Một bữa ăn nhỏ, một bài học lớn

Tổng hợpThứ Sáu, 16/11/2012 08:23:00 +07:00

Giờ đến bữa ăn, em luôn tự nhủ phải cố gắng ăn hết phần thức ăn của mình, nếu không cũng phải giục mọi người cố ăn cho hết...

“Giờ đến bữa ăn, em luôn tự nhủ phải cố gắng ăn hết phần thức ăn của mình, nếu không cũng phải giục mọi người cố ăn cho hết. Nếu phải bỏ thừa thức ăn, tự nhiên trong lòng cũng cảm thấy vô cùng sót ruột”. Đây là tâm sự của một cô bạn nhỏ sau khi trải nghiệm một cuộc thi về lập dự án “Ngân hàng thực phẩm”, chia sẻ thức ăn với người nghèo và tránh lãng phí thực phẩm. Đó chỉ là một cuộc thi giới hạn trong các trường THPT nhưng gửi đi thông điệp lớn đến với tất cả mọi người trong xã hội.

Một trải nghiệm ý nghĩa

Một tuần 2 lần nhóm Spotlight bao gồm 6 bạn trẻ: Trịnh Minh Anh, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Ngọc Quý (học sinh lớp 11 trường Hà Nội Amsterdam), Ngô Phương Anh, Dương Thạch Thảo, Nguyễn Cẩm Tú (học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) lại lần lượt chia nhau mang thực phẩm xin được từ các nhà hàng, khách sạng đến cho trẻ em làng trẻ Hòa Bình.

Tiếp xúc với những đứa trẻ bất hạnh, chứng kiến những bữa ăn có giá trị chưa tới 8000 đồng khiến các cô cậu học sinh lớp 11 cảm thấy mình thay đổi rất nhiều trong nhận thức, biết trân trọng hơn từng bữa ăn mình có mỗi ngày. Ngô Phương Anh, một thành viên trong nhóm chia sẻ, “không biết dự án này của chúng em có được giải hay không nhưng lúc này, với chúng em nó không còn quá quan trọng nữa vì chúng em đã có được rất nhiều từ những trải nghiệm ý nghĩa này”.

 
Công việc ý nghĩa mà Phương Anh nhắc tới là dự án “Food Cross” nằm trong chuỗi chương trình phát triển tài năng cho thế hệ trẻ Global Citizen Program- Dash for Impact. Đây là một cuộc thi lập dự án ngân hàng thức ăn do tổ chức phi lợi nhuận AIESEC FTU Hanoi tổ chức. Food Cross của Spotlight cũng là một trong 5 dự án đã lọt vào vòng 3 của cuộc thi đi tiên phong trong việc đưa vào áp dụng tại Việt Nam mô hình “Ngân hàng thực phẩm”- một mô hình thực tế đang được phát triển với quy mô toàn cầu nhằm mang đến bữa ăn no đủ hơn cho người nghèo và hạn chế lãng phí thực phẩm.

Tại vòng 1 của cuộc thi đã có 300 cá nhân đăng ký tham gia. Những cá nhân nào được chọn sẽ lập thành các nhóm tham gia vào vòng 2 là vòng lập bản kế hoạch chi tiết và hồ sơ xin tài trợ. Sau vòng 2, 5 nhóm trong đó có Spotlight được chọn có 3 tuần cầm hồ sơ đến các nhà hàng, khách sạn với mục đích xin được “tài trợ” thức ăn còn dư thừa sau một ngày kinh doanh của họ để mang đến cho trẻ em làng trẻ Hòa Bình, Hà Nội. Đây có lẽ là vòng nhiều thử thách nhất và cũng nhiều trải nghiệm nhất đối với các bạn trẻ này và họ cũng đã đi đến những ngày cuối cùng của vòng 3 với rất nhiều cảm xúc và cả sự trưởng thành.

Ngô Phương Anh, cô học sinh lớp 11 chuyên Đại học  Sư phạm Hà Nội vẫn còn nhớ những ngày đầu cả nhóm chia nhau đến các nhà hàng xin “thức ăn thừa”. Gọi là “thức ăn thừa” nhưng không phải là thức ăn vét lại từ đĩa của khách bỏ lại mà là số thức ăn nhà hàng, khách sạn không sử dụng đến sau một ngày kinh doanh.

Vì mô hình ngân hàng thức ăn thừa này khá phổ biến trên thế giới nhưng lại quá lạ lẫm đối với Việt Nam nên nhóm Spotlight đã gặp phải không ít khó khăn. 2 tuần đầu, có những hôm các em phải gọi điện đến hơn 40 nhà hàng mới có một người cho gặp nhưng đến khi gặp được rồi, nghe xong họ lại không hứng thú vì cho rằng mang “thức ăn thừa” cho người nghèo là thiếu nhân văn. Lại có những người mới nghe qua đã đứng lên bỏ đi không cho các em cơ hội giải thích. Không những thế, không ít lần những cô gái, chàng trai trẻ này gặp những ánh mắt khinh thường, thậm chí bị xua đuổi trước mặt bao nhiêu người, trải nghiệm đủ mọi cảm giác tủi hổ, ngượng ngùng, chán nản và thất vọng.

 
Phương Anh tâm sự: “Bọn em tranh thủ buổi sáng đi học, buổi trưa ăn qua quýt rồi buổi chiều chia nhau đến các nhà hàng để xin tài trợ. Đi bộ, đi xe đạp rạc cả chân nhưng ngày nào cũng nhận về toàn những lời từ chối và thất vọng. Các nhóm khác hầu như đều có bố, mẹ, người quen làm trong các nhà hàng nên xin được đồ ăn thừa khá dễ dàng, bọn em tiếc là chẳng có ai nên đành phải tự tạo quan hệ. Nhìn chúng em lại trẻ con nữa nên hầu như chẳng ai tin đây là chuyện nghiêm túc cả.

Không ít lần bọn em phải bỏ tiền ra mua một cái gì đấy để “lấy lòng” nhà hàng rồi mới tìm cách lân la gặp quản lý xin nói chuyện nhưng cuối cùng cũng chẳng được việc gì, rất nhiều hôm thất thểu ra về vừa mệt rã rời vừa chả còn đồng nào trong túi”. Nhưng may mắn đã mỉm cười với 6 cô, cậu học trò này khi một lần rất tình cờ họ gặp được chị Lê Thanh Ngọc, quản lý Nhà hàng 5th Avenue. Chị Ngọc thú nhận, ngay từ lúc đầu bản thân chị không tin tưởng nhiều vào dự án của những cô cậu học trò này nhưng chị vẫn tôn trọng các em, chăm chú lắng nghe và quyết định “thử” trao niềm tin cho dự án của Spotlight.

Những “phần thưởng” không cần vinh danh

Cùng với 5th Avenue còn có Twins Juice Bar, khách sạn Heart Hotel và cả một hàng bún giấu tên nữa cũng đã tham gia ủng hộ dự án Ngân hàng thức ăn này của Spotlight. Một tuần 2 lần, các thành viên trong nhóm đạp xe 5 cây số mang đồ ăn đến làng trẻ Hòa Bình càng nhanh càng tốt trước bữa cơm của các em. Có những món có thể xào nấu lại, nhưng có những món như pizza chẳng hạn các em đành phải ăn nguội vì không có lò vi sóng.

Thế nhưng, các em đã rất háo hức, đã ăn rất ngon những món ăn được tặng. “Em không biết phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào khi nhìn các em ăn những đồ chúng em mang đến ngon lành như chưa từng ăn món gì ngon hơn thế. Thật lòng những lúc ấy em tự vấn mình, sao có lúc mình lại bỏ phí thức ăn trong khi còn có biết bao nhiêu người thiếu thốn đến vậy”, Phương Anh xúc động chia sẻ.

 
“Sau khi nhận được tài trợ, tiếp theo, khâu kiểm tra an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng vì nếu các em ăn đồ ăn và bị ngộ độc chẳng hạn thì việc thiện của bọn em lại trở thành tai vạ”, Phương Anh tỏ ra rất chín chắn. Nhận thức về việc đó, nhóm tuyển thêm tình nguyện viên là sinh viên ngành thực phẩm và các anh chị có kinh nghiệm về quản lý nhà hàng, siêu thị.

Các tình nguyện viên đã rất ngỡ ngàng khi gặp “nhà tuyển dụng” trẻ như thế, nhưng rồi hiểu mục đích của dự án cũng như tâm huyết của các cô, cậu học sinh này, họ đã lập thành những ban nhỏ chia nhau quản lý từng việc như Pr, media, liên lạc và hậu cần, thực phẩm và thiết kế… Quan trọng gần như số 1 là lo kiểm tra thức ăn còn có thể dùng được không hay đã ôi thiu, bảo quản như thế nào, vận chuyển ra làm sao… thì nhóm cũng đã tìm được một tình nguyện viên vô cùng trách nhiệm và kinh nghiệm.

Vậy là, một cách rất chuyên nghiệp, các nam, nữ sinh này mang đến nhà hàng những hộp xốp nhờ họ phân loại riêng từng món ăn và bảo quản trong tủ lạnh. Sau buổi học, các em đạp xe đến nhận hàng rồi lại hối hả đạp xe trở thức ăn đến cho các em học sinh đang chờ đợi bên bàn ăn.

“Quả thật đến giờ này chúng em không biết phải cảm ơn các anh chị, các nhà hảo tâm thế nào cho đủ. Không có họ, AIESEC FTU HN hỗ trợ kỹ thuật, nhà tài trợ túi giấy hộp xốp “Tôi ghét Nylon”, các anh chị tình nguyện viên, bạn bè, gia đình, chúng em đã không thể vượt qua được những khó khăn này. Vì vậy, đối với chúng em có được giải hay không, không quan trọng nữa, chúng em đã có được những kinh nghiệm rất quý giá về tổ chức, quản lý tình nguyện viên, về lòng tin giữa con người với con người… Giờ đến bữa ăn, em luôn tự nhủ phải cố gắng ăn hết phần thức ăn của mình, nếu không cũng phải giục mọi người cố ăn cho hết. Nếu phải bỏ thừa thức ăn, tự nhiên trong lòng cũng cảm thấy vô cùng sót ruột”, Phương Anh cười tươi hồn nhiên.

 
Phương Anh cũng nhiều nhần nhấn mạnh, điều quan trọng giờ đây không phải là giải thưởng nữa mà là làm sao sau khi kết thúc dự án sẽ kết nối trực tiếp được làng trẻ Hòa Bình với các nhà tài trợ để sau này khi các em bận bịu với việc học và thi đại học thì các cô, các bác tại làng trẻ có thể chủ động mang thức ăn về cho các em.

Spotlight cũng quan niệm, làm từ thiện quan trọng nhất là thể hiện bằng việc làm, chính vì vậy chỉ sau khi dự án gần như thành công, báo chí đưa tin, Phương Anh mới thốt lên: “Sau khi việc làm của chúng em được độc giả biết đến, em không ngờ chúng em lại nhận được nhiều sự quan tâm và đề nghị giúp đỡ đến thế. Vậy mà chỉ cách đó vài tuần, bọn em vô cùng chật vật mới tìm được nhà tài trợ. Cô giáo chủ nhiệm sau này biết việc chúng em làm đã nói: “Cô cảm ơn”. Chỉ ngắn gọn vậy thôi nhưng chúng em rất xúc động và cả tự hào nữa”.

Chỉ còn ít ngày nữa, vòng 4 của cuộc thi bắt đầu. Tại vòng này, Spotlight và 5 đội còn lại sẽ phải thuyết trình trước 400 con người để sau đó AIESEC sẽ tìm ra đội xuất sắc nhất. Kết quả cuộc thi có lẽ chỉ còn là một phần thưởng nhỏ, bởi vì phần thưởng lớn nhất, phần thưởng xứng đáng nhất và đáng tự hào nhất, các em đã tự dành về cho mình trên hành trình mang “thức ăn thừa” đến với những trẻ em có số phận kém may mắn ở làng trẻ Hòa Bình.

Tuấn Minh

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn