Móc túi trên xe buýt: Thờ ơ vì sợ hay vô trách nhiệm?

Thời sựThứ Sáu, 14/10/2011 06:15:00 +07:00

(VTC News) – “Em chưa kịp định thần vì mất đồ lúc nào không hay, thì lái xe quát to: Bọn mày có của mà không biết giữ, trưng ra vậy sao nó không móc..."

(VTC News) – “Em chưa kịp định thần vì mất đồ lúc nào không hay, thì lái xe quát to: Bọn mày có của mà không biết giữ, trưng ra vậy sao nó không móc..."

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng trộm cắp, móc túi thường di chuyển và thực hiện hành vi móc túi ngay trên hành trình các chuyến xe buýt, đặc biệt là những chuyến có đông sinh viên đi như 01, 02, 21, 22, 27, 39…

Trộm ngay trên hành trình xe

Trong suốt những ngày tìm hiểu về các nhóm trộm cắp trên xe buýt, chúng tôi đã được các bạn sinh viên cho biết, hiện nay có rất nhiều đối tượng móc túi, trộm cắp trực tiếp đi trên các chuyến xe buýt, và thực hiện hành vi này ngay trên xe.

“Hằng ngày mình thường bắt xe buýt đi học, tuy đoạn đường từ Ngã Tư Sở xuống tới trường không xa lắm, nhưng rất nhiều lần mình được chứng kiến cảnh móc túi ngay trên xe. Bọn chúng thường lên ở những bến có đông sinh viên, và chỉ xuống khi đã có cái gì đấy trong tay”, bạn Trịnh Văn Thái, sinh viên năm thứ 3 Đại học Kiến trúc cho biết.

Với các bạn sinh viên thường xuyên đi xe buýt, ngoài hai điểm trung chuyển Cầu Giấy và Long Biên đã quá nổi tiếng về nạn trộm cắp, thì các điểm dừng xe buýt trước chợ Thượng Đình, gần trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Hà Nội, Đại học Kiến trúc, trạm dừng trên đường Giải Phóng (trước cổng Đại học Bách Khoa), trạm dừng đường Xuân Thủy (trước cổng Đại học Quốc gia HN)… cũng được các bạn sinh viên truyền tai nhau như là những điểm đen về nạn trộm cắp, móc túi để tự đề phòng, cảnh giác.

Tuy tận mắt chứng kiến nhiều lần, nhưng Thái chưa một lần dám tố cáo hành vi của chúng, vì theo Thái, chỉ sợ chúng nó làm liều với mình thì nguy và sợ chúng nó tìm cách trả thù, khi hằng ngày vẫn phải đi xe buýt để đi học.

Các điểm dừng tập trung đông người cũng là nơi các đối tượng trộm cắp hành nghề. Ảnh chụp điểm dừng gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Chiều 10/10, chúng tôi đi thực tế trên xe 02 (Bắc Cổ - Bến xe Yên Nghĩa), đến điểm dừng đối diện trường Đại học Thủy Lợi xe tấp vào đón khách, lúc này có gần chục người chen chân lên xe. Sau khi xe đi được một đoạn, hành khách trên xe đã ổn định vị trí, có hai người làm tôi đặc biệt chú ý vì có khá nhiều điểm giống những đối tượng thường xuyên móc túi mà các bạn sinh viên đã kể trước đó.

Điểm đáng chú ý đầu tiên đấy là ánh mắt của họ, lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc vẻ dò xét, kiếm tìm, nhưng thường không dừng lại ở bất kể chỗ nào cố định quá lâu, đầu đội mũ phớt, mặt lúc nào cũng hơi cúi xuống, quần áo ăn mặc có vẻ lịch sự nhưng chân lại đi giầy bata loại rẻ tiền đã xỉn màu, trên tay phải vắt theo chiếc áo ấm che gần kín bàn tay, vừa lên xe đã chọn đứng ngay vị trí gần cửa xuống.

Khi chiếc xe chạy đến gần điểm dừng trước Bách hóa Thanh Xuân, gần chục hành khách dồn ra cửa sau để chuẩn bị xuống, thì hai đối tượng mà tôi đang để mắt tới cũng dồn lại và chúng đứng sát vào nhau.

Chiếc xe phanh kít lại và cửa sau mở, đối tượng đi sau hơi đẩy người vào đối tượng trước để chen xuống, đồng thời che khuất đối tượng phía trước.

Trong lúc lộn xộn mọi người chỉ chen nhau lên xuống thật nhanh. Dù tôi đã căng mắt nhìn, nhưng không thể thấy được đối tượng phía trước có bất kể hành động gì. Nhưng chiếc xe chưa kịp lăn bánh thì giọng một bạn nữ trên xe nói to “em bị móc mất điện thoại rồi”, tôi mới giật mình cũng chen xuống tìm hai đối tượng vừa rồi, nhưng chúng đã lẩn mất tự bao giờ.

“Móc túi trên xe buýt thì em gặp nhiều, không chỉ có nam mà nữ cũng có, chúng thường đi thành nhóm 2 - 3 người. Như tại trạm dừng trước cổng trường Bách Khoa trên đường Giải Phóng thường xuất hiện hai phụ nữ trung tuổi hành nghề, có lẽ những ai thường xuyên đi các tuyến buýt qua điểm này đều biết, nhưng chẳng thấy ai làm gì họ”, bạn Nguyễn Văn Bằng, sinh viên năm thứ 4 Đại học Xây dựng cho biết thêm.

Lái và phụ xe chỉ làm ngơ?

Tình trạng trộm cắp, móc túi trên xe buýt diễn ra thường xuyên, nhưng tại sao lái và phụ xe đều… không biết. Trong khi đa phần các bạn sinh viên thường xuyên đi xe buýt đều từng chứng kiến qua các cảnh tượng đó.

Lợi dụng lúc sinh viên sơ hở là chúng hành động. 
Bạn Thái vẫn còn nhớ như in câu chuyển chỉ xảy ra cách đây ít ngày, “buổi sáng hôm 6/10 em đi trên xe 01 từ chợ Thượng Đình xuống trường Đại học Kiến trúc, qua đoạn cổng trường Đại học Hà Nội thì có một đối tượng trông khá ngổ ngáo đứng chắn gần cổng xuống.

Thấy vậy phụ xe buýt tới dọa "mày có đứng gọn vào không, mày thích tao gọi công an đến gô cổ mày lại không”. Bị chửi vậy nhưng người này không phản ứng gì lại, chỉ lặng lẽ đứng lùi vào trong, lái và phụ xe cũng không đuổi người này xuống. Phụ xe mà nói thế thì chắc chắn phụ xe không thể không biết, chỉ là họ có muốn bắt không thôi”, Thái nói giọng đầy bức xúc.

Không chỉ là chứng kiến, bạn Hoàng Diệu Linh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách Khoa, còn từng bị lái xe “nhắc khéo” một lần, Linh kể: “Vào khoảng cuối tháng 8, em lên xe 21 (Giáp Bát – Yên Nghĩa) ở bến trước cổng trường, lúc đấy vừa bước lên xe thì lái xe hỏi em ‘mày mất điện thoại chưa?’, em mới ngớ người móc túi để kiểm tra thì đúng là mất thật”.

“Em chưa kịp định thần vì mất đồ lúc nào không hay, thì lái xe quát to để cả xe cùng nghe ‘bọn mày có của mà không biết giữ, trưng ra vậy sao nó không móc’. Em không thể hiểu trách nhiệm của họ ở đâu nữa, sao họ biết mà không bắt luôn, còn đổ lỗi cho người khác”, giọng như nghẹn lại, Linh đặt nghi vấn.

Khi chúng tôi hỏi một lái xe buýt về tình trạng trộm cắp trên xe, vị tài xe này cho hay, đa phần những đối tượng trộm cắp, móc túi nhìn là biết ngay, nhưng có bắt thì vài hôm nó lại được thả ra, để nó nhớ mặt nhỡ nó quay lại trả thù thì chỉ thiệt thân. “Nên không phải cứ nói bắt là bắt được, mà mình chỉ có thể nhắc nhở hành khách cẩn thận hơn thôi”, vị tài xế này bộc bạch.

Về vấn đề đang gây bức xúc dư luận này, cơ quan chức năng TP Hà Nội nói gì, làm gì và đề ra những giải pháp nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo sẽ đăng vào sáng ngày mai (15/10).

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn