Món đồ bẩn gấp 10 lần bồn cầu nhưng bạn thường xuyên áp vào mặt

Khỏe đẹpThứ Sáu, 14/10/2022 06:56:17 +07:00

Nhiều người cho rằng bồn cầu là nơi bẩn nhất nhưng sự thật là chính món đồ chúng ta sử dụng đến mức "nghiện" lại chứa nhiều vi khuẩn hơn gấp 10 lần bồn cầu.

Thật lố bịch khi bạn đi loanh quanh ôm chiếc bồn cầu. Nhưng chỉ bằng cách đơn giản là đưa điện thoại lên gọi ai đó, bạn đang làm điều không khác gì áp mặt vào bồn cầu. Bởi theo nhiều nghiên cứu, điện thoại là món đồ chứa nhiều vi khuẩn, virus gấp 10 lần bồn cầu.

Điều tích cực duy nhất là nó vẫn không bẩn bằng trà túi lọc ở văn phòng.

Điện thoại bẩn hơn chúng ta nghĩ nhiều lần

Mọi người không nghĩ việc sử dụng điện thoại di động ở khắp nơi, từ bữa sáng đến bữa tối, là việc có thể khiến chúng ta phải gặp bác sĩ. Nhưng không ít nghiên cứu cho thấy điện thoại di động bẩn hơn nhiều so với hầu hết chúng ta nghĩ.

Trên thực tế, chính bàn tay của bạn là thủ phạm lớn nhất khiến vi trùng đọng lại ở điện thoại. Theo một cuộc khảo sát của Deloitte, người Mỹ kiểm tra điện thoại khoảng 47 lần mỗi ngày, tạo cơ hội cho vi sinh vật di chuyển từ ngón tay sang điện thoại.

Phó giáo sư dịch tễ học Emily Martin, Đại học Y tế Công cộng Michigan, Mỹ, cho biết: “Mọi người luôn mang theo điện thoại di động ngay cả trong những tình huống mà họ phải rửa tay trước khi động vào bất cứ thứ gì. Chính vì thế, chẳng ngoa khi nói điện thoại là ổ chứa vi trùng", Time dẫn lời.

Đã có nhiều nghiên cứu khác nhau về số lượng vi trùng đang bò trên điện thoại di động. Nổi bật là một nghiên cứu năm 2018 tìm thấy hơn 17.000 bản sao gene vi khuẩn trên điện thoại của học sinh trung học. Các nhà khoa học tại Đại học Arizona phát hiện ra điện thoại di động mang vi khuẩn nhiều gấp 10 lần so với hầu hết bồn cầu ở nhà vệ sinh.

Món đồ bẩn gấp 10 lần bồn cầu nhưng bạn thường xuyên áp vào mặt - 1

Không phải bồn cầu, điện thoại di động là vật dụng có thể bẩn nhất mà bạn thường xuyên tiếp xúc. (Ảnh: Getty)

Vật truyền vi khuẩn có hại

Da người được bao phủ một cách tự nhiên bởi các vi khuẩn. Đây là những lợi khuẩn hoặc các vi khuẩn không gây ra bất kỳ hậu quả tiêu cực nào với sức khỏe. Các vi khuẩn tự nhiên đó cùng với dầu trên tay sẽ được truyền vào điện thoại mỗi khi bạn kiểm tra văn bản hoặc gửi email. Giáo sư Martin cho hay hầu hết sinh vật được tìm thấy trên điện thoại không phải là mầm bệnh có thể gây bệnh cho con người. Ví dụ, có thể có tụ cầu, nhưng nó thường không phải là loại gây nhiễm trùng tụ cầu cho con người.

Nhưng một số vi khuẩn sẽ khiến bạn lo lắng. Bà Susan Whittier, Giám đốc vi sinh lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học New York-Presbyterian và Columbia, cho biết: “Chúng tôi không bước qua môi trường vô trùng, vì vậy nếu bạn chạm vào bề mặt nào đó, nó có thể chứa mọi loại vi trùng. Có rất nhiều chất gây ô nhiễm môi trường".

Các nghiên cứu đã phát hiện những mầm bệnh nguy hiểm xuất hiện trên điện thoại như Streptococcus, MRSA và thậm chí cả E. coli. Bà Whittier cảnh báo sự xuất hiện của những vi khuẩn này trên điện thoại sẽ không khiến bạn bị ốm, nhưng chẳng ai muốn chúng xâm nhập bên trong cơ thể. Virus cũng có thể lây lan trên điện thoại nếu một người bị bệnh viêm họng liên cầu khuẩn hoặc cúm và ho vào món đồ này trước khi đưa cho ai đó.

Một trong những nơi tồi tệ nhất để sử dụng điện thoại là trong phòng tắm, điều này cả giáo sư Martin và bà Whittier đều cảnh báo. Khi bồn cầu xả nước, chúng sẽ lây lan vi trùng khắp nơi. Đó là cách điện thoại bị "lây" vi khuẩn trong phân như E. coli. Giáo sư Martin nói: “Mang điện thoại di động vào phòng tắm giống như việc bạn đi vệ sinh xong mà không rửa tay".

Món đồ bẩn gấp 10 lần bồn cầu nhưng bạn thường xuyên áp vào mặt - 2

Vi khuẩn trên điện thoại đa số là vô hại nhưng một số có thể gây nguy hiểm cho con người. (Ảnh: iStock)

Khử khuẩn điện thoại thế nào?

May mắn là chúng ta có nhiều cách dễ dàng để khử khuẩn, tiêu diệt vi trùng. Chúng ta không thể hạn chế tiếp xúc với điện thoại vì nó gần như trở thành vật bất ly thân trong thế giới hiện đại.

Nhiều người chỉ lau điện thoại bằng miếng vải hoặc bông. Nhưng muốn làm sạch sâu hơn, bạn nên sử dụng dung dịch 60% nước và 40% cồn tẩy rửa. Bà Whittier hướng dẫn: Trộn các thành phần với nhau, sau đó nhúng một miếng vải vào dung dịch trước khi lau nhẹ bề mặt điện thoại. Tần suất vệ sinh điện thoại nên là vài lần mỗi tháng là đủ. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh các chất tẩy rửa dạng lỏng hoặc dạng xịt vì có thể làm hỏng điện thoại.

Cách đơn giản hơn để bảo vệ bản thân khỏi các vi trùng có hại là sát khuẩn tay thường xuyên. Bạn nên rửa tay trong ít nhất 20 giây với xà phòng và nước sau khi từ ngoài về, sau khi đi vệ sinh hoặc xử lý các bề mặt nhiễm vi trùng khác như tiền. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp