Mũ bảo hiểm dỏm, cách nhận biết đơn giản

Thời sựChủ Nhật, 10/03/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn bằng mắt thường.

(VTC News) – Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn bằng mắt thường.

Từ ngày 15/4 tới, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Khương Kim Tạo – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

- Dấu hiệu để người dân có thể nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn bằng mắt thường là gì thưa ông?

Mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng là chiếc mũ đã được qua thử nghiệm và chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn số 02/2008 của Bộ khoa học và Công nghệ.

Ông Khương Kim Tạo – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (Ảnh: Minh Quân) 
Do có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm được chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn đó nên việc tìm mua một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng không khó.

Những mũ hợp quy đều được gắn dấu hợp quy (CR) và phê chuẩn của cơ quan thử nghiệm. Tem hợp quy là mẫu tem có gắn dấu CR, nhưng không phải cứ nhìn thấy tem là yên tâm được.

Ngoài ra, trên bề mặt sản phẩm còn có các thông tin về loại mũ đó. Mua những chiếc mũ như vậy là hoàn toàn đảm bảo chất lượng.


Bạn cũng có thể sờ vào sản phẩm nếu thấy xốp trong mũ quá mỏng, quá yếu, chỉ bấm nhẹ xốp đã nhũn ra rồi thì sao có thể chống được chấn thương sọ não?

Cơ sở chứng nhận thường chụp hình chiếc mũ đó và các thông tin thử nghiệm cũng như các thông tin khác về sản phẩm cung cấp cho đơn vị phân phối, khách hàng.

Tuy nhiên, người dân cũng cần cảnh giác vì không ít doanh nghiệp gắn dấu CR dởm cho sản phẩm chất lượng kém của mình. Bản thân nơi bán người ta sẽ phải cung cấp đầy đủ các thông tin về sản phẩm đó.

Tôi cho rằng, cái chính không phải ở chỗ người dân không nhận biết được đâu là mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đâu là mũ bảo hiểm giả mà là ở chỗ một số người, đặc biệt thế hệ trẻ cố tình mua mũ giả để đối phó.

- Hiện nay, ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất, cung cấp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng?

Hiện chúng tôi chưa nắm được chính xác tổng số doanh nghiệp sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm uy tín, đảm bảo chất lượng, nhưng theo tôi, phải có tới vài chục công ty cung cấp mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Khi chúng tôi họp để xem xét chất lượng mũ bảo hiểm thì có tới mấy chục công ty có sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Bộ Công thương hiện đã công bố danh sách hàng loạt công ty có mũ bảo hiểm hợp quy rồi. Người dân có thể tham khảo trên website của Bộ. Bạn có thể mua sản phẩm của bất cứ hãng nào trong danh sách đó, chứ đừng quá nặng nề thương hiệu của hãng.
Tem CR trên các mũ bảo hiểm hợp quy (Ảnh: Minh Quân)  
- Cách đây không lâu, mũ bảo hiểm của một công ty từng tạo nên “cơn sốt”, thu hút nhiều khách hàng. Ông đánh giá thế nào về chất lượng mũ bảo hiểm và theo ôngliệu trước thềm 15/4 tới, lịch sử có lặp lại hay không?

Tôi cho rằng đó là một hãng cung cấp mũ bảo hiểm đáng tin cậy. Nhưng người ta sản xuất ra hàng nghìn lô thì không phải lô hàng nào cũng đảm bảo chất lượng hết. Có thể người ta thử nghiệm 1.000 lô, nhưng trong đó có một vài lô không đảm bảo thì họ sẽ không đưa vào lưu thông.

Khái niệm về chất lượng là một phạm trù rất khó nên chúng ta phải mua hàng ở những công ty có uy tín, đã được chứng nhận hợp quy.

Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai chương trình truyền thông tương đối rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, đặc biệt là những người đang sở hữu loại mũ giả đó biết mình có thể sẽ bị xử phạt, để họ lo liệu trước về việc mua chiếc mũ bảo hiểm khác, đảm bảo chất lượng.

- Trước đây, chúng ta từng triển khai một chiến dịch như thế nhằm “dẹp sạch” mũ bảo hiểm giả, nhưng không thành. Có ý kiến cho rằng, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại trên. Ông có đồng tình với quan điểm trên hay không? Vì sao?

Tôi nghĩ nói như thế cũng là khó vì tôi từng tham gia các cuộc họp về vấn đề xử lý những mũ giả mạo mũ bảo hiểm trong nhiều năm gần đây. Bên Bộ khoa học và công nghệ, người ta rất muốn dẹp loại mũ này đi, nhưng chế tài để dẹp chúng chưa đầy đủ.

 

Những mũ hợp quy đều được gắn dấu hợp quy (CR) và phê chuẩn của cơ quan thử nghiệm. Tem hợp quy là mẫu tem có gắn dấu CR, nhưng không phải cứ nhìn thấy tem là yên tâm được. Ngoài ra, trên bề mặt sản phẩm còn có các thông tin về loại mũ đó. Mua những chiếc mũ như vậy là hoàn toàn đảm bảo chất lượng.

Ông Khương Kim Tạo
 
Chủ những quầy bán mũ bảo hiểm giả như vậy thường cãi bay rằng người ta không bán chúng cho những người đi mô tô, xe gắn máy mà bán cho người đi bộ cơ. Do không đủ chế tài, chúng tôi không thể tịch thu sản phẩm của người ta.


Không phải chúng tôi bất lực mà theo luật, người dân vẫn có quyền bán mũ vải…cho người dân chống nắng. Muốn xử lý triệt để tình trạng này, giờ chỉ cần dẹp mũ bảo hiểm giả trên đầu của người đi mô tô, xe gắn máy là được.

Còn thị trường người ta vẫn bán là việc của người ta. Nhân dân có quyền mua chúng về để đội chống mưa, chống nắng khi đi làm nương rẫy. Chúng ta không nên can thiệp sâu sắc vào những việc đó.

- Vậy trong đợt ra quân tới đây, đối tượng xử phạt chính là ai?

Đợt này chúng ta ra quân không phải là để xử lý các mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau. Các mũ đảm bảo chất lượng mà chúng ta dùng một thời gian, khoảng vài năm mà nó bị xuống cấp, có thể khi thử nghiệm, chất lượng của nó không đạt yêu cầu nữa, nhưng đợt này chúng ta không giải quyết cái đó.

Nói cách khác, những chiếc mũ đảm bảo chất lượng, nhưng đã bị xuống cấp, đương nhiên không được mất các bộ phận như lớp xốp hay bị đứt quai thì không vấn đề gì. Chúng ta chưa xử lý đến.

Chúng ta chỉ tập trung giải quyết các mũ bảo hiểm giả mạo mũ bảo hiểm. Bằng trực quan chúng ta biết ngay đó là mũ không đảm bảo chất lượng và như vậy công an có thể phạt được ngay. Và chắc chắn chúng ta sẽ làm được!

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn