Một ngày của người thầy khiếm thị

Giáo dụcThứ Ba, 13/07/2010 06:40:00 +07:00

(VTC News)- Thầy Lí và các học sinh đã trải qua những cố gắng phi thường để học tập, và nỗ lực bền bỉ...

(VTC News)- Tính đến nay, khoảng 80 học sinh đã tốt nghiệp khoá đào tạo ba năm của thầy Lí. Kể từ khi bắt dầu, ngôi trường thiếu đủ mọi thứ từ dụng cụ học tập hay thực hành, thầy Lí và các học sinh đã trải qua những cố gắng phi thường để học tập, và nỗ lực bền bỉ của họ đã giành được  lòng tin của Dàn nhạc Bắc Kinh. Dàn nhạc đã đặt chiếc piano Steinway vô giá vào đôi bàn tay kỳ diệu của Lí để ông “lên dây chỉnh phím”.


 Dạy trò với đôi tay cảm nhận (Ảnh Static)
Trần Yên, 38 tuổi, một trong những học sinh đầu tiên của thầy Lí tìm công việc chỉnh đàn; cô bắt đầu lập công ty chỉnh đàn piano của riêng mình năm 2003. "Nhận điện thoại lần đầu tiên, tôi không nói với khách hàng tôi là người khiếm thị vì tôi sợ họ sẽ không tìm tới tôi. Mọi thứ khó khăn gấp bội với những người như chúng tôi, nhưng một hai lần qua đi và kết quả tốt đẹp đã khiến khách hàng cuối cùng đã tin tưởng chúng tôi, và giao cây đàn piano rất giá trị cho chúng tôi”, Trần kể.

Cảm giác của Trần cũng giống như Phùng Nhật và Trương Hồng Hải – những cựu sinh viên của thầy Lí và giờ đang làm việc tại một trong các phòng trưng bày piano nổi tiếng nhất Trung Quốc. Theo Phùng, họ đã rất căng thẳng chờ đợi mọi phản ứng sau khi chỉnh đàn piano cho ngôi sao Lang Lang. "Anh ấy không nói ra và rời đi, khiến chúng tôi tự hỏi không hiểu có việc gì xảy ra, cho tới khi trợ ký của anh ấy đến và nói – các anh thực sự đã làm nên chuyện vì Lang Lang không thể tìm ra thứ gì sai lệch”.

Gìơ đây, hơn một nửa học sinh tốt nghiệp của thầy Lí trở thành người chỉnh đàn, với hy vọng một ngày “khi những người cần tìm thợ chỉnh đàn piano đầu tiên sẽ nghĩ tới người khiếm thị”.

Phần lớn, những người muốn kiếm một giấy chứng nhận để trở thành thợ chỉnh đàn piano chuyên nghiệp cần vài tháng, nhưng với thầy Lí, quá trình ấy kéo dài 22 năm.

Một ngày của thầy giáo khiếm thị


7:45 sáng: Chờ xe buýt

Thầy Lí chờ đợi ở lối vào trường Khiếm thị Bắc Kinh để bắt xe buýt cùng với 12 học sinh tham gia kiểm tra thử nghiệm trong nỗ lực được cấp giấy phép làm thợ chỉnh đàn chuyên nghiệp.

Năm học sinh trong số ấy không thể nhìn thấy gì, cũng giống như người thầy mình vậy. Những người khác thị lực rất yếu. Thầy Lí đã dạy cho gần 100 học sinh khiếm thị kể từ khi bắt đầu một khóa học đặc biệt vào năm 1991.

9 giờ sáng: Kiểm tra bắt đầu

Thầy Lí đưa học sinh vào phòng kiểm tra và họ có hai giờ để chỉnh những chiếc dương cầm trong phòng. Thầy Lí bắt đầu học để trở thành người chỉnh đàn từ năm 1978 và giờ đây được đánh giá là một trong những bậc thầy chỉnh đàn.

"Không phải vì chúng tôi nghe tốt hơn. Khi con người không thể nhìn thấy, họ càng phải chú ý nhiều tới âm thanh”, thầy giải thích. Nhưng, thầy nói rằng, những người chỉnh đàn khiếm thị vất vả hơn nhiều với người bình thường, vì họ phải sờ và cảm nhận chiếc dương cầm để phát hiện ra các vấn đề thay vì có thể trực tiếp nhìn ra chúng.

"Chúng tôi cần nhiều thời gian hơn, nhưng công việc của chúng tôi làm chính xác hơn”, thầy nói trong khi nghe ba chuyên gia đánh giá trình độ của các học sinh.

12h15: Ăn trưa

Thầy Lí nhờ một học sinh có thể nhìn được chút ít đưa thầy tới phòng ăn của trường hàng ngày.

Thầy hoàn toàn mất cảm giác ánh sáng khi bước sang tuổi 30 và sau đó hoàn toàn phụ thuộc vào thính giác. Từ tiếng vọng nhẹ của một bức tường, thầy có thể nói còn cách đó bao xa, từ giọng nói hay thậm chí hơi thở của một người, thầy có thể biết họ bao nhiêu tuổi và cảm giác của họ thế nào.

Dĩ nhiên, trong phòng ăn, nơi âm thanh ồn ào ở khắp nơi, đôi tai “siêu cảm nhận” của thầy Lí mất ít chút khả năng.

3 giờ chiều: Bắt đầu các bài học chỉnh đàn

Thầy Lí trở về lớp học khi nghe chuông reo. Đồng hồ trên tường phòng học nhỏ với 12 học sinh dừng ở số 2. Thầy Lí cho biết, họ không để ý khi nào đồng hồ ngừng chạy vì không ai trong lớp này cần sử dụng nó.

Vương Nhuệ Hoa, 45 tuổi, là học sinh nhiều tuổi nhất trong lớp của thầy. Anh ngồi trước một chiếc piano và làm theo chỉ dẫn của thầy Lí từng bước một.

"Đặt tay ở đây và chơi đàn”, thầy Lí nói. Thầy đặt ngón tay của Vương lên dây và nói về cảm giác của anh.

Những bài học giữa một giáo viên và học sinh khiếm thị có thể rất khó khăn. “Chúng tôi không hề nhìn thấy nhau, nên tôi dạy họ bằng tay và họ cũng học bằng tay”, thầy nói. Qúa trình học rất mất thời gian nên lớp của thầy Lí không thể hơn 12 học sinh trong một năm.

5h30 chiều: Về nhà

Mặc dù những ngày làm việc thường kết thúc vào lúc 4h50 chiều, nhưng thầy Lí rời trường học tuỳ theo khoảng thời gian cần thiết sau khi đã chắc chắn rằng, học sinh tiếp nhận đủ kiến thức trong ngày. Gìơ đây, khi ở tuổi 60, chỉ có duy nhất một người thầy dạy chỉnh đàn khiếm thị ở Trung Quốc nói rằng, trường học sẵn sàng đón nhận thầy và thầy có lẽ không nghỉ hưu trong năm 2012 vì không ai làm việc này tốt hơn.

"Một số người rất có kỹ năng chỉnh đàn nhưng họ không biết truyền đạt kiến thức thế nào đến học sinh, đặc biệt là phần lớn học sinh không thể nhìn thấy gì”, thầy Lí cho biết.

Thầy sử dụng chiếc Dopod C750, chuyển hoạt động của di động sang âm thanh để gọi cho vợ. Thầy Lí kể, thầy có thể trở về nhà một mình, nhưng vợ thầy - người chỉ còn thị lực 0,1 ở một mắt không bao giờ rời chồng. Cô sẵn sàng nắm tay chồng và cảnh báo không ngừng mỗi khi họ bước xuống bậc thềm hay qua đường.

7h30 tối: Chuẩn bị bài vở

Sau bữa tối, thầy Lí ngồi trên ghế và chuyển một số câu hỏi chỉnh đàn sang chữ nổi, một phần bài kiểm tra thường xuyên của thầy với học sinh.

"Gìơ đây, chúng tôi có một số phần mềm chuyển ngôn từ thông dụng sang chữ nổi, nhưng chưa đủ yêu cầu. Tôi vẫn đọc qua tất cả các câu hỏi và sửa lại chúng”, thầy nói.

"Mất gần hai thập niên để chúng tôi lấy niềm tin từ khách hàng và chứng minh rằng, chúng tôi  có   thể làm tốt những điều mọi người có thể. Nếu có một thợ chỉnh đàn khiếm thị không đạt yêu cầu sẽ có thể phá hỏng danh tiếng của tất cả những người chỉnh đàn khiếm thị khác”.

An Huy dịch

Bình luận
vtcnews.vn