Một tay “nách” thêm mấy nghề để “vượt” bão giá

Kinh tếThứ Ba, 05/04/2011 12:26:00 +07:00

(VTC News)- Để vượt qua bão giá, nhiều người lao động đã làm thêm việc tay trái để vớt vát thu nhập...

(VTC News) - Một nghề trong tay chưa kiếm đủ tiền để theo kịp mức tăng giá các mặt hàng nên nhiều người đã phải cáng đáng thêm nghề tay trái hay chấp nhận thức khuya dậy sớm để kiếm thêm chút thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Xe ôm kiêm nhiệm…

Trời vừa tảng sáng, những cơn gió lạnh cuối đông khiến nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ nhưng trên một số tuyến đường của Hà Nội rất nhiều tài xế xe ôm đã bắt đầu công việc của một ngày mới.


Thời buổi tăng giá, sự khó khăn thấy rõ nhất là ở đời sống của những người lao động nghèo. Túi tiền đã eo hẹp nay lại phải căng ra chống đỡ với đủ khoản chi tiêu từ lớn đến nhỏ. Vì vậy, nhiều tài xế xe ôm cũng phải tận dụng hết thời gian trong ngày để kiếm thêm chút tiền ít ỏi.

Hành nghề xe ôm đã hơn 3 năm, nhưng chưa năm nào anh Minh (Phường Láng Thượng – Quận Đống Đa) thấy khó khăn như năm nay.


Sinh ra và lớn lên ở làng Láng - chuyên trồng húng, thế nhưng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, những mảnh ruộng trồng húng ngày nào đã nhường chỗ cho các khu đô thị hay tòa nhà cao tầng. Vì vậy, những hộ dân sống dựa vào nhập húng cho các chợ đầu mối phải tìm hướng đi mới và gia đình anh Minh không phải là ngoại lệ.

Nhiều người lái xe ôm đang "kiêm nhiệm" nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập (Ảnh chỉ mang tính minh họa)


Để có thêm thu nhập, ngoài chạy xe ôm, anh Minh còn là nhân viên của công ty môi trường đô thị. Công việc thu gom rác bắt đầu từ 5 giờ chiều và kết thúc lúc hơn 12 giờ đêm. Và khi những đồng nghiệp khác về nhà nghỉ ngơi, anh Minh lại tiếp tục đồng hành với chiếc xe máy Dream đã ố màu rong ruổi khắp nơi, để kiếm thêm chút thu nhập.


Anh Minh cho biết: “Thu nhập mỗi tháng từ tiền công nhân môi trường chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Vợ lại ốm đau thường xuyên nên chỉ nấu rượu bán cho mấy quán nhậu gần nhà, mỗi tháng may lắm cũng chỉ được 1-1,2 triệu đồng. Nhà 4 miệng ăn, trong đó 2 con gái đang gần cuối cấp nên tiền học thêm cũng gần 2 triệu rồi. Nếu không đi thêm xe ôm thì biết trông vào đâu”.

Theo lời anh Minh, mỗi ngày trừ mọi khoản chi phí thu nhập từ chạy xe ôm của anh khoảng 50.000 đồng, nhưng dạo này mọi thứ đắt đỏ có những tháng cố ăn uống tằn tiền đến hết mức mà vẫn thiếu, thậm chí còn phải vay mượn khắp nơi để đóng tiền học cho con.


Không may mắn như anh Minh, vì bác Vũ (Quê Hải Dương) từ quê lên Hà Nội chạy xe ôm kiếm sống phải chịu thêm tiền thuê nhà, điện nước và các khoản ăn uống, tính chi li mỗi tháng cũng đã lên đến 2 triệu đồng. Nếu chỉ dừng lại ở việc đứng đón khách ở một điểm cố định, thì không thể đủ tiền trang trải cuộc sống và dành dụm gửi về quê cho vợ, con. Nên hàng ngày bác còn nhận chở 2 con nhỏ của một gia đình gần nhà trọ đi học vào buổi sáng và đón về lúc tan học.


Bác Vũ chia sẻ: “Mỗi ngày như thế, gia đình trả cho tôi 60.000 đồng. Chỉ trừ chủ nhật, còn lại bất kể ngày nắng hay mưa, cứ 6 giờ 30 phút sáng chở tới trường, chiều 5 giờ 30 phút đón về nhà. Mỗi tháng cũng có thêm gần 2 triệu đồng, có tháng bố mẹ tụi nhỏ còn trả thêm 100.000 đồng -200.000 đồng bồi dưỡng. Như thế mới gọi là tạm đủ để gửi về quê cho mấy đứa ăn học”.

Không dừng lại ở đó, buổi sáng khi nhiều anh em cùng nhà trọ đang ngủ ngon, bác đã trở dậy để đánh xe ra chợ đầu mối tìm xem ai có nhu cầu thuê chở hàng hoặc bốc vác các kiện hàng rau, quả lớn hay không?. Mới gần 55 tuổi, nhưng những lo toan của cuộc mưu sinh vất vả đã khiến cho gương mặt bác Vũ thêm nhiều những nếp nhăn và khi sức khỏe ngày càng giảm sút,  bác vẫn ước một điều: “Tôi chỉ mong có thêm sức khỏe để tiếp tục làm việc lo cho mấy đứa học hành đến nơi đến chốn, chứ khổ mấy cũng chịu đựng được”.


Trong khi giá xăng tăng từ hôm 29/3, nhưng nhiều xe ôm vẫn nhịn “lãi” để giữ khách quen. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu cảnh lãi ít hơn hoặc tìm thêm một công việc tay trái để có thêm nguồn thu nhập. Anh Giang ( Quê ở Nghệ An) đã chạy xe ôm trên đất Hà Nội cả chục năm nay, nhưng với giá cả tăng liên tục nên giá nhà trọ và các khoản chi tiêu của anh vì thế cũng chạy đua theo, thậm chí có những tháng anh không đủ tiền mà gửi về quê cho vợ, con.

Anh Giang nhẩm tính, tiền xăng vừa tăng nhưng tiền nhà trọ cũng sắp tăng từ 800.000 đồng lên 900.000 đồng, còn tiền điện tăng thêm 500 đồng lên 3.500 đồng/số. Nên thu nhập gần 70.000 đồng từ tiền chạy xe ôm của anh chẳng còn dư dả được bao nhiêu. Vì vậy, mấy hôm nay anh cũng đã xin làm bảo vệ buổi tối cho một xưởng may với đồng lương ít ỏi 1 triệu đồng/tháng.

Anh Giang chia sẻ: “Người thành phố họ tiêu một lúc hết cả triệu đồng, nhưng đối với chúng tôi đó là số tiền lớn, thậm chí nuôi sống cả gia đình 1 tháng. Có hôm ngồi từ sáng đến chiều chẳng có ai thuê chở đi đâu cả, trong khi cứ ra khỏi phòng trọ là phải tiêu tiền nên phải chuyển hướng khác để thêm thu nhập”.


Tiểu thương cũng “lăn” vào nghề tay trái


Không chỉ có các lái xe ôm mới kiêm nhiệm thêm nghề tay trái, mà ngay cả một số tiểu thương ở chợ cũng tranh thủ thời gian rỗi nhận thêm việc về nhà làm.

Nhận hàng mã về nhà làm là cách lựa chọn của nhiều người bán hàng
( Ảnh minh họa)


Cả tháng nay cứ mỗi tối, chị Hoa ( tiểu thương chợ Ngã Tư Sở) lại tranh thủ 2-3 tiếng để làm hàng mã. Tiền công mỗi sản phẩm chỉ có 200 đồng, nhưng mỗi ngày huy động cả chồng và cậu con trai, gia đình chị Hoa cũng thu được 40.000 đồng tiền công. Anh Hoàng – Chồng chị Hoa chia sẻ thêm: “Thời buổi khó khăn, có thêm đồng nào hay đồng ấy. Tiền công chả đáng là bao, nhưng cần mẫn mỗi tháng cũng thêm được gần 1 triệu đồng coi như đủ tiền điện nước và chi tiêu lặt vặt”.

Cách chỗ bán của chị Hoa không xa, chị Oanh bán hàng đồ khô cũng tranh thủ vừa bán tại chợ vừa đi dọn nhà cho những gia đình xung quanh khi có yêu cầu. Thậm chí có ngày chị phải gửi cho người bên cạnh bán hộ, vì một lúc mấy nhà cũng gọi. Chị Oanh cho biết, buôn bán là một phần, muốn có thêm tiền cho con cái học hành rồi trang trải lúc ốm đau, hiếu hỉ phải “lăn” vào mà chịu vất vả.

Được biết, mỗi lần dọn nhà và lau cầu thang chị được trả 50.000 đồng, có những nhà còn trả thêm 5.000 – 10.000 đồng để lần sau cho dễ gọi. Chị Oanh nói: “Ăn uống hàng ngày của cả nhà hơn 100.000 đồng, mà bán đồ khô có phải lúc nào cũng đắt hàng, lâu lâu người ta mới mua cho một ít miến, một ít mộc nhĩ nên lãi có khi chẳng bù được vốn. Không làm thêm thì ăn còn chưa đủ chứ nói gì đến đám cưới, đám hỏi hay mua thuốc lúc ốm đau nữa”.

Chị Lệ quê tận Vĩnh Phúc nhưng ngày ngày vẫn phải vượt gần 40km đưa thịt xuống tận Hà Nội để bán. Bán buôn ngày càng khó khăn, ngày ế nhiều hơn ngày hết hàng, nên chị và chồng đã quyết định thiết lập mối quen với các hàng cơm trong khu vực để nhập thịt. Lượng thịt chị lấy từ lò mổ vẫn giữ nguyên, nhưng hơn một nửa trong đó, chị chia sẵn cho các quán đã đặt trước.

Vì vậy, từ hôm ra Tết, ngoài bán tại địa điểm cố định, chị và chồng còn thay nhau đưa thịt cho các quán ăn. Chị Lệ cho biết, mình lập mối quen trước để đưa thịt lúc còn tươi ngon, chứ lúc mà ế khó bán lắm, chủ quán họ chê nên chỉ còn biết cách đưa về nhà.

Thành Công



Bình luận
vtcnews.vn