Mối nguy hại từ rau nhiễm hóa chất độc tràn lan trên thị trường

Sức khỏeThứ Hai, 05/10/2015 04:19:00 +07:00

Rau nhiễm hóa chất, thịt độc bán tràn lan trên thị trường là mối lo ngại của người tiêu dùng hiện nay.

Rau nhiễm hóa chất, thịt độc bán tràn lan trên thị trường là mối lo ngại của người tiêu dùng hiện nay. 

Nhiều mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức

120 mẫu các loại rau lá: muống, ngót, mồng tơi đã được Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh để xác định hàm lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV).

Các mẫu rau này được lấy tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội bao gồm: La Khê, Long Biên, Đền Lừ, chợ đêm HTX Văn Quán, chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Minh Khai.
Rau nhiễm hóa chất vẫn tràn lan
Thời gian lấy mẫu khảo sát được thực hiện từ tháng 8 - 12.2014. Kết quả cho thấy: 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Ngoài ra, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc BVTV, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác. Trong đó, 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi có tồn dư thuốc BVTV. Kết quả nghiên cứu này được công bố tại Hội thảo khoa học về y tế dự phòng tổ chức tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cuối tuần qua tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết nếu hàm lượng tồn dư ở ngưỡng cho phép, rau đó vẫn đảm bảo để chế biến, sử dụng cho bữa ăn gia đình.

Để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm tươi sống, một số địa phương cũng đã xây dựng mô hình chợ an toàn kiểm soát nguồn gốc rau quả, thực phẩm từ đầu nguồn và dự kiến sẽ trang bị dụng cụ test nhanh để phát hiện, hóa chất tồn dư trong thực phẩm, rau quả.


Tuy nhiên với các test nhanh thì chỉ cho phép nhận diện, sàng lọc một số hóa chất, giúp định tính 'có' hay 'không' hóa chất đó, chứ không xác định được ngưỡng an toàn trong thực phẩm, rau. Muốn định lượng chất tồn dư đó có gây nguy hại hay không phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm. Do đó, để đảm bảo chất lượng rau an toàn thì cốt lõi vẫn phải kiểm soát là từ nguồn trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, thuốc BVTV nếu có lượng tồn dư quá cao trong rau quả, rau nhiễm hóa chất là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc, có thể gây rối loạn thần kinh T.Ư, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Để an toàn, người tiêu dùng nên mua các loại rau ăn củ, thân lá, hoa, quả có chất lượng, hình thức đúng như đặc tính giống của nó; nên sử dụng rau phù hợp mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Chọn rau tươi không dập nát, không có mùi lạ, và nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn.


Theo khuyến cáo của Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, khi chế biến tại gia đình, tất cả các loại rau cần được rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhưng phải thay nước nhiều lần tới khi sạch trước khi chế biến đế tránh rau nhiễm hóa chất. Nếu phát hiện rau có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc.


Rau, thịt vẫn nhiễm độc

Trước đó, tại cuộc họp giao ban tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì, nhiều đại diện cơ quan quản lý an toàn thực phẩm khẳng định hiện nay các mối lo về lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trên rau quả vẫn đang được 'báo động đỏ'.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, vấn đề khiến người dân bức xúc nhất hiện nay là rau quả bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất bảo quản.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cũng thừa nhận tình trạng này và cho biết, cục đang soạn thảo thông tư quản lý thuốc BVTV nhằm siết chặt lại công tác quản lý, đồng thời cũng soạn thảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về thuốc BVTV.

Điều đáng lo ngại là không chỉ trên các loại rau củ quả thông thường mà cả các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao hiện cũng đang bị lạm dụng hóa chất độc hại. Trước cảnh báo của một số nước nhập khẩu hồ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 30% mẫu hồ tiêu để kiểm tra, phát hiện ra 1 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng.
 

Cũng tại buổi giao ban, theo Bộ NN-PTNT, đầu tháng 8/2014, khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt heo, 30 mẫu thịt gia cầm) ở TPHCM và các tỉnh đem về giết mổ tại 2 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng đã phát hiện 13/30 mẫu thịt heo, chiếm tỷ lệ 43,33%, có nguồn gốc từ Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép.

Các loại kháng sinh như sulfadimidin đều có chống chỉ định với người suy gan, suy thận. Hậu quả dư thừa kháng sinh trong các loại thịt gia súc, gia cầm sẽ tạo sự gia tăng các loại vi khuẩn kháng lại kháng sinh, tức là khi có bệnh uống thuốc kháng sinh không hiệu quả.

Cục Thú y cho biết, sau khi có thông tin đáng báo động trên, cục đã phối hợp với các địa phương lấy 14 mẫu thịt gà, 28 mẫu thịt heo ở các tỉnh miền Nam (Long An, Bến Tre, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ và Lâm Đồng) để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm. Kết quả, phát hiện 2 trường hợp tại Long An nhiễm hóa chất kháng sinh cấm (chiếm 4,76%); 1 mẫu thịt gà nhiễm chloramphenicol, 1 mẫu thịt heo nhiễm salbutamol.

Cục Thú y cũng đã phối hợp lấy 40 mẫu thịt gà, 80 mẫu thịt heo ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa) để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng khánh sinh và chất cấm. Hiện chưa có kết quả phân tích đối với các mẫu ở khu vực này.

Để ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong rau quả cũng như chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì xây dựng đề án chuỗi cung ứng rau an toàn, Cục Thú y xây dựng chuỗi cung ứng thịt cho Hà Nội và TPHCM.

'Hiện tại, chúng ta có 30 triệu cư dân đô thị thì hai thành phố lớn là Hà Nội có 8 triệu dân và TPHCM có 10 triệu dân, chiếm hơn một nửa số dân đô thị. Vì thế, nếu tập trung giải quyết vấn đề ở 2 thành phố này thì chúng ta đã giải quyết được nửa vấn đề. Người dân làm để bán cho thành phố họ thường sử dụng chất kích thích, phân bón, tăng trưởng nhanh, đẹp mã. Còn dân nông thôn họ trồng để ăn, có ai dùng thuốc mấy đâu' - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nhân Hòa (tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn