Một viện trưởng thẳng thắn nói về việc mua máy Bio-Rad

Sức khỏeThứ Năm, 13/11/2014 06:43:00 +07:00

(VTC News)- GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư thẳng thắn nói về việc viện mua thiết bị và hóa chất nhập từ Công ty Bio-Rad.

(VTC News)- GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư thẳng thắn nói về việc viện mua thiết bị và hóa chất nhập từ Công ty Bio-Rad.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, đơn vị đang sử dụng trang thiết bị và hóa chất nhập từ Công ty Bio-Rad cho biết, khi Bộ Y tế có yêu cầu các đơn vị báo cáo, Viện đã đáp ứng đầy đầy đủ.

 
Ông Trí chia sẻ: “Tôi đã chỉ đạo Viện phó kiểm tra hồ sơ đấu thầu và các hồ sơ liên quan để trình Bộ Y tế. Tôi khẳng định Viện đã sử dụng sản phẩm của Cty Bio liên tục từ 10 năm nay, từ năm 2005 đến nay.

Các sản phẩm đa số cho sàng lọc máu như hóa chất sinh phẩm, thiết bị lọc máu. Viện chỉ mua hóa chất sinh phẩm chứ không mua thuốc điều trị. Nguồn vốn để mua sản phẩm của Bio-Rad từ vốn dự án xây dựng các trung tâm
truyền máu trong cả nước do Ngân hàng thế giới tài trợ từ năm 2003-2009.

Nguồn thứ 2 là từ kinh phí của Viện do có tiền quay vòng. Và có 1
số rất ít nguồn vốn từ dự án phòng chống HIV cho việc an toàn truyền máu.

Tôi khẳng định tuyệt đối Viện chưa bao giờ mua trực tiếp sản phẩm của Bio-Rad. Từ năm 2005-2009 có nhiều dự án đấu thầu và Viện mua lại sản phẩm của Bio - Rad từ các công ty khác. Viện đã mua lại các sản phẩm của 10 công ty trong vòng 10 năm. Các công ty này đều được phép kinh doanh
mặt hàng này tại thị trường Việt Nam.

Trong 10 năm tổng số tiền đã mua sản phẩm của Bio-Rad mà viện sử dụng là 70 tỉ 100 triệu đồng. Phải nói là số tiền này so với tổng số tiền mua hóa chất của Viện ở thời điểm này chiếm tỉ trọng rất ít.

Trong thời gian này Viện cũng mua hóa chất của nhiều công ty khác nhau chứ không chỉ riêng của Bio-Rad. Năm 2005 tiền mua hóa chất của Bio-Rad chỉ chiếm 20% tổng số tiền mua hóa chất; 2010 chiếm 33%.

Thậm chí có những năm chỉ 0,01%. Tính trung bình trong 10 năm thì ngân sách của Viện mua hóa chất và sản phẩm của Bio-Rad chỉ chiếm 7,8% tổng số tiền mua hóa chất sinh phẩm của viện".

Theo ông Trí, viện đã mua các loại sản phẩm của Bio-Rad như sau, năm 2004 và 2008-2009: viện mua máy từ tiền dự án các trung tâm truyền máu khu vực. Hệ thống eliza tự động, phân tích máu tự động hết hơn 2,3 triệu USD (bằng khoảng 40 tỷ đồng ở thời điểm đó).

Tỷ trọng này so với tiền mua máy móc chung của Viện chiếm 13%. Từ đó đến năm 2010 Viện đã mua máy eliza bán tự động 6 lần qua các công ty với tổng số tiền chiếm 7% tổng số mua máy của Viện.


Trong 10 năm qua, Viện đã có 13 đoàn kiểm toán quốc tế và trong nước cùng 3 đoàn thanh tra của các Bộ Tài chính, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ đến kiểm tra. Kết quả kiểm tra Viện đều thực hiện tốt các quy định. GS Trí cũng khẳng định không có chuyện Viện nhận hoa hồng của công ty bán hàng.

Ông Trí cho biết thêm, trong thời gian tới Viện cũng không sử dụng sản phẩm của Cty Bio-Rad nữa vì đã có công nghệ sàng lọc bằng hóa phát quang tự động. Công nghệ này có ưu điểm là tốt hơn, nhạy hơn công nghệ eliza, kết quả cũng nhanh hơn.

Ngoài ra, những máy đã nhập của Bio-Rad theo quy định đã đến 10 năm, hết thời hạn khấu hao nên cũng không sử dụng được nữa.

Bio-Rad đặt trụ sở chính tại Hercules, California, Mỹvới gần 8.000 nhân viên, giám đốc điều hành là ông Norman D.Schwartz. Khách hàng của Bio-Rad thường là các bệnh viện, viện nghiên cứu lớn, cơ sở y tế công cộng, phòng thí nghiệm.


Video: Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời nghi án Bio Rad hối lộ quan chức ngành y
Ngày 12/11, Bộ Công an đã có buổi làm việc với Bộ Y tế để thống nhất quy chế làm việc trong vụ điều tra nghi án nhận hối lộ 2,2 triệu USD cho quan chức Việt Nam.

Trao đổi với VTC News, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính nói: “Ngay sau khi biết thông tin trên,
Bộ Y tế đã gửi  công văn đến các Sở Y tế, các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu báo cáo việc đầu tư, mua sắm và sử dụng các thiết bị, hóa chất, vật tư y tế do hãng Bio-Rad Laboratories cung cấp giai đoạn 2005-2014. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị báo cáo về Bộ trước ngày 15/11.

Từ đó, Bộ sẽ có cơ sở để xem xét cụ thể về quá trình mua bán, đấu thầu, việc Bio- Rad có đưa tiền hoa hồng cũng như cho các đơn vị đi dự hội nghị đào tạo ở nước ngoài hay không?

Theo Bộ Y tế, trang thiết bị y tế của công ty Bio-Rad có thể được đưa vào bệnh viện theo nhiều nguồn như viện trợ, đấu thầu từ ngân sách, nguồn vốn vay hoặc xã hội hóa. Với hình thức xã hội hóa, công ty đặt máy xét nghiệm ở bệnh viện, cùng khai thác, lợi nhuận được chia theo thỏa thuận.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết đã có hơn 10 đơn vị báo cáo có sử dụng trang thiết bị của công ty Bio-Rad cung cấp nhưng không tiện nêu tên.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 11/11, Bộ Y tế cũng thành lập tổ công tác thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nghi án hối lộ của Công ty Bio-Rad phục vụ công tác điều tra.

Tổ công tác có nhiệm vụ thu thập, thống kê hồ sơ, tài liệu liên quan đến các trang thiết bị, hóa chất sử dụng  kèm trang thiết bị, thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế do công ty Bio-Rad sản xuất, lưu hành và được sử dụng tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009.

Các thành viên tổ sẽ thống kê danh mục, số lượng sản phẩm của Công ty Bio-Rad đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam hoặc đã được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Cơ quan chức năng đang tích cực điều tra về nghi án Cty Bio- Rad (Hoa Kỳ) đưa hối lộ 2,2 triệu USD trong quá trình thực hiện dự án Y tế ở Việt Nam gây xôn xao dư luận.

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn