Môn Lịch sử sẽ được dạy như thế nào?

Giáo dụcThứ Ba, 08/12/2015 08:58:00 +07:00

Lịch sử được tích hợp ở cấp một, nhưng là môn độc lập tại bậc THPT. Thí sinh dự thi đại học môn này sẽ chọn chương trình nâng cao.

(VTC News) - Bộ GD-ĐT cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thống nhất không tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc.

Ngày 7/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD-ĐT và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội nghị về vị trí môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Qua thảo luận, Bộ GD&ĐT và Hội khoa học Lịch sử đưa ra một số điểm thống nhất cơ bản.

Vấn đề quan trọng nhất được thảo luận là lịch sử sẽ là môn học độc lập trong toàn bộ chương trình, hay là được tích hợp với 1 hoặc một vài môn học khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ở nhiều nước, xu hướng tích hợp môn lịch sử thường áp dụng ở cấp Tiểu học, THCS. Riêng cấp THPT thì môn lịch sử gần như hoàn toàn độc lập.

Còn theo Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình sách giáo khoa mới, theo nghiên cứu của UNESCO, số quốc gia áp dụng tích hợp môn lịch sử vào chương trình không phải là ít, vấn đề là xác định mục tiêu của môn học.

Mục tiêu của chương trình mới là giảm tải kiến thức, tăng cường các năng lực, phát huy sáng tạo của học sinh, trong đó xu hướng chính là tích hợp hai môn lịch sử và địa lý để lồng ghép, hỗ trợ nhau trong quá trình học tập.
 
Tranh cãi về vai trò của môn Lịch sử đã làm nóng các diễn đàn trong thời gian qua
Tranh cãi về vai trò của môn Lịch sử đã làm nóng các diễn đàn trong thời gian qua 

Sau quá trình làm việc, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử đã có một số điểm thống nhất căn bản: Ở bậc Tiểu học, lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng một số ngành khoa học khác, chủ yếu giáo dục lịch sử thông quá các câu chuyện để tạo hứng thú và hiểu biết cho HS.

Ở bậc THCS, có 2 phương án đang được tiếp tục xem xét: Phương án thứ nhất, để lịch sử và địa lý tiếp tục là hai môn độc lập, viết thêm phần tích hợp với hai môn này để HS phát triển khả năng tổng hợp.

Như vậy, sẽ cần tới 3 cuốn sách giáo khoa. Phương án thứ hai, xây dựng môn lịch sử tích hợp gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý. Những phần kiến thức có liên quan sẽ tạo thành các chuyên đề liên môn. Học sinh sẽ chỉ có 1 cuốn sách.

Ở bậc THPT, lịch sử vẫn là nội dung bắt buộc trong chương trình nhưng sẽ không tích hợp lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Học sinh chọn học lịch sử để thi ĐH sẽ học lịch sử nâng cao, đây là môn độc lập. Học sinh không chọn lịch sử để định hướng nghề nghiệp sẽ học bắt buộc môn sử, địa với kiến thức cơ bản. Điều này đảm bảo tất cả HS vẫn học lịch sử nhưng ở các cấp độ khác nhau. 
Tích hợp môn Lịch sử
Môn Lịch sử sẽ không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. (Nguồn: Internet)

Trước đó, Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gây tranh cãi. Nếu ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn Khoa học xã hội theo dạng bắt buộc thì ở cấp THPT, môn này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn.

Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).


Clip VTV
Nhiều chuyên gia cho rằng chưa nên gọi là tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bước đầu tiên sẽ là kết hợp môn Lịch sử với các môn khoa học xã hội khác ở cấp tiểu học và cấp THCS.

Trong khi đó, cấp THPT, môn Lịch sử cần phải để độc lập và phân hóa rõ nét. Những học sinh theo học ngành khoa học xã hội sẽ học môn Lịch sử chuyên sâu. Những học sinh theo học ngành khoa học tự nhiên sẽ được học môn Lịch sử theo chương trình đại trà.

Minh Đức


Bình luận
vtcnews.vn