Một lần đi phượt

Tổng hợpThứ Ba, 16/10/2012 10:28:00 +07:00

Sau hành trình dài tưởng như bất tận, bạn tôi nói: “Phượt chuyến đầu mà gặp cung này thì về sau chả ngán cung nào nữa”.

Sau hành trình dài tưởng như bất tận, bạn tôi nói: “Phượt chuyến đầu mà gặp cung này thì về sau chả ngán cung nào nữa”. Tôi chỉ biết gật gù vì quả thật đây là chuyến phượt đúng nghĩa đầu tiên trong đời tôi và ở đây, trong hành trình này, tôi đã trải qua đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, đúng như những gì tôi đã hình dung khi nghe bạn bè đi về kể lại

Phượt là phải máu- Bài học đầu tiên

Cách đây mấy tháng, bạn tôi đưa vợ đi xe máy từ Hà Nội lên Sơn La, rồi từ Sơn La lên Điện Biên cho biết thế nào là Phượt. Đường đẹp như tranh, cảnh thảo nguyên, núi non hùng vĩ. Cô vợ chưa cưới thích lắm nhưng tỏ vẻ thất vọng “ôi, em tưởng phượt như nào”. Câu nói này, về sau, khi chúng tôi đánh vật trên cung đường Mù Căng Chải- Chế Tạo- Mường La thi thoảng vẫn lấy ra trêu nhau để nói điều ngược lại.

 
Hôm ấy chúng tôi có tất cả 11 xe, 21 người lên đường đi Mù Căng Chải để ngắm ruộng bậc thang. Vào thời điểm này, ở khắp mọi nơi người ta đổ về đây ngắm cảnh tượng lúa chín đổ vàng trên những triền dốc miên man. Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ lại một nhà nghỉ Huy Thanh ở Tú Lệ, bên trong có trại nuôi cá hồi. Sáng hôm sau xế dựng tôi dậy sớm đi ngắm bình minh.

Xế của tôi cũng là dân phượt. Chúng tôi gặp nhau trong một chuyến đi Thanh Hóa. “Sắp tới bọn em đi Mù Căng Chải, em đang thiếu xế, anh đi không?”, tôi hỏi. “Đi”, anh trả lời không mảy may tính toán. Vậy là đúng ngày hẹn, anh bỏ lại công việc sau lưng, bắt xe từ Thanh Hóa ra và huy động thêm một “đệ”(nghe nói vừa bị đuổi việc sau 2 tháng xuyên Việt bằng xe đạp từ Lũng Cú, Hà Giang đến tận Cà Mau) đi cùng. Tùng- tên của nhân vật tôi vừa nhắc đến khi ấy đang ở tận Hà Nam lập tức cắm lá cờ tổ quốc vào xe và phi lên Hà Nội. Mãi 2h chiều chúng tôi mới xuất phát, đuổi theo 9 xe đã đi trước đó. “Phượt là phải máu”, xế tôi cười.

Tôi và xế, chúng tôi lang thang trên đèo Khau Phạ, ngắm những con đường nhỏ uốn lượn như dải lụa vắt vẻo lưng chừng núi còn đang bảng lảng sương sớm. Buổi sáng ở đây yên tĩnh, vắng vẻ chỉ nghe tiếng những con suối trong leo lẻo róc rách trong những lạch đá, không khí núi rừng trong lành khiến tôi cảm thấy khoan khoái vô cùng như thể vừa trút bỏ lại tất cả bụi bặm và những ồn ào phố thị.

 
Sau bữa sáng, chúng tôi nai nịt lên đường ngắm ruộng bậc thang và chụp ảnh. Khác với buổi chiều hôm xuất phát ở Hà Nội, mọi người cẩn thận lấy túi nilon bọc ba lôlại và buộc chặt phía sau xe tránh bùn đất bắn lên làm bẩn. Các xế cẩn thận đeo găng tay, kéo đôi giày cao cổ lên, buộc chặt, sau đó kiểm tra lần cuối lốp, đèn, phanh. Chúng tôi chụp chung tấm ảnh kỷ niệm trước khi, lần lượt từng xe một chuyển bánh.

Phượt - giá trị mới cho sự từng trải?

Không biết từ “phượt” có từ bao giờ nhưng thời gian gần đây nó trở thành một từ thông dụng, phổ biến và mang tính trào lưu. Những người ham mê xê dịch dẫn đầu phong trào này đã bắt đầu “từ chối” từ “phượt” như một cách biểu thị sự kiêu hãnh không muốn bị đánh đồng với đám “trẻ trâu” thích thể hiện. Quả thật, không phải không có một số người đang dùng số lượng các chuyến di chuyển làm thước đo giá trị bản thân và đánh giá mức độ từng trải của người khác. Trong đoàn chúng tôi có một 7X, là TBT của một tờ báo nhưng vẫn “bám càng” “đàn em” đi phượt. Anh đi không phải để thể hiện điều gì với ai cả, mà là “đi cho bản thân, đi để thấy mình còn đang háo hức với cuộc sống”.

 
Chế Tạo cách thị trấn Mù Căng Chải 35km nhưng tôi tưởng như nó phải dài… 350km. Khi chúng tôi rẽ vào con đường ấy, trời bắt đầu rả rích mưa. “Mưa rồi”, bạn tôi nói bằng giọng nghe có vẻ căng thẳng. 10km đầu tiên trong hành trình của chúng tôi, may thay, là đường bê tông. Sau này khi đến nhà phó chủ tịch Lềnh- xã Chế Tạo chúng tôi mới hay, để làm được 10km đường bê tông ấy, các công nhân làm đường phải mất tới 3 năm trời.

Sau đoạn đường bê tông, chúng tôi bắt đầu sa vào những dốc, những cua. Đường khi lổn nhổn đá hộc, đá dăm, khi lầy lội đất bùn. Xe chúng tôi gửi nụ hôn đầu tiên đến Chế Tạo bằng một cú “xòe”, không quá đau nhưng cũng đủ tím chân. Đường ở đây nhỏ chỉ rộng áng chừng 1m, một bên là ruộng bậc thang, một bên là dốc sâu. Càng lên cao đường càng hẹp lại, lúc này không còn ruộng nữa là mà các vách núi sừng sững, đá lởm chởm, bên kia, tất nhiên là vực sâu hun hút. Các “chiến mã” luôn chạy ở số 1 và số 2, có đoạn phải xế phải thò cả chân xuống đẩy. Xế tôi đùa “xe mình đang chạy bằng động cơ… 6 kỳ, em ạ”.

Đường càng đi càng khó. Mưa làm cho các con đường trong rừng trơn như láng mỡ. Hầu như xe nào cũng ngã đến vài lượt, cả xế cả ôm đều căng thẳng bặm môi không ai nói với ai câu nào. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, tưởng như đi được xa lắm rồi nhưng đến khi gặp thanh niên bản đi làm đường, dừng lại chia nhau điếu thuốc, nghe câu “còn xa lắm” lại bần thần chả biết mình đã đi được bao nhiêu % của 35km?

Thi thoảng chúng tôi cũng dừng lại cho xe nghỉ và ngắm cảnh. Đường lên Chế Tạo xuyên qua những khu rừng hoang sơ mà tôi cứ hình dung như cảnh trong phim Avatar của đạo diễn James Cameron vậy. Nãy giờ đi đường, mọi người đều căng thẳng cắm mặt xuống nhìn đường, nào ai dám ngó nghiêng ngắm cảnh. Đến khi ngẩng mặt lên mới ngỡ ngàng thấy như mình vừa lạc vào một thế giới khác. Thế giới ấy, nếu không phượt chắc chẳng bao giờ tôi đến được.

 
Chúng tôi đi xuyên qua buổi trưa giữa núi, mắt đảo quanh tìm lá phong đỏ. Đường vào Chế Tạo nghe nói lá phong rụng đỏ cả con đường, nhưng chúng tôi tìm hoài không thấy. Một anh bạn đồng hành ví hành trình của chúng tôi như đang đuổi theo hy vọng. Hy vọng một chút nữa thôi sẽ nhìn thấy rừng phong, hy vọng một chút nữa trời sẽ nắng, hy vọng một đoạn ngắn nữa sẽ ra đến đường đẹp, hy vọng qua khúc cua này chúng tôi sẽ đến được Chế Tạo. Cứ thế chúng tôi đuổi theo hy vọng, ngã lên, ngã xuống lại đứng dậy đi tiếp. Quả thật, nếu không có chút hy vọng ấy có lẽ con đường sẽ còn dài lắm.

Chúng tôi đến Chế Tạo lúc 4 giờ chiều, chậm hơn so với dự tính 2 tiếng đồng hồ. Một vài xe khác tận 6 giờ mới đến. 35km đường đi trong vòng 6- 8 tiếng- Mấy bạn trong đoàn hài hước bảo, hình như ở đây người ta tính km bằng đường chim bay. “Phải ngủ lại đây rồi, đêm ở đây xuống rất nhanh, sẽ không kịp ra khỏi đây đâu”, chú Lềnh, Phó Chủ tịch xã Chế Tạo nói. Không còn cách nào khác, chúng tôi dỡ hành lý xách xuống để ở nhờ trường Tiểu học, THCS Chế Tạo ngay cạnh đó.

 
Ngày hôm sau, 8h30 phút tối chúng tôi mới đi hết Mường La để đến thành phố Sơn La. Nhìn lại cái “đêm phát sinh” giữa rừng này, cả bọn đều thấy là mình đã quyết định đúng đắn nếu không có lẽ cả bọn đã phải màn trời chiếu đất giữa rừng rồi.

Niềm vui không nằm ở đích đến mà nằm trên đường đi

Có người hỏi tôi, “Đi để làm gì?”, có người lại nói “Đường đẹp không đi, đâm đầu vào đường vừa xấu vừa nguy hiểm thì có gì là hay?”. Thú thật, trước khi phượt chuyến này, thi thoảng tôi cũng hỏi bạn như vậy. Đến khi cùng bạn trải nghiệm chuyến đi, tôi mới hiểu vì sao.

Buổi chiều, sau khi xác định sẽ ngủ lại Chế Tạo, đám xế bắt đầu đi hỏi mua thức ăn. Ở đây chỉ có duy nhất một cửa hàng tạp hóa phục vụ cho cả xã. Mặt hàng khá ít do vận chuyển hàng hóa khó khăn nên ông chủ chỉ nhập về những gì cần thiết nhất phục vụ bà con. Cho nên khi muốn mua nước lọc mang theo mà không có, chúng tôi đành phải uống nước suối trên đường đi. Thấy một số người đi lần đầu cương quyết không chịu uống nước suối, một tay phượt dạn dĩ trong đoàn cười, “đến lúc vào giữa rừng, khát cháy cổ, không muốn cũng phải uống thôi”. Quả thật, về sau chỉ chờ đi đến đoạn có suối, thác là tất cả nhảy xuống úp mặt vào dòng nước mát lịm.

 
6 giờ chiều đợi chú lợn 15kg… đi chơi về chúng tôi mới bắt đầu làm bữa tối. Lợn ở đây được thả rông, đến tối chúng tự mò về chuồng. Chúng tôi, xế thì mổ lợn, ôm nhóm lửa nấu cơm, mua rau. Không có điện, chúng tôi dùng đèn pin, điện thoại chiếu sáng. Tôi khá bất ngờ khi nhìn xung quanh, toàn những dân công sở thứ thiệt, thế mà mổ lợn, nhóm bếp củi, nướng thịt nhoay nhoáy chả kém gì dân nấu cỗ thuê. 9h tối chúng tôi mới được bữa tối ngon lành dù hơi muộn.

Ăn tối xong, mọi người nhóm lửa giữa sân trường, ngồi quây quần bên nhau. Chai rượu đi quanh một vòng tròn. Vào cuối tuần, các thầy cô giáo cắm bản đã về huyện chỉ còn lại thầy Thành, cô Chỉ và anh chàng cán bộ Đoàn huyện Sùng A Dà, người yêu của cô Chỉ lên thăm người yêu. Ở đây các em học sinh đa số là người Mông ở bán trú. Để đến trường các em phải đi học rất xa, qua những con đường lầy lội mà sau một ngày đánh vật vừa rồi, não chúng tôi không cần mất công hình dung nữa. Thầy Thành, cô Chỉ mới 23, 24 tuổi chưa ai lập gia đình là những giáo viên tình nguyện lên Chế Tạo dạy học. Hàng ngày, không chỉ dạy chữ cho các em, thầy cô còn phải thay cha, thay mẹ nấu cơm cho bọn nhỏ ăn, chăm sóc lúc chúng ốm đau. Ấy vậy mà ở đây, nơi nghèo nhất của huyện Mù Cang Chải này, 100% các em nhỏ ở độ tuổi đi học đều đến trường, nhiều em tốt nghiệp PTTH, có em thi đỗ Đại học.

 
Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, Sùng A Dà cầm đàn lên hát cho chúng tôi nghe bài hát “Anh yêu em” bằng tiếng H’Mông. Giai điệu ngọt ngào của bài hát vang lên giữa đêm lạnh khiến mọi người ấm lòng. Đêm ấy chúng tôi ngủ trong phòng của các thầy cô, 2, 3 người trên một chiếc giường 1m2 nhưng tất cả ngủ ngon như chưa từng ngủ ngon hơn thế.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy, rang cơm ăn rồi lên đường. Xế của tôi mua được một “bộ móng cho con ngựa sắt”. Dân ở đây ai cũng dùng “bộ móng” này bọc vào lốp xe sau, khi đi đường đất sẽ hạn chế trơn trượt. Đường từ Chế Tạo đến Mường La tuy ngắn nhưng nhỏ và khó đi hơn. Dọc đường có nhiều đoạn dốc cao, lởm chởm đá, đất lầy lội, các cô gái phải xuống đi bộ, đẩy xe. Về sau một bạn trong đoàn đã tổng kết lại: Đây là chuyến phượt phải offroad dài nhất, ôm phải đi bộ nhiều nhất, ăn uống hoành tráng nhất.

 
Gặp ai đi qua chúng tôi cũng hỏi: “Còn bao xa nữa đến Mường La?”, “Còn xa lắm”, họ nói. “Còn xa lắm”, cái điệp khúc ấy chúng tôi nghe không biết bao nhiêu lần trên đường đến nỗi về sau chả ai còn buồn hỏi, cứ thế mà đi. An ủi lớn nhất của chúng tôi ngày hôm sau là trời nắng đẹp, đường đi cứ chốc lát lại có một con suối, con thác hay ruộng bậc thang đẹp vô cùng. Thi thoảng chúng tôi gặp một vài em nhỏ đeo gùi đi ngược chiều, nhà các em ở các bản rất xa và cao trên núi, mỗi lần đến trường phải đi bộ mất 5 tiếng. Cả thầy giáo cũng vậy, chúng tôi gặp một thầy giáo thư sinh áo trắng, sơ vin quần âu xách cặp đến trường sau ngày nghỉ cuối tuần. Nhìn thầy cô và các em nhỏ bước thấp bước cao cứ xa dần, tôi chợt nhớ đến lời anh Quân trong đoàn: “hành trình cõng chữ lên non sao mà gian nan”.

Khi gần ra tới suối Nậm Khít để sang đến Mường La, một trong số các xe của chúng tôi bị hỏng. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải hò dô ta, kẻ đi bộ, kẻ đẩy xe lên một đoạn dốc khá xa và cao. Khi lên đến đỉnh dốc, ai cũng thở không ra hơi, mồ hôi đầm đìa. Hóa ra, phượt cũng là một “thú chơi” đồng đội, những khi hỏng xe hay gặp phải sự cố trên đường mới hiểu giá trị của sự đoàn kết và giúp đỡ nhau. Vì vậy, dù ban đầu còn xa lạ với nhau nhưng chỉ sau một chuyến đi, (nếu hợp) họ sẽ nhanh chóng trở thành chiến hữu và tiếp tục đồng hành cùng nhau trên những cung đường khác. Gắn bó nhất suốt hành trình có lẽ là xế và ôm. Nhờ có phượt, nhiều cặp xế- ôm sau đó đã nên nghĩa vợ chồng. Bạn bè tôi cũng có một vài đôi như vậy.

Trong lúc ngồi nghỉ, mấy cô gái ngồi đếm… những vết tím bầm ở chân. Chúng tôi đùa: “Nhìn số vết tím trên chân ôm là đoán được trình lái xe của xế”. Bạn tôi, dù đã trải qua rất nhiều cung đường khó vẫn thốt lên: “Lại thêm một giá trị nữa để mô tả đường xấu”. Thế nhưng đối với dân phượt thì càng khó, offroad càng nhiều lại càng thú. Những con “chiến mã” sau hai ngày quăng quật trên đường cái bị chảy xăng, cái méo chỗ này một tí, vẹo cái kia một tí về lại được chăm bẵm, bảo dưỡng sửa sang chuẩn bị cho một hành trình khác.

Cuối cùng chúng tôi cũng ra khỏi Mường La và về Sơn La lúc 8h30 tối. Một nửa đoàn vội vàng chạy tiếp trong đêm để kịp về làm việc vào sáng thứ hai. Chúng tôi ngủ lại Sơn La một đêm, sáng hôm sau mới chạy về. Nhiều người nói với tôi, có hai loại cảm xúc sau chuyến phượt đầu tiên, một là cạch luôn không bao giờ phượt nữa. Hai là nghiện, đi rồi lại muốn đi hoài. Tôi có lẽ thuộc loại thứ hai, chẳng phải “bản lĩnh” gì cho cam, chỉ đơn giản là vì, hành trình ấy mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc- những cảm xúc mà nếu không đi, không bao giờ tôi có được.

Hà Trang

 

 

 

 

 

 


Bình luận
vtcnews.vn