Một chân vẫn thành ông chủ (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 20/10/2011 06:25:00 +07:00

(VTC News) - Từ một anh chàng què cụt với đôi tay sắt lóng ngóng không... mặc nổi chiếc quần, giờ đã thành ông chủ, lãnh đạo mấy chục công nhân.

(VTC News) - Từ một anh chàng què cụt với đôi tay sắt lóng ngóng không... mặc nổi chiếc quần, giờ đã thành ông chủ, lãnh đạo mấy chục công nhân. Thế mới biết, cái đầu con người quan trọng hơn cái tay, cái chân.


Bán nhà rồi, ông Gia mù dựng cho bố con Vệ túp lều bé tẹo trên bãi cát cạnh Quốc lộ 1A để sinh nhai.

Hàng ngày, Vệ chống nạng đi khắp làng trên xóm dưới với đủ các thứ linh tinh đeo toòng teng trên lưng như bông đót, thuốc Tây, thuốc lá, đèn ga, tăm tre… Người ta mua đồ chủ yếu vì thương hại bố con Vệ.

Cuối năm 1995, nghe tin một trung tâm chỉnh hình ở Nghệ An có lắp tay giả, Vệ lần mò ra xem thử. May sao, đầu năm 1996 anh được một tổ chức ở Mỹ lắp tặng đôi tay sắt. Vệ nhớ lại: "Có hai cái tay sắt tui như được sống lại lần nữa. "Cầm" cái chén đưa lên miệng uống nước được, thay quần, thay áo cho con nhanh chẳng kém gì người đàn bà. Tui sướng đến nỗi mấy đêm không ngủ, cứ thức ngắm đôi tay sắt và nghĩ cách thay đổi cuộc đời".

Anh Nguyễn Đức Vệ trong gara sửa chữa ôtô của mình. 

Có tay giả, Vệ nảy ra tham vọng làm ăn lớn. Căn lều nhỏ bên quốc lộ của anh biến thành "công ty" thu mua phế liệu... bom mìn. Bao nhiêu vỏ bom mìn mà dân Quảng Đông bới được tập kết về căn lều rách của Vệ. Cuối tuần, chiếc công nông đến hốt đi, để lại cho Vệ bạc triệu.

Rồi lượng bom mìn dưới đất cũng cạn nên Vệ sinh ra thất nghiệp. Khi ấy, ở xã Quảng Đông chưa có điện lưới, Vệ nghĩ ra cách kinh doanh khá độc chiêu: bán điện.

Vệ gom góp được triệu bạc mua chiếc máy phát điện chạy dầu cũ nát, vừa chạy vừa sửa. Thấy nhà Vệ sáng trưng, cả xóm cũng mua dây, lắp bóng điện rồi mua điện từ máy phát của Vệ.

Có vốn, Vệ sắm tivi, mua đầu video chiếu phim chưởng, bán vé cho dân chúng trong xã xem. Dân biết cái tivi có ích lắm nên mỗi nhà cố sắm một cái thành thử "rạp chiếu phim" của Vệ đóng cửa.

Nhưng cũng vì nhiều gia đình trong xóm có tivi nên Vệ xoay sang hành nghề xúc nạp ắc-quy phục vụ bà con, kiếm ăn cũng khá. Năm 1998, xã mắc điện lưới, chả ai dùng ắc-quy nữa, Vệ xoay sang buôn bán đồ điện tử. Căn lều rách nát ngày nào đã được xây xướng lại để trở thành cửa hiệu. Vệ thuê thợ sửa chữa điện tử và trở thành ông chủ.

Khi Quốc lộ 1A mở rộng, nhận biết sớm tình hình, Vệ đầu tư 30 triệu sắm chiếc công nông đầu ngang. Người dân Quảng Đông thấy gã một chân sắm công nông thì cười lăn cười lóc, không hiểu gã lái công nông kiểu gì. Tất nhiên, Vệ phải thuê người lái, còn anh đi kèm... làm lơ.

Khi ấy, phương tiện vận tải ít nên chiếc công nông của Vệ chạy ngày chạy đêm không hết việc. Anh nhận được nhiều hợp đồng chở vật liệu cho các nhà thầu.
 

Có vốn, Vệ sắm tiếp 2 chiếc công nông nữa, rồi nâng lên 10 chiếc, hoạt động ở các huyện lân cận. Tin tưởng Vệ, nhà thầu còn giao cho anh một số công trình như xây tuyến mương thoát nước, xây kè, tu sửa một số đoạn hỏng.

"Công ty" Vệ còn trúng thầu công trình mái bạt ta-luy và rãnh thoát nước cả bờ Bắc lẫn bờ Nam của công trình hầm đường bộ Đèo Ngang, một công trình cực lớn thời bấy giờ. Điều này trong tiền lệ chắc không có. Lúc ấy, Vệ có 50 công nhân.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu, Vệ sắm chiếc máy nghiền đá. Suốt ngày, chiếc máy nổ rền rĩ dưới chân dãy Đèo Ngang. Khi công trình hầm đường bộ và Quốc lộ 1A mở rộng hoàn thành, "công ty" của Vệ tiếp tục làm các công trình đường sá liên thôn, liên xã trong huyện và những huyện lân cận.

Mấy năm trở lại đây, trong huyện, xã có nhiều phương tiện vận tải cạnh tranh khốc liệt thì Vệ mở gara sửa chữa ôtô. Gara của Vệ có những loại máy móc hiện đại trị giá vài trăm triệu đồng.

Hiện tại, trong gara có 10 công nhân làm việc, xưởng nghiền đá, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, trang trại sinh thái cũng có từng ấy công nhân nữa. Dù Vệ không trực tiếp làm được những việc nặng nhọc, nhưng anh kiên trì học hỏi, nghiền ngẫm tài liệu, sách vở để nâng cao kiến thức. Anh bỏ cả năm trời theo học lớp sửa chữa ôtô để có kiến thức chỉ bảo cho đám thợ làm việc.
Chàng trai tật nguyền này có khát vọng làm giàu cho cả vùng cát trắng Quảng Đông. 

Với số tài sản vài tỷ đồng, đủ cho gia đình Vệ sống sung túc, tuy nhiên, Vệ không bằng lòng với hiện tại, mà anh có tham vọng biến làng quê nghèo cát trắng ven biển Quảng Đông trở nên trù phú. Hồi nghe nói có ông TS. Hoàng Phước ở Quảng Trị đã biến những đụn cát trắng ven biển thành trang trại, làng mạc, Vệ không tin lắm nhưng quyết chống nạng vào tận Quảng Trị ngó xem. Không ngờ chuyện ấy có thật.

Vệ sử dụng kiến thức của ông Hoàng Phước tuyên truyền mãi song người dân chẳng nghe. Để người dân Quảng Đông một lần nữa phải nể phục, học tập mà thoát nghèo, Vệ đã mang đơn lên huyện xin cấp 5 ha đụn cát. Xin bãi cát trắng thì huyện cho ngay.

Bước đầu Vệ trồng toàn bạch đàn, trầm hương, tràm... thành những hàng, những ô để cản gió, chống cát bay. Giờ đây, lớp cát đã ổn định, có độ mùn, giữ ẩm, Vệ tiếp tục trồng một số loại cây ăn quả.

Tham vọng rất lớn, rất xa của Vệ là biến vùng cát trắng này thành một trang trại khổng lồ với những đàn dê nha nhẩn gặm cỏ, đàn đà điểu chạy nhông nhông trên bờ và hàng triệu con ba ba, con ếch bì bõm bơi trong nước.

Vệ mong ước bà con sẽ nhìn anh làm mà học tập, mà biến mảnh đất Đèo Ngang, mảnh đất người ta vẫn thường đọc chệch thành "đang nghèo" này thành một làng quê với những trang trại nối tiếp trang trại, để những lớp thanh niên không phải rời quê lưu lạc đi nơi khác, hay phải liều mạng kiếm ăn bằng cái nghề bới phế liệu bom mìn nữa.

Một tham vọng lớn nữa nung nấu trong anh, ấy là mở lớp học sửa chữa cơ khí cho những người tàn tật trong huyện để họ không rơi vào cảnh bi quan như anh ngày xưa.

Niềm hạnh phúc lớn nhất tôi đọc được trong mắt Vệ, ấy là một gia đình hạnh phúc với cô vợ rất đẹp, sinh năm 1979, mà anh cưới mấy năm trước.

Quê Nguyễn Thu Hà ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay phía bên kia Đèo Ngang. Hồi làm hầm đường bộ, thấy cô gái bán nước ở công trường trắng trẻo, xinh xắn, Vệ mê liền, nên ngày nào cũng chống nạng ghé quán uống nước.

Kể cũng lạ, bao nhiêu kỹ sư, chủ thầu đẹp trai, giàu có “tán” không “đổ”, Hà lại “đổ” lão Vệ cụt mất 3 chi. Vệ bảo: "Mần cái chi cũng phải kiên trì mới thành. Cũng như chuyện tán gái vậy, tui phải đấu trí đến gần chục năm cô ấy mới gật đầu đấy!". Hà bẽn lẽn sau vai chồng giải thích: "Lúc đầu em có yêu anh ấy mô. Nhưng cảm phục nghị lực của anh ấy rồi yêu lúc nào cũng chẳng hay nữa".

Có thể nói, câu chuyện về một người chỉ có một chân mà làm nên sự nghiệp ở cái xứ sở cát trắng này cứ như huyền thoại. Từ một người muốn nhảy lầu tự tử vì bi quan số phận, từ một anh chàng què cụt với đôi tay sắt lóng ngóng không... mặc nổi chiếc quần, giờ đã thành ông chủ, lãnh đạo mấy chục công nhân. Thế mới biết, cái đầu con người quan trọng hơn cái tay, cái chân.

Dương Thụy Bình

Bình luận
vtcnews.vn