Môi giới địa ốc ngày càng bết bát

Kinh tếThứ Sáu, 19/10/2012 06:12:00 +07:00

Thời hoàng kim, khi các cô môi giới 'cưng' lấy chồng, sếp địa ốc sẵn sàng rút hầu bao mừng cả trăm triệu, thì nay chỉ còn vài đồng để gọi là 'động viên'.

Thời hoàng kim, khi các cô nhân viên môi giới 'cưng' lấy chồng, sếp địa ốc sẵn sàng rút hầu bao mừng cả trăm triệu, thì nay chỉ còn vài đồng để gọi là 'động viên' vì chính sếp cũng bị trừ lương trong lúc thị trường khó khăn.

Ông Phạm Toàn, Giám đốc một công ty chuyên phân phối địa ốc ở khu vực Nam Trung Yên (Hà Nội) chia sẻ, suốt từ thời điểm quý II/2011 đến nay, doanh thu của công ty ông liên tục giảm sút. Hầu hết lương bổng của nhân viên giảm tới 60%, bộ phận kinh doanh nhà ở chỉ còn lương cứng khoảng 2-4 triệu đồng mỗi tháng vì sản phẩm bán ra ế ẩm. Ngay cả thành viên hội đồng quản trị, bổng lộc cũng bị siết lại. Trước kia các sếp được thưởng to thì nay, phải thực hiện được 80% kế hoạch - một điều không tưởng trong bối cảnh hiện nay - mới bàn đến chuyện thưởng.
"Xưa, một cô nhân viên môi giới 'cưng', làm lâu năm cưới xin thì các sếp sẵn sàng phóng tay thưởng 120 triệu đồng. Nhưng nay, địa ốc ế ẩm, tung đủ chiêu trò vẫn không có khách nên sếp chỉ mừng vài trăm nghìn để gọi là động viên", ông Toàn chia sẻ.
Địa ốc ế ẩm kéo dài từ năm ngoái đến nay vẫn chưa khởi sắc. Ảnh: Hoàng Lan  
Anh Lê Mạnh Cường, Phụ trách kinh doanh Văn phòng bất động sản Nam Long cho hay, hiện nay thị trường chuyển động rất chậm. Chỉ có những trường hợp giảm giá đến mức "đáng ngạc nhiên" tới 3-4 tỷ đồng mỗi căn liền kề, biệt thự mới mong có khách hỏi thăm. Ngoài giá cả, người mua luôn cân nhắc rất kỹ cơ sở hạ tầng, tiến độ xây dựng mới ra quyết định mua nhà.
Theo anh Cường, nhiều văn phòng môi giới đang phải thu hẹp diện tích thuê để tiết kiệm chi phí tối đa. Nhiều văn phòng còn sống tầm gửi lẫn nhau, sử dụng chung văn phòng, chung điện thoại và máy tính để tiếp khách. Giá phòng cho thuê cũng phải tìm mọi cách để ép xuống. Đơn cử, văn phòng của anh, trước kia thuê đến 12 triệu đồng một tháng nhưng nay chỉ ép xuống còn 5 triệu đồng. "Hàng bán ra khó khăn nên môi giới cũng phải chật vật mưu sinh, giá trị thặng dự hầu như không có, mà mỗi văn phòng chỉ đủ cầm cự", anh Cường chia sẻ.
Chị Tố Nga, một nhân viên môi giới từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân bằng giỏi, vào nghề được 3 năm, lĩnh đủ mọi thăng trầm, từng kinh qua kinh doanh vàng và địa ốc nhưng đã không thể trụ nổi khi thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh ế ẩm trong suốt hơn một năm nay. Doanh số bán hàng của chị giảm dần, mỗi tháng thu nhập từ hàng trăm triệu đồng xuống còn vài triệu. "Trước kia, hoa hồng cho mỗi môi giới là 0,5-1% giá trị sản phẩm, bán một căn hộ chung cư 3 tỷ đồng thì cũng có thể được hưởng khoảng 30 triệu đồng. Lúc sôi động, bán được vài căn mỗi tháng nhưng nay chờ dài cổ cũng không có khách mua", chị Tố Nga chia sẻ.
Thu nhập giảm sút lại đang phải nuôi con nhỏ, chị Nga đành tạm thời bỏ nghề môi giới để chuyển sang bán quần áo trên mạng. Tuy nhiên, được đào tạo bài bản chính quy, nên chị không thể bỏ hẳn nghề. "Chờ đến khi địa ốc ấm trở lại, tôi sẽ quay lại làm tiếp tục làm nghề vì bất động sản đã ngấm vào máu rồi", chị tâm sự.
Địa ốc trầm lắng trên hầu hết phân khúc, chuyện lương lậu, bổng lộc ngày một hao mòn tại các công ty bất động sản bỗng thành "chuyện thường ngày". Vốn là một đơn vị mạnh có tiếng là "ăn nên làm ra", song một năm đổ lại đây công ty anh Nguyễn Kỳ Nam rơi vào thế khó khăn và lương thưởng bị đồng loạt cắt giảm.
Kể từ đầu năm nay, các sếp đều bị cắt 15 - 25% mức lương tùy cấp độ. Còn nhân viên thì chế độ bổng lộc, thưởng dịp lễ Tết đều bị sụt giảm. Anh Nam kể, nếu như trước kia, dịp lễ tết thưởng ít nhất 1-2 tháng lương thì nay tiền thưởng được lãnh đạo công ty "lờ" đi không một lời giải thích. Sếp thẳng thắn "khất" để dịp khác, doanh nghiệp làm ăn khấm khá hơn sẽ... thưởng bù.
Nguyên nhân cơ bản, theo anh Nam vẫn là nhiều công trình bị chậm tiến độ, không thu được tiền từ phía khách hàng. Cách đây vài năm, dự án ra mắt, đàn hát "tung trời", quảng cáo rầm rộ thì nay công trình đắp chiếu cỏ mọc xanh um. "Bối cảnh khó khăn chung nên mặc dù thu nhập giảm sút, tôi cũng không dám bỏ công ty để đi", anh chia sẻ.
Kể từ cuối tháng 4/2011, cùng với động thái siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng ở hầu hết phân khúc, kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, thiết kế... rơi vào tình cảnh ế ẩm. Số đông các công ty chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt, còn lại sa thải toàn bộ nhân viên làm ăn kém hiệu quả cùng với đó là giảm lương, cắt phụ cấp. Không chỉ riêng môi giới địa ốc mà cả các nhà thầu xây dựng cũng rơi vào cảnh lao đao không kém.
Anh Nguyễn Tuấn, cán bộ kỹ thuật của một nhà thầu xây dựng chỉ được chủ đầu tư ứng trước chi phí 20%, còn lại 80% phải vay ngân hàng. Nay trong bối cảnh khó khăn, không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng mở hầu bao. Trước kia, khi ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu xây dựng như sắt thép, cát đá sỏi, nhà thầu có thể nợ vài tháng thì nay nhà cung cấp yêu cầu tiền chồng ngay mới có thể mang vật liệu về chân công trình. Đơn vị của anh còn bị cắt giảm một nửa số cán bộ kỹ thuật vì không đủ tiền trả lương nhân viên. "Những người ở lại còn bị nợ lương từ tháng 8 đến nay", anh chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường chia sẻ, thị trường bất động sản có sự liên đới giữa nhà đầu tư, nhà thầu, môi giới và khách hàng. Nhà khó bán ra, môi giới và nhà đầu tư sẽ lãnh đủ. Thị trường càng khó khăn, sẽ còn tái diễn tình trạng văn phòng môi giới đóng cửa, doanh nghiệp bất động sản lao đao.
Mặc dù khẳng định vai trò của môi giới vẫn rất cần thiết, song theo ông Võ, sẽ không còn chuyện những người đóng vai trò trung gian có thể dễ dàng hốt bạc như những năm địa ốc còn sôi động. "Dần dần, địa ốc sẽ phải trở về giá trị thực và môi giới cũng sẽ không thể thu lợi nhuận kếch xù", ông Võ nói.
Theo Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn