'Mong người dân chia sẻ với ngành Giao thông'

Thời sựThứ Sáu, 28/10/2011 05:12:00 +07:00

Nêu 6 giải pháp cần thực hiện để kiềm chế tai nạn và giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mong muốn người dân cùng chia sẻ.

Nêu 6 giải pháp cần thực hiện để kiềm chế tai nạn và giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mong muốn người dân cùng chia sẻ mới có thể thành công được.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn 
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 28/10, ông Đinh La Thăng cho biết, trong nhiều ngày qua Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân về những vấn đề liên quan đến giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như ùn tắc giao thông. Theo ông Đinh La Thăng, đây là những nội dung quan trọng và được Bộ ghi nhận đưa vào hoạch định các chính sách của mình.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu 6 nhóm giải pháp và kỳ vọng, để thực hiện đồng bộ các giải pháp này cần có sự  vào cuộc của toàn xã hội.

Thứ nhất, về cơ bản và lâu dài, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời ban hành các văn bản dưới luật đồng bộ, đảm bảo tính chế tài cao.

Thứ hai, triển khai quyết liệt, đồng bộ các quy hoạch có tính chiến lược về giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt và thường xuyên cập nhật phù hợp với tình hình thực tiễn. Tập trung ưu tiên phát triển vận tải công cộng, nhất là ở các đô thị lớn. Đáp ứng nhu cầu hợp lý về phương tiện giao thông cá nhân của các tầng lớp nhân dân các đô thị lớn phải có kế hoạch xây dựng hệ thống đường hầm, đường trên cao, cầu vượt để tránh ùn tắc giao thông.

Trong việc phê duyệt quy hoạch đô thị mới, khu dân cư mới phải đảm bảo diện tích dành cho giao thông phải từ 16 - 26% diện tích, phải đảm bảo sự đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với các kết cấu hạ tầng khác.

Thứ ba tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải.  Về vấn đề này, Bộ GTVT sẽ  rà soát lại danh mục các dự án đầu tư, tập trung vào các dự án quan trọng trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường trục Bắc - Nam, các trục hướng tâm ở các khu kinh tế lớn, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, giao thông đường thủy nội địa, giao thông đường biển và hàng không).

Thứ tư, tổ chức khai thác hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông một cách tốt nhất, khai thác hiệu quả hợp lý  hạ tầng sẵn có, tổ chức lại giao thông một cách hợp lý như phân luồng, phân làn, phân tuyến đường,  đổi giờ làm việc v.v.

Thừa nhận việc đổi giờ làm sẽ gây xáo trộn ảnh hưởng đến một số người dân. Người đứng đầu ngành Giao thông mong muốn người dân, các cử tri, các đại biểu Quốc hội hết sức chia sẻ, thông cảm và đồng thuận. Bởi theo Bộ trưởng Thăng, để đạt được một mục tiêu lớn hơn thì một số bộ phận rất nhỏ cũng phải có sự chia sẻ để được cái lớn hơn của cả đất nước, của cả cộng đồng.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tinh thần trách nhiệm người người thực thi công vụ, trong đó có việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức ngành GTVT và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thứ sáu, nâng cao công tác tuyên truyền, ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Theo ông Thăng, đây là vấn đề lớn, bởi khi người tham gia giao thông đồng thuận thực hiện một cách nghiêm túc pháp luật thì mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh ùn tắc giao thông sẽ thành công.

Ông Đinh La Thăng cho biết các giải pháp này đều đã được quy định trong quyết định của Chính phủ, các Chỉ thị của Trung ương chứ không phải là giải pháp mới được đề xuất.

 Mới đây Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án thay đổi giờ làm việc trên  địa bàn Hà Nội

Phương án 1, cán bộ công chức cơ quan Trung ương làm việc sáng từ 9 giờ - 12 giờ, chiều từ 13 giờ - 18 giờ; cán bộ công chức Hà Nội: sáng 8 giờ 30 – 12 giờ, chiều từ 13 giờ - 17 giờ 30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS từ 8 giờ - 17 giờ 30; học sinh THPT sáng 7 giờ - 11 giờ, chiều 12 giờ 30 - 16 giờ 30; sinh viên đại học chia theo khu vực: quận Cầu Giấy và Thanh Xuân sáng từ 6 giờ - 11 giờ, chiều từ 12 giờ - 17 giờ; quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng từ 7 giờ - 12 giờ, chiều từ 13 giờ - 18 giờ; trung tâm kinh doanh thương mại hoạt động từ 9 giờ 30 - 23 giờ.

Phương án 2, cán bộ công chức (Trung ương, Hà Nội), học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm thương mại giữ nguyên như phương án 1.

Khối sinh viên khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân sáng từ 7 giờ - 12 giờ, chiều từ 13 giờ - 18 giờ; quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng từ 8 giờ - 13 giờ, chiều từ 14 giờ - 19 giờ.

Theo Chinhphu.vn


Bình luận
vtcnews.vn