Một loạt vấn đề về phiếu bầu Tổng thống Mỹ: Thực sự không có gian lận?

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 07/11/2020 19:04:00 +07:00
(VTC News) -

Trước và sau Ngày bầu cử, ông Trump liên tục cáo buộc có gian lận trong quá trình kiểm đếm phiếu hoặc với phiếu bầu qua thư dù không đưa ra bằng chứng.

Năm nay ghi nhận số phiếu qua thư kỷ lục ở Mỹ - 65 triệu. Điều này dẫn tới lo ngại hệ thống kiểm phiếu không đủ an toàn và dễ bị thao túng. Nhưng nhiều nghiên cứu cấp quốc gia và tiểu bang chỉ ra rằng dù có những trường hợp cá biệt, gian lận bầu cử là cực kỳ hiếm. 

Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Virginia hồi tháng 10, ông Trump cáo buộc 500.000 đơn đăng ký giả vì địa chỉ gửi tới các cử tri bang này không chính xác. 

Tuy nhiên, giới chức Virginia sau đó khẳng định không hề có âm mưu gian lận nào ở đây và sai sót do việc in ấn đã được sửa chữa 

Vài ngày sau đó trên Twitter, ông Trump tiếp tục khẳng định 50.000 lá phiếu ở Ohio gian lận. 

Khoảng 50.000 cử tri đã nhận những lá phiếu nhầm nhẫn từ bưu điện hạt Franklin vào đầu tháng 10. Nhưng không có bằng chứng cho thấy có chuyện gian lận ở đây. 

Một loạt vấn đề về phiếu bầu Tổng thống Mỹ: Thực sự không có gian lận?  - 1

Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định có gian lận trong cuộc bầu cử lần này. (Ảnh: CAC)

Các quan chức địa phương cho biết những người nhận phiếu sai đã được gửi lại phiếu chính xác để đảm bảo sai sót không lặp lại. 

Tại New York, gần 100.000 lá phiếu được gửi lại cho cử tri do tên và địa chỉ bị in sai. 

Michigan, khoảng 400 lá phiếu gửi qua thư liệt kê sai ứng viên Phó Tổng thống của ông Trump là Jeremy Cohen thuộc đảng Tự do thay vì ông Mike Pence. Tổng thống Trump từng khẳng định điều này là có chủ ý. Nhưng Tổng thư ký bang Michigan nói rằng đây là sai sót và các cử tri bị ảnh hưởng đã được nhận lại phiếu chính xác cũng như hướng dẫn để đảm bảo phiếu của họ được kiểm. 

Wisconsin, người ta tìm thấy các phong bì thư chứa phiếu vắng mặt gần 1 con mương gần thị trấn Greenville. Nguyên nhân của vụ việc vẫn đang được điều tra nhưng Nhà Trắng cáo buộc đây là hành vi gian lận. 

Tại Pennsylvania, 9 phiếu bầu của các quân nhân được tìm thấy trong thùng rác, 7 trong số này bỏ cho ông Trump. Sau khi xác nhận người vất số phiếu này là một nhân viên thời vụ, Ủy ban bầu cử hạt Luzerne đã lắp thêm camera an ninh để đảm bảo việc kiểm phiếu được thực hiện đúng quy trình. 

Một người đưa thư ở New Jersey bị buộc tội sau khi đổ hàng trăm bưu phẩm vào thùng rác, trong đó có gần 100 lá phiếu bầu cử. Sau khi được tìm thấy, thư đã được chuyển lại tới người nhận. 

Theo BBC, đây đều là các sự cố riêng lẻ và cá biệt. Trong khi vẫn còn nhiều bằng chứng cho thấy việc bỏ phiếu qua thư là an toàn và bảo mật. 

Hồi tháng 8, người đứng đầu Bưu điện Mỹ Louis DeJoy khẳng định cơ quan này hoàn toàn có đủ khă năng và cam kết sẽ xử lý số phiều bầu qua thư kỷ lục. 

Không chỉ với phiếu bầu qua thư, ông Trump cũng nghi ngờ việc kiểm đến phiếu ở một số bang. 

Tại Pennsylvania, cuộc kiểm phiếu đang diễn ra trở thành mục tiêu của các tuyên bố về nỗ lực "đánh cắp cuộc bầu cử" của đảng Dân chủ. 

Trước những nghi ngờ trên, Thống đốc Pennsylvania Tom Wolf khẳng định bang này sẽ kiếm đếm tất cả phiếu bầu hợp lệ. Ông này cũng nhấn mạnh cuộc bầu cử diễn ra ở đây là công bằng.

Vị thống đốc còn tố ngược phát biểu của ông Trump về việc có gian lận ở hệ thống bầu cử tại bang này là đòn tấn công đảng phái. 

Theo USA Today, việc đếm phiếu qua thư ở Pennsylvania là một công việc khó khăn. Phiếu bầu có 2 phong bì bảo mật, chữ kỳ phải trùng khớp và các thông tin cần được xác minh. Theo luật của tiểu bang, không công việc nào trong số này có thể bắt đầu trước 7h sáng Ngày bầu cử 3/11. 

Ở một số hạt tại Pennsylvania, rất nhiều lá phiếu không thể kiểm tra qua máy quét tự động nên các nhân viên phải kiểm phiếu bằng tay. Điều này cũng là nguyên nhân khiến quy trình kiểm đếm bị chậm lại.

Tại trung tâm kiểm phiếu ở Detroit, bang Michigan, một số người dùng Facebook nói họ chứng kiến hành vi gian lận nghiêm trọng ở điểm kiểm phiếu này khi các quan sát viên của đảng Cộng hòa không được vào bên trong. 

Một loạt vấn đề về phiếu bầu Tổng thống Mỹ: Thực sự không có gian lận?  - 2

Các nhân viên bầu cử ở Detroit cố gắng giải thích cho các quan sát viên bị hạn chế vào phòng kiểm phiếu. (Ảnh: Los Angeles Times)

Tuy nhiên, các quan chức bầu cử Detroit khẳng định cả quan sát viên của phe Cộng hòa và phe Dân chủ đều bị hạn chế vào bên trong tòa nhà vì phòng kiểm phiếu đã đạt sức chứa tối đa. Việc quá nhiều người di chuyển bên trong sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Phe Dân chủ cũng khẳng định họ bị hạn chế truy cập bên bên trong tòa nhà như những người Cộng hòa. 

Wisconsin, một số thành viên đảng Cộng hòa khẳng định họ phát hiện nhiều gian lận. Một người tweet rằng tổng số phiếu bầu của bang lên tới 3,2 triệu là một con số đáng ngờ khi chỉ có hơn 3,1 triệu người đăng ký. Tuyên bố này sau đó được nhiều người chia sẻ. 

Nhưng LA Times cho biết, con số đăng ký thực lên tới gần 3,7 triệu 2 ngày trước Ngày bầu cử. Và con số này không tính tới những người đăng ký đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử như luật của tiểu bang cho phép. 

Các cáo buộc gian lận mà Tổng thống Trump liên tục đưa ra những ngày qua đang hứng phải hàng loạt chỉ trích từ chính các nghị sỹ đảng Cộng hòa. 

Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger tới từ Illinois gọi những tuyên bố này là "điên rồ". 

"Nếu ông có lo ngại hợp pháp về gian lận, hãy đưa ra BẰNG CHỨNG và chưng nó ra ở tòa. DỪNG việc lan truyền thông tin sai lệch", ông Kinzinger viết trên Twiiter. 

Thượng nghị sĩ Marco Rubio kêu gọi người dân tin tưởng vào cuộc bầu cử bởi nó cũng quan trọng như kết quả của bầu cử vậy. 

Thống đốc Cộng hòa Larry Hogan của bang Larry Hogan chỉ trích các bình luận của ông chủ Nhà Trắng, nhấn mạnh chúng làm suy yếu tiến trình dân chủ của đất nước. 

"Nước Mỹ đang kiểm phiếu và chúng ta phải tôn trọng kết quả như chúng ta luôn có trước đây. Không có cuộc bầu cử hay người nào quan trọng hơn Nền dân chủ của chúng ta", ông Hogan khẳng định. 

Benjamin L. Ginsberg, một chuyên gia về luật bầu cử cho biết nếu ông Trump muốn chứng minh có gian lận, ông cần đưa ra bằng chứng cụ thể đủ để tin rằng kết quả kiểm phiếu có những sai lệch. 

"Các tuyên bố khoa trương không có tác dụng trong thủ tục kiểm lại phiếu ở các tiểu bang", ông nói. 

Ginsberg cũng khẳng định ông đã điều tra cáo buộc gian lận bầu cử trong nhiều thập kỷ và rằng ông chưa từng tìm thấy bằng chứng cho thấy các vấn đề này đủ nghiêm trọng tới mức có thể thay đổi kết quả cuộc bầu cử của đất nước. 

Song Hy(Nguồn: USA Today, BBC)
Bình luận
vtcnews.vn