Món vịt quay Bắc Kinh và chuyện của Đại sứ Trung Quốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời sựThứ Sáu, 17/05/2019 12:33:00 +07:00

Chuyện do cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Lý Gia Trung, thuật lại trong một cuộc gặp mặt tại cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1999...

Chuyện này do cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Lý Gia Trung, thuật lại trong một bữa gặp mặt thân mật giữa ông cùng mấy anh em chúng tôi tại cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam.

Hôm ấy anh em vui miệng lạm bàn về các đặc điểm của thức ăn Trung Quốc và thức ăn Việt Nam, hai trong số không nhiều lắm những nơi trên thế giới được cho là có hai nền ẩm thực tinh tế, xem giống nhau và khác nhau ở những điểm nào, có ai đó tình cờ nhắc đến món đặc sản vịt quay Bắc Kinh.

Nét mặt vị đại sứ đang vui cùng câu chuyện giống như mọi người bỗng nhiên trở nên nghiêm trang, có vẻ trầm ngâm như đang ngẫm ngợi về một chuyện xưa. Lát sau ông nói:

- "Tôi xin kể với các bạn câu chuyện này, để góp một nét minh họa phong cách xử sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt ẩm thực".

Cách đây hơn ba mươi năm, vừa mới ra trường, tôi được cử làm phiên dịch tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, giúp Đại sứ chúng tôi trong việc giao lưu, tiếp xúc với các bạn Việt Nam. Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi ấy bắt đầu có một số biểu hiện đáng quan tâm, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đề nghị được cử một đoàn giáo sư, bác sĩ Đông y sang Hà Nội cộng tác với các thầy thuốc Việt Nam chăm lo sức khỏe hằng ngày cho Bác.

Một hôm, Bác Hồ cho mời đoàn cán bộ y tế Trung Quốc lên gặp. Bác nói ân cần:

- "Bác cảm thấy trong người dạo này khỏe mạnh, làm việc, sinh hoạt bình thường. Bác đề nghị các bạn nên về Bắc Kinh thăm gia đình và nghỉ hè một tháng rồi lại sang đây".

Các bạn trong đoàn thầy thuốc đều ngạc nhiên và dĩ nhiên thích thú, ngỏ lời xin làm theo ý Bác. Trước ngày lên máy bay trở lại Bắc Kinh, các giáo sư, bác sĩ đến chào tạm biệt Hồ Chủ tịch. Vị trưởng đoàn thưa với Bác:

- "Chúng tôi sẽ báo cáo với các vị lãnh đạo cao cấp Trung Hoa về tình trạng sức khỏe ngày càng tốt lên của Hồ Chủ tịch. Sau thời gian một tháng, xin được trở lại Hà Nội phục vụ Bác. Hồ Chủ tịch có cần thứ gì ở Bắc Kinh, xin Bác vui lòng cho chúng tôi được biết".

Bác Hồ đáp:

- "Các đồng chí thấy đấy, mọi việc đều tốt, mọi thứ ở đây đều có đủ. Tôi rất cảm ơn các bạn nhưng tôi thấy lúc này chẳng có gì phải làm phiền các bạn".

Và Bác kết thúc bằng một câu nói vui:

- "Nếu có cần chăng thì đó là món đặc sản vịt quay Bắc Kinh".

Đúng một tháng sau, tôi (vẫn lời Đại sứ Lý Gia Trung) theo cùng đoàn cán bộ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ra sân bay Gia Lâm đón đoàn cán bộ y tế từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ hè.

Tôi nhìn thấy trong số hành lý lỉnh kỉnh của các vị thầy thuốc hôm ấy có thêm hai thùng sắt tráng men trắng, bên trên có nắp đậy, bên dưới có gắn cái vòi, loại vẫn dùng để đựng nước uống chung tại các phòng họp vào thời ấy, tôi cứ nghĩ bên trong chắc chứa các loại dược thảo hoặc thuốc men gì đấy.

Đoàn giáo sư, bác sĩ tới Hà Nội chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau Đại sứ Trung Quốc tới Phủ Chủ tịch, xin phép được gặp Bác Hồ hỏi thăm sức khỏe Bác, và đề nghị với Bác xin cho phép đoàn giáo sư, bác sĩ được tiếp tục công việc thường ngày như trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui vẻ tiếp Đại sứ Trung Quốc và đoàn thầy thuốc, Bác chuyện trò thoải mái với mọi người.

Lúc Đại sứ đứng dậy xin phép về, Bác Hồ nói:

- "Hôm nay là ngày kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bác mời Đại sứ cùng với phu nhân, vị Tham tán Đại sứ quán và đồng chí phiên dịch tối hôm nay đến đây dùng món vịt quay Bắc Kinh cùng với Bác".

Tôi dịch lời Bác Hồ vừa nói sang tiếng Hoa cho Đại sứ chúng tôi nghe mà cứ nơm nớp lo không khéo mình dịch nhầm. Nhưng nhầm làm sao được? Hôm ấy, Bác nói chậm, rành mạch, tôi nghe rõ từng lời của Bác từ đầu tới cuối.

Tối hôm ấy, tôi lại được may mắn tháp tùng vợ chồng Đại sứ cùng vị Tham tán công sứ đến Phủ Chủ tịch dùng bữa cơm tối, với nhiệm vụ làm phiên dịch trong bữa ăn.

Và đúng là bữa tiệc tối hôm ấy có mỗi một món, đó là món vịt quay Bắc Kinh chính hiệu. Lúc này tôi mới vỡ nhẽ, hai cái thùng sắt tráng men tôi nhìn thấy ban sáng,không phải thùng đựng thuốc men, dược thảo gì sất mà là để xếp hai con vịt quay Bắc Kinh vừa mới được chế biến, cùng các thứ phụ gia đi kèm với món ăn đặc sản truyền thống ấy, theo phong cách ẩm thực của chúng tôi.

Đoàn y tế vừa sang tới nơi, hai thùng thức ăn ấy đã được chuyển thẳng đến nhà bếp của Phủ Chủ tịch. Bác Hồ được báo cáo, chỉ thị tặng luôn các cán bộ chuyên làm việc và phục vụ Bác hằng ngày một con, còn một con để dành sang ngày hôm sau, Bác sẽ cho mời Đại sứ Trung Quốc và mấy người nữa đến cùng Bác thưởng thức.

chu-an-lai-ho-chi-minh-1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Hà Nội năm 1960. (Ảnh: SCMP)

Một thời gian sau tôi mới rõ, khi đoàn thầy thuốc chúng tôi từ Hà Nội vừa về tới Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai cho mời đến gặp và yêu cầu trưởng đoàn báo cáo về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị trưởng đoàn không quên nói lại với Thủ tướng câu nói vui của Hồ Chủ tịch trước lúc chia tay Bác. Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị luôn:

- "Hôm nào trở lại Hà Nội, các đồng chí nhất thiết phải mang món vịt quay sang biếu Bác Hồ. Phải đặt nhà hàng làm sẵn hai con, vì tôi biết tính Hồ Chủ tịch, mỗi khi nhận được quà biếu, thế nào Người cũng dành phần cho anh chị em phục vụ Bác. Một con vịt quay không đủ cho tất cả mọi người đâu, phải đặt làm hai con, nhưng cũng không được nhiều hơn vì tính Hồ Chủ tịch không ưa lãng phí".

Và Thủ tướng ân cần dặn thêm: “Đặt hàng thì không khó, cái khó là các đồng chí phải làm sao đưa thức ăn chế biến tại Bắc Kinh sang Hà Nội mà vẫn tươi ngon, kèm theo đủ các thứ gia vị cũng như rau quả tươi để phục vụ cho đúng cách, giữ đúng cung cách và hương vị như thể đích thân tôi mời Bác Hồ thưởng thức món ấy ngay tại thủ đô Bắc Kinh chúng ta”.

Đại sứ Lý Gia Trung nói tiếp:

- "Hồi ấy, việc bảo quản và vận chuyển thực phẩm tươi đâu đã phải giản tiện như bây giờ, vậy nên mới cần đến hai cái thùng sắt tráng men dùng đựng và giữ độ lạnh vừa phải cần cho thực phẩm chế biến, thực hiện đúng như chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, vậy mà tôi lại ngỡ là hai cái thùng đựng thảo dược Đông y".

Nghe câu chuyện trên, trong lòng tôi hơi có chút băn khoăn, không rõ hồi ức của vị đại sứ có thật chuẩn xác về thời điểm, đủ cho ta viết thành bài? Vừa trở về nhà, tôi lục tìm tư liệu kiểm tra luôn. Qua bộ Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử, tập 10, tại trang 369 (về năm 1968) thấy có ghi nguyên văn một đoạn vắn tắt như sau:

Tháng 6, ngày 30.

Chiều tối, nghe tin đoàn thầy thuốc Trung Quốc đã trở lại Việt Nam để tiếp tục chữa bệnh cho Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển lời hỏi thăm và cảm ơn các thầy thuốc Trung Quốc.

Tháng 7, ngày 1.

Chiều tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời Đại sứ và Tham tán của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào Phủ Chủ tịch dùng cơm thân mật mừng Ngày kỷ niệm 48 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1).

1999

Cuốn sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" của Nhà báo lão thành Phan Quang, tập hợp hơn 30 bài báo, bài viết của tác giả ghi lại những kỷ niệm trong những lần vinh dự được gặp, được phục vụ Bác Hồ và những cảm nhận về những lời dạy của Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam do đích thân Người sáng lập.

---

(1) 12 năm sau, Đại sứ Lý Gia Trung kể lại câu chuyện trên đây tại “Đại công báo”, một tờ báo Trung Hoa có hơn 100 năm tuổi, số ra ngày 6/4/2011.

Nhà báo Phan Quang
Bình luận
vtcnews.vn