Mỗi nỗ lực, việc làm đều thấm đậm tư tưởng kiệt xuất chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt

Chuyện xưa chép lạiThứ Tư, 14/09/2022 12:03:00 +07:00
(VTC News) -

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập, nguyên Tổng biên tập báo VietnamNet, hiện là Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, hồi tưởng về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo cải cách, đổi mới kiệt xuất của Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta cùng nhớ về một nhà lãnh đạo là ngọn cờ, là biểu tượng cho sự nghiệp đổi mới đất nước, nhớ về những di sản lớn ông đã để lại cho Tổ quốc và Dân tộc, đồng thời chúng ta cùng nỗ lực để những tư tưởng, con đường Võ Văn Kiệt đã đi tiếp tục được phát huy trong chặng đường mới xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Mỗi nỗ lực, việc làm đều thấm đậm tư tưởng kiệt xuất chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt - 1

Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất tháng 7/1995. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng). 

Với tôi, ông là nhà lãnh đạo có dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời mình, nhà lãnh đạo đã truyền cảm hứng, dẫn dắt về tư duy, con đường, phong cách lãnh đạo, cũng như phong cách sống trong suốt hơn 30 năm qua.

Nhớ về ông, trong tôi sống dậy một thời kỳ đổi mới hào hùng của đất nước. Hình ảnh ông đi mở đường Việt Nam hội nhập khắp các nước văn minh, những chỉ đạo, những quyết sách, những khát vọng đưa đất nước Việt Nam trở thành con hổ, con rồng mới ở châu Á, để Việt Nam vượt lên trở thành nước hàng đầu ở Đông Nam Á, tạo ra một không khí xã hội lạc quan, khí thế, tất cả hướng lên phía trước, chính những chỉ đạo, định hướng của ông đã tạo nên một làn sóng báo chí cổ vũ đổi mới, mà tôi còn nhớ những bài báo đầy lửa của Huỳnh Bửu Sơn… trong những ngày đầu những năm 1990 khi tôi mới chuyển từ Đại học Đà Lạt về làm việc ở Bưu điện Khánh Hoà, bắt tay xây dựng Trung tâm Tin học Teltic.

Nha Trang, một thành phố biển đẹp miền Trung không có các chuyên gia đầu ngành, thiếu thông tin về công nghệ thông tin, nhưng ngành bưu điện khi ấy trong khí thế “Đổi mới, Tăng tốc”, cùng với đó là ngọn cờ đổi mới Võ Văn Kiệt với khẩu hiệu “chống tụt hậu”, hãy mạnh dạn làm vì việc chung, có thể sai về quy định nhưng có kết quả tốt thì không sao, với triết lý làm được thì được hưởng, theo tiêu chí 3 lợi ích: lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân, đã tạo nên hào khí trong toàn ngành.

Cách tư duy xé rào, để vượt qua những quy định quan liêu, lỗi thời, khuyến khích sáng tạo ở mọi cấp, làm được nhưng nếu có sai các quy định không phù hợp với thực tế thì sẽ điều chỉnh các quy định, để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo… đã truyền cảm hứng mạnh, và thổi lên ngọn lửa vượt lên đi đầu trong tôi, dù đang làm việc ở một nơi thiếu thốn, không phải là những trung tâm về tin học như TP.HCM và Hà Nội. Tôi quyết tâm lãnh đạo Trung tâm Tin học Teltic vượt lên, đi cùng với các trung tâm lớn như TP.HCM và Hà Nội, không chịu thua kém.

Chính từ tư duy và cách làm ấy mà từ TP Nha Trang (Khánh Hoà) đã có những sản phẩm công nghệ thông tin đi đầu ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh của toàn ngành Bưu điện thời ấy, đặc biệt là Xa lộ Thông tin VietNet, mạng máy tính đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng thủ tục truyền tin Internet TCP/IP cung cấp dịch vụ công cộng cho toàn quốc bắt đầu từ ngày 31/1/1996, sớm 2 năm trước khi Chính phủ Việt Nam chính thức kết nối và cung cấp dịch vụ Internet.

Để có VietNet, Trung tâm Teltic đã làm theo tư duy và định hướng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: cứ làm được đã, rồi các quy định giải quyết sau, đúng như vậy, E-News, Báo điện tử đầu tiên của Việt Nam tiền đề của VietNet, ra đời ngày 15/8/1995, mặc dù chưa có giấy phép báo chí của Bộ Văn hoá Thông tin.

Và đến ngày 17/11/1995, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm ký công văn đồng ý để Trung tâm Tin học Teltic được tạm thời cung cấp dịch vụ tin điện tử E-News trên mạng. VietNet cũng vậy, dù chưa có giấy phép hay quy định, nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ thử nghiệm, để góp phần làm công việc thử nghiệm trước khi chính phủ Việt Nam chính thức cho phép kết nối và cung cấp dịch vụ Internet.

Với Xa lộ thông tin VietNet, tôi được Trung ương Đoàn vinh danh là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất 1996, lễ trao tặng vào 25/3/1997 và chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tặng bằng khen và quà kỷ niệm cho danh hiệu này. Vốn là người yêu mến, ngưỡng mộ chú Sáu Dân, bằng khen và quà tặng cùng danh hiệu đã là niềm cổ vũ, động viên tôi đi theo tư tưởng và con đường của chú Sáu Dân mãi mãi về sau.

Trong hào khí đổi mới ấy, tôi được lãnh đạo ngành bưu điện bổ nhiệm và điều động ra Hà Nội. Khi ra Hà Nội, chính với tư duy và phong cách lãnh đạo, cùng với con đường đổi mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đã tạo dựng Báo điện tử VietNemNet và có may mắn được gần gũi, gắn bó với chú khi chú là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chính ngọn cờ đổi mới Võ Văn Kiệt đã truyền cảm hứng và định hướng về chuẩn mực giá trị, định hướng cho mục tiêu cuộc sống và hành động của tôi trong gần 14 năm xây dựng và lãnh đạo VietNamNet.

Trong một lần ăn trưa với chú ở biệt thự số 6 (khu biệt thự Tây Hồ, Hà Nội), chú tâm tình: “Sự nghiệp không phải là chức vụ, là cái ghế, sự nghiệp là những gì đã làm được cho nhân dân, cho xã hội. Tôi không bao giờ tính toán, chuẩn bị cho chức vụ cao hơn, tôi luôn làm những gì tốt nhất, nỗ lực cao nhất trong cương vị của mình. Hồi ở TP.HCM, tôi nỗ lực vượt mọi khó khăn, trở ngại để thành phố phát triển và để người dân có cuộc sống tốt hơn, dù phải xé rào, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến người dân thành phố, chứ tôi không nhắm cho mình một chức vụ cao hơn, và lúc ấy không nghĩ mình sẽ trở thành Thủ tướng”.

Đó cũng là phương châm và quan niệm về giá trị cuộc sống để VietNamNet phục vụ bạn đọc, phụng sự nhân dân những ngày ấy. Khi làm báo tôi mới càng hiểu vai trò, cống hiến của chú cho báo chí đổi mới ở Việt Nam.

Báo chí TP.HCM đã góp phần quan trọng có tính chất quyết định của báo chí đổi mới, phản biện, là kênh thông tin quan trọng, khách quan giúp lãnh đạo đất nước ra quyết định, điều chỉnh quyết định, hay chỉ rõ những vấn đề cần giải quyết từ thực tế cuộc sống.

Để có được báo chí TP.HCM có vai trò quan trọng vào sự nghiệp đổi mới như vậy ở giai đoạn 1975-2010 là từ công lớn của chú Sáu Dân đã động viên, sử dụng những nhà báo Sài Gòn cũ, thậm chí còn duy trì báo Tin sáng một thời gian. Hơn thế nữa, ông đồng cảm, tôn trọng những ý kiến trái chiều với mình từ các nhà báo, từ các tờ báo.

Mỗi nỗ lực, việc làm đều thấm đậm tư tưởng kiệt xuất chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt - 2

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trong một lần đi thị sát tại Dung Quất năm 1997. (Ảnh: Nhân Dân).

Không chỉ với báo chí, chú còn trân trọng sử dụng những công chức, quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũ, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực của mình, nhiều người trở thành cố vấn, gần gũi, đóng góp những ý kiến cho các quyết định của chú.

Đây là tư tưởng Võ Văn Kiệt: tập hợp, phát huy mọi nguồn lực, tạo cơ hội cho mọi công dân trong xã hội, không nệ đến thành phần xuất thân, hay lý lịch, đoàn kết toàn dân tộc cho mục tiêu phát triển đất nước, chống tụt hậu so với các nước Đông Nam Á, vượt lên trở thành một cường quốc mới.

Chú Sáu Dân nói say sưa về quan niệm không nhất thiết phải là Đảng viên mới là đại biểu Quốc hội, mới được giữ các cương vị trong Chính phủ, mà bất kỳ công dân nào có năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi và muốn cống hiến cho đất nước đều nên tạo cơ hội để họ ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội, cũng như không nhất thiết Bộ trưởng phải là Đảng viên, từ đó VietNamNet có những bài báo cổ vũ cho tư duy đó.

Chú Sáu Dân trực tiếp vận động doanh nhân không phải Đảng viên ứng cử Quốc hội như Đặng Lê Nguyên Vũ, hay vận động những người có tâm huyết với đất nước tự ứng cử Quốc hội như anh Lê Kiên Thành.

Chú Sáu Dân nói, Nhân dân là người đã hy sinh xương máu, của cải vật chất, che chở khi Đảng còn đang hoạt động bí mật, cho đến những năm chiến tranh… thế thì tại sao bây giờ giành được chính quyền, nắm quyền lãnh đạo đất nước lại ngại Nhân dân? Không tạo cơ chế xã hội để mọi người dân được phát huy cao nhất năng lực của mình vào mọi lĩnh vực, để phát triển đất nước sẽ phí phạm nguồn lực lớn, nguồn tài nguyên quan trọng nhất của Việt Nam: con người.

Ngay cả khi không còn ở cương vị Thủ tướng chú vẫn đau đáu, vận động các nhà lãnh đạo đương chức cho mục tiêu đó. Chú có sức mạnh và làm được nhiều việc lớn bởi có lòng dân và lòng tin vào Nhân dân.

Chú Sáu Dân rất nhất quán trong việc tập hợp mọi trí tuệ của dân tộc không phân biệt thành phần lý lịch, hay xuất thân, tham gia xây dựng đất nước, ngay từ những ngày làm lãnh đạo ở TP.HCM cho đến khi làm Thủ tướng, kể cả khi đã rời cương vị. Chú tâm huyết giới thiệu, động viên nhiều người Việt ở nước ngoài, chú kết nối họ với những nhà lãnh đạo đương chức và những người có uy tín trong nước để cùng góp sức xây dựng Việt Nam.

Chú tập hợp và có năng lực lắng nghe, phân tích chọn lọc, không bị tình trạng đẽo cày giữa đường, chọn ra những ý kiến hợp lý, tốt để ra quyết định.

Phong cách lãnh đạo của chú là trước khi ra quyết định thì tập hợp và lắng nghe nhiều chiều, rồi ra quyết định, khi ra quyết định rồi thì không bàn luận nữa, mà tập trung triển khai cho ra kết quả tốt nhất.

Năm 2011, tôi đi ra thế giới, đến làm học giả ở Đại học Harvard với hành trang VietNamNet, với khát vọng Việt Nam vượt lên sánh vai các nước văn minh tiên tiến, phong cách truyền cảm hứng, tập hợp những trí tuệ, nhân cách lớn xung quanh mình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tục được tôi phát huy khi cùng với Thống đốc Michael Dukakis và các giáo sư ở Đại học Harvard xây dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston.

Năm 2013, tôi đưa Thống đốc Michael Dukakis, Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ năm 1988, ông là Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston, về thăm Việt Nam, một chuyến thăm dài 15 ngày, đưa đến nhà chị Hiếu Dân để thắp nhang tưởng niệm chú Sáu và nói chuyện về chú Sáu.

Ông Michael Dukakis đánh giá cao và trân trọng vai trò lãnh đạo dẫn dắt đổi mới và tư tưởng tin dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân của chú Sáu. Ông nói nếu Việt Nam có một môi trường để mọi công dân được phát huy cao nhất năng lực của mình như tâm nguyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chắc chắn Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN.

Tôi đưa những nhà lãnh đạo, những người bạn thân thiết của mình trong Hội đồng các nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston về thăm Việt Nam, như Chủ tịch Liên minh lãnh đạo thế giới, cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga, hay giáo sư Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak khi đến nhà chị Hiếu Dân để thắp nhang tưởng niệm chú, họ đều rất khâm phục và kính trọng Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Họ cho rằng đây là di sản rất quý cần được phát huy cho sự phát triển Việt Nam.

Mỗi nỗ lực, việc làm đều thấm đậm tư tưởng kiệt xuất chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt - 3

Tác giả bài viết - Nguyễn Anh Tuấn - cùng những người bạn thân thiết của mình trong Hội đồng các nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston chụp ảnh lưu niệm tại nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chính vì trung thành và gắn bó với con đường, với lý tưởng của chú Sáu Dân, tôi đã khởi xướng nhóm Sáng kiến Vietnam Spark của Diễn đàn Toàn cầu Boston vào tháng 8 /2021 tập hợp các nhà lãnh đạo, nhà chiến lược, học giả, chuyên gia của Mỹ và thế giới để thảo luận và đề ra các giải pháp giúp Việt Nam chống dịch COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế, cũng như nghiên cứu các cơ hội mới cho Việt Nam sau đại dịch.

Với lòng yêu mến chú Sáu Dân, nhóm Sáng kiến Vietnam Spark đã chọn ngày sinh của chú Sáu Dân 23/11/2021 để hoàn thành báo cáo và gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam "Giải pháp đột phá khôi phục và phát triển Việt Nam sau đại dịch COVID-19".

Cũng chính từ hành trang VietNamNet và tinh thần Võ Văn Kiệt, từ Diễn đàn Toàn cầu Boston, tôi đã cùng với hơn 20 nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng lớn của thế giới xây dựng Sáng kiến Liên Hợp Quốc 100 năm và cuốn sách “Xây lại Thế giới - Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu”. 

Cách thiết thực nhất kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú Sáu Dân, tưởng nhớ, kính trọng và yêu mến chú Sáu Dân, là hành động theo con đường, tư duy của Chú Sáu, để những di sản Võ Văn Kiệt tiếp tục cống hiến cho hoà bình của nhân loại, cho đổi mới ở Việt Nam.

Tư tưởng, tinh thần, con đường của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là di sản vô cùng quý báu, cần được phát huy trong công cuộc xây dựng Việt Nam hôm nay.

Nguyễn Anh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn