Một năm sau biến cố, ông chủ Asanzo thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan

Doanh nhânThứ Ba, 01/09/2020 08:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ông chủ Asanzo đang “lên dây cót” cho Tập đoàn đầu tư Winsan trong vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị.

"Gọi tôi là ông Tam Winsan"

Đầu tháng 8/2020, PV VTC News có buổi làm việc trực tiếp với ông Phạm Văn Tam - ông chủ Asanzo - sau nhiều lần lỡ hẹn do lịch công việc dày đặc. Gặp chúng tôi, vị doanh nhân trẻ này nửa đùa nửa thật: "Đừng gọi tôi là ông Tam Asanzo nữa, hãy gọi tôi là ông Tam Winsan". 

Câu nói của ông Tam khiến chúng tôi không khỏi ngờ vực, hay chăng Asanzo đang lên kế hoạch “thay tên đổi họ” sau một năm gặp biến cố?

Dường như biết được suy nghĩ của người đối diện, ông Tam lập tức phản pháo: “Asanzo vẫn là Asanzo, vẫn ở đó, đồng hành và mang đến những điều tốt nhất cho người tiêu dùng. Còn Winsan là tôi đang nói cho chính bản thân tôi, cho một hành trình sắp tới”. 

Theo "bật mí" của ông Tam, Winsan là một tập đoàn đầu tư tài chính. Tên gọi Winsan được lấy ý tưởng từ thuật ngữ "win - win" của nghệ thuật kinh doanh hiện đại, kỳ vọng mang thắng lợi đến với cho cả hai bên cùng hợp tác. Riêng chữ “san” xuất phát từ  “asan”, theo phiên âm chữ Hán có nghĩa là Tam – tên của vị doanh nhân này. Ở Winsan, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. 

“Bản thân mình sinh nó ra thì trước mắt mình phải chịu trách nhiệm và điều hành nó. Với những thay đổi lần này, tôi muốn mọi người hiểu rằng tôi đang có một định hướng mới, Asanzo chỉ là một nhánh của công ty.  

Từ trước đến nay, tôi phụ thuộc vào Asanzo nhiều quá. Do đó tôi muốn phát triển dự án mới, với vị trí mới, để kêu gọi khởi nghiệp theo cách hoàn toàn mới”, ông Tam chia sẻ. 

Winsan mang hơi hướng như một công ty quản lý Quỹ, chuyên trách thực hiện việc quản lý các quỹ đầu tư. Thông qua việc đầu tư theo danh mục để làm gia tăng giá trị của quỹ đầu tư. 

Với dự định sắp tới, ông Tam sẽ cùng các cộng sự mua lại những công ty đã lên sàn chứng khoán, hoặc những công ty làm ăn chưa ổn định để phát triển lại. Từ vị trí là người sản xuất Asanzo, ông Tam muốn bứt phá trở thành một người chuyên đi đầu tư. 

Một năm sau biến cố, ông chủ Asanzo thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan - 1

Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo và Tập đoàn đầu tư Winsan.

Đây cũng là dịp để vị CEO này cải tổ, xác định lại về vấn đề hệ thống của Tập đoàn Winsan. Tất cả công ty thành viên của tập đoàn sẽ không cần bộ phận tài chính rườm rà, mà quy về một bộ phận do Winsan quản lý.

“Trước kia, tôi có nhiều công ty kinh doanh thì trong đó phải có nhiều bộ phận quản lý tài chính. Nếu biệt lập thì sẽ có một vấn đề là mỗi lần tôi đi kiểm tra thì sẽ có một bộ phận khác đi kiểm tra lại, xem dòng tiền  nằm đâu, hỗ trợ ra sao.  

Thì bây giờ, mỗi công ty chỉ được một vị trí. Công ty chuyên sản xuất thì chuyên tâm sản xuất , dòng tiền trả  về cho công ty  thì  công ty  trả lại cho tập đoàn. Khi mà tập đoàn đã đầu tư cho công ty  thì công ty  phải giữ lại lợi nhuận và chia sau, còn tiền gốc thì trả để quản lý”, ông Tam phân tích. 

Đây là mô hình thường được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng. Tại Việt Nam, các tập đoàn lớn cũng đã sử dụng mô hình này. Đối với ông Tam, nếu muốn đi xa hơn, muốn đi lâu hơn thì phải cải cách việc này.  

“Nguyên tắc là đi một mình bao giờ cũng sẽ nhanh hơn đi một đoàn. Nhưng đến khi nhanh quá thì mình không kiểm soát được và rủi ro sẽ cao. Với lại, ngay lúc này tôi cũng không nhất thiết phải đi nhanh, tôi muốn nhìn nhận lại vấn đề, cải cách lại để tránh tình trạng nhanh quá sẽ thất thoát, không kiểm soát được. Nếu vậy, sẽ gây rủi ro cho cả đoàn”, ông Tam chia sẻ. 

Với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, Tập đoàn đầu tư Winsan sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử, thực phẩm tiêu dùng, nha khoa, bất động sản, công nghiệp... Đối với những dự án ngoài ngành, ông Tam sẽ là người trực tiếp theo dõi, giám sát và quản lý. 

Điểm khác biệt giữa mô hình của Winsan và các công ty quản lý Quỹ là không chỉ cho vay, quan tâm có hiệu quả hay không để rót vốn đầu tư, mà Winsan sẽ sát sao, định hướng cho cách khởi nghiệp những dự án này. 

Winsan - Asanzo: Hai phạm trù hoàn toàn khác 

Khi được hỏi về bộ máy điều hành của Asanzo hiện tại, ông Tam cho biết bản chất ông vẫn là chủ của Asanzo. Tuy nhiên, trên pháp luật thì ông không điều hành mà chỉ là nhà đầu tư.

Một năm sau biến cố, ông chủ Asanzo thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan - 2

Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Winsan.

“Tôi vẫn giữ chức Chủ tịch Asanzo từ xưa đến nay. Em trai hoặc người nhà tôi sẽ điều hành và là người đại diện pháp luật. 

Bộ máy quản lý của Winsan và Asanzo sẽ không liên quan gì đến nhau. Ở Asanzo sẽ có những người biệt lập, giám đốc sẽ chịu trách nhiệm của giám đốc, sản xuất sẽ chịu trách nhiệm sản xuất”, ông Tam nói. 

Theo ông Tam, bản chất Asanzo sau này chỉ là một nhãn hàng, không phải là một tập đoàn đa ngành. Còn Winsan không phải tên một nhãn hàng mà là tên của một tổ chức quản lý. Winsan sẽ quản lý Asanzo. Đây là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. 

Những thương hiệu của nước ngoài hoặc những thương hiệu tại Việt Nam sẽ được Winsan mua lại để phát triển. Lúc này Winsan sẽ nắm nhiều thương hiệu. 

Tuy nhiên, một vấn đề khiến các ngành hàng còn e ngại, phân vân nên hay không dù rất muốn Winsan đầu tư, đó là việc sợ “đụng” ngành hàng. 

Do đó, để tránh các công ty đụng ngành hàng với nhau thì với vai trò không chỉ là người hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm quản trị, ông Tam sẽ trực tiếp hỗ trợ truyền thông cho các ngành hàng này, để có một hướng đi riêng biệt. 

Sắp tới, Winsan sẽ bắt tay vào đầu tư hai mô hình là nha khoa và thực phẩm. Ông Tam tin tưởng đây là những mô hình tập đoàn rất phát triển. 

“Với kinh nghiệm nhiều năm làm giám khảo các chương trình khởi nghiệp, tôi thấy điểm yếu của các bạn khởi nghiệp bây giờ là cái tôi quá lớn. Minh chứng rõ ràng là vừa rồi làn sóng của nhà đầu tư tại Việt Nam gần như 99% đều thất bại, không có dự án nào thành công.  

Lý do là tất cả các quỹ nước ngoài họ bận rộn quá, không thể sát sao dự án theo đúng định hướng và họ cũng không có kinh nghiệm va chạm về người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng bằng kinh nghiệm của mình, cùng sự hiểu biết về pháp luật thì tôi sẽ hỗ trợ được những dự án này”, ông Tam khẳng định.  

Khi nhắc tới khủng hoảng của Asanzo một năm trước, ông Tam chỉ cười, đồng thời xin được gọi đó là biến cố. Tuy vậy, ngay thời điểm sự việc xảy đến, toàn bộ hệ thống của Asanzo phải ngưng trệ, gây thiệt hại nặng nề. 

“Thật ra thì nói khủng hoảng thì cũng không hẳn, tôi gọi đó là biến cố. Về câu chuyện của một năm trước, đến thời điểm này thì tôi cũng nắm trong tay kết quả đầy đủ, và Asanzo chẳng có lỗi gì. 

Tuy thiệt hại ban đầu rất lớn nhưng tôi đủ trải qua được, tôi tin pháp luật Việt Nam rất công bằng. Với kết quả đang nắm trong tay này, tôi càng tự tin hơn để phát triển hơn nữa”, ông Tam cho hay. 

Với mục đích đầu tư và đồng hành cùng những công ty đang khởi nghiệp, doanh nhân Phạm Văn Tam hứa hẹn không chỉ là một nhà đầu tư rót vốn, mà ông sẽ trực tiếp vào vị trí của một người khách hàng, một người quản trị để theo dõi dự án theo đúng định hướng của mình. Quy về một mục tiêu chung: Đưa ngành hàng được đầu tư “lột xác” và phát triển.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn