ vốn điều lệ) của công ty không hề được dùng mua bán nợ mà vẫn yên vị trong tài khoản gửi tại ngân hàng.
 
Với số vốn nhà nước cấp ban đầu 2.000 tỷ đồng, qua 10 năm hoạt động, số vốn nhà nước thực có tại DATC thời điểm hiện nay là gần 3.000 tỷ đồng. Qua hơn 6 năm hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN dù một số cơ chế, chính sách hoạt động còn rất “bó” nhưng DATC đã sử dụng hiệu quả, quay vòng nhanh số vốn được cấp ban đầu để xử lý được hơn 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho nền kinh tế và hiện đang thực hiện đàm phán xử lý khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu… DATC cũng đã tham gia mua nợ của khoảng 20 tổng công ty như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Miền Trung, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, các tổng công ty xây dựng công trình giao thông, Tổng công ty Cà phê… và hiện đang tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu Vinashin…


- Như ông đã nói, đây là một hoạt động còn quá mới mẻ tại Việt Nam, và có lẽ là không có lý khi DATC có lúc trở thành “Công ty tiền gửi” như một giải pháp an toàn cho nguồn vốn. Ông đã có niềm tin như thế nào khi thực hiện những quyết định táo bạo, thậm chí bị xem là “quá liều” đó?

Về bản chất, mua bán nợ cũng là một hoạt động kinh doanh, đo đó chắc chắn sẽ luôn có rủi ro đi cùng cơ hội. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cho rằng những quyết định của mình là “liều”. Đây là hoạt động tập thể với trí tuệ và quyết tâm của rất nhiều người. Và khi đã quyết định lựa chọn “cứu” DN, vấn đề cần xác định rõ là quyết tâm làm đến cùng, đạt hiệu quả cao nhất, chứ không phải là bằng mọi giá.

Có thể ví dụ cụ thể bằng chính kỷ niệm về cuộc “giải cứu” đầu tiên của tôi với Công ty Sadico Cần Thơ (chuyên sản xuất và cung cấp vỏ bao xi măng cho miền Tây Nam bộ) năm 2006. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ngày 30-6-2006, Sadico có tổng tài sản là 168 tỉ đồng nhưng nợ phải trả tới 219 tỉ đồng, lỗ lũy kế 118 tỉ đồng. Rất nhiều nỗ lực tháo gỡ của UBND tỉnh Cần Thơ, thậm chí bản thân DATC từ 2 năm trước cũng đã từng đến Sadico khảo sát nhưng vẫn không tìm được giải pháp.

Chính vì thế, ngay trong cuộc khảo sát đầu tiên của tôi tại đây, ban lãnh đạo Sadico tỏ ra rất hờ hững, không mấy mặn mà. Tuy nhiên, cân nhắc tiềm năng của DN, cũng như ý nghĩ xã hội không nhỏ, chúng tôi đã quyết định thực hiện mua nợ, tái cơ cấu DN. Kết quả từ thời điểm hoàn tất tái cơ cấu 1-7-2007 đến nay, Sadico liên tục kinh doanh có hiệu quả với suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân trên 20% và trả cổ tức 30%/năm…

Rõ ràng, nếu như trước sự hờ hững, bất hợp tác của DN, bản thân tôi và DATC nản chí, hay vì tự ái cá nhân mà “buông tay”, cục diện của DATC đến nay có lẽ đã không thể được như bây giờ.

Có thể nói, bên cạnh sự quyết tâm, mỗi một cá nhân tham gia vào hoạt động này đều phải hết sức có “Tâm”. Bởi chỉ cần anh để bất kỳ một ý nghĩ thiên về quyền lợi cá nhân chi phối là có thể hỏng việc, hoặc hiệu quả công việc không cao như dự tính.

Dùng đồng tiền của nhà nước để mua nợ nhà nước, không phải là một việc đơn giản và an toàn, bởi nếu chỉ tính đến sự an toàn, có lẽ đến bây giờ DATC vẫn có thể là một “Công ty tiền gửi”…

- Ông cũng vừa đề cập đến một vấn đề rất “nóng” thời gian qua, đó là Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, trong khi nhu cầu xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng đang rất lớn. Với kinh nghiệm điều hành DATC, theo ông hiện nay chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề gì giải quyết được vấn đề này?

Vướng mắc lớn nhất để hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp của chúng ta hiện nay là vấn đề cơ chế. Chúng ta cần những quyết định mang tính đột phá trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản cho công tác mua bán nợ.

Với vai trò là nhà mua bán nợ chuyên nghiệp nhất hiện nay, DATC hiện đã được Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm theo hướng xem xét nâng cấp hoạt động về quy mô và năng lực của DATC thông qua Đề án tái cơ cấu DATC.

Bên cạnh đó, DATC đã chủ động đề xuất trình Bộ Tài chính tham gia dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng cao năng lực hoạt động cho DATC thông qua chương trình hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DATC, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quản trị DN...

Chúng tôi cũng đã kiến nghị đến các cơ quan hữu quan tháo gỡ các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của DATC như: đề nghị ban hành thông tư hướng dẫn riêng cho DATC trong tái cơ cấu đối với các DN có giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện CPH. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ xấu của NHTM và tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, khống chế thời hạn xử lý nợ, nếu quá thời hạn thì phải bán theo giá của tổ chức thẩm định trung gian.

Trong trường hợp nguồn vốn của DATC không đủ để thực hiện mua nợ gắn với tái cấu trúc DN thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn (có hoàn trả) cho DATC, hoặc phát hành trái phiếu DATC (được định kỳ định giá lại) để thực hiện xử lý nợ.

Mặt khác, nên tháo bỏ quy định đang “bó” hoạt động mua bán nợ xấu của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), sớm sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu của VDB theo hướng tạo quyền chủ động cho VDB như các ngân hàng thương mại…

Rõ ràng là chỉ khi hình thành được một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, dần xã hội hóa hoạt động này, thì bài toán cởi bỏ nợ nần cho khối DN nói chung và DNNN nói riêng mới có lời giải trên diện rộng.

Xin cảm ơn ông!

Thông qua hoạt động mua và xử lý nợ, giúp các DN thoát khỏi tình trạng phá sản hoặc đình trệ trong hoạt động kinh doanh, tránh được việc hàng ngàn lao động mất việc làm, NSNN không phải mất kinh phí xử lý lao động dôi dư và trợ cấp mất việc làm. Đồng thời qua việc giúp DN khôi phục và tăng cường khả năng kinh doanh. 





Theo Thời báo Tài chính
Bình luận
vtcnews.vn