Mộ phần nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Hồ Tây?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 06/10/2012 07:00:00 +07:00

Sách “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” đưa nghi vấn: “Các nhà nghiên cứu thiên về thuyết mộ bà Hồ Xuân Hương nằm ở nghĩa địa ven hồ.

Người ta tin rằng có mộ phần nữ sĩ Hồ Xuân Hương dưới làn nước hồ Tây, dòng họ Hồ lại thêm một lần rậm rịch chuyện tìm kiếm.

Hồ Xuân Hương là ai?

Thơ của bà chúa thơ Nôm thì người Việt nào cũng thuộc đôi ba câu, nhưng bà là ai, số phận thế nào thì mấy ai tường, thậm chí nhiều chi tiết về cuộc đời bà vẫn lửng lơ trong thắc mắc của người đời như nhà thơ Hoàng Trung Thông từng băn khoăn rằng: “Như có như không như không như có”.

Trong một lần công tác, tôi về Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - mảnh đất địa đầu xứ Nghệ xưa nay nức tiếng là làng khoa bảng, khi có câu “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi”. Nằm trên quốc lộ 1A có biển chỉ dẫn “Bia, mộ nữ sĩ Hồ Xuân Huơng” khiến tôi băn khăn, phải chăng người ta đã tìm được và “quy tập” mộ phần của “bà chúa thơ Nôm” về quê nhà?

Ông Hồ Xuân Quế 

Từ đường quốc lộ 1A, đi vào con đường liên xã chừng 5- 6km, tôi đến xã Quỳnh Đôi, bên tay phải có nhà bia ghi dòng chữ “bia nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772- 1822)”- thì ra đây chỉ là bia, chứ không phải mộ bà. Hai bên đường dẫn vào nhà bia, là hàng xà cừ cổ thụ, và gần cạnh là mộ chí của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và Anh hùng Cù Chính Lan, bao quanh là cánh đồng lúa xanh rì…

Đem băn khoăn này, tôi vào chiêm bái Nhà thờ họ Hồ Quỳnh Đôi - một trong 3 dòng họ (họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Hồ) có công “khai ấp lập làng” cách nay 1630 năm. Đền thờ họ được Nhà nước công nhận di tích lịch sử.

Hỏi chuyện cụ Hồ Xuân Quế - Trưởng Ban Cán sự họ Hồ Quỳnh Đôi, thì cụ cho biết: “Tôi cũng không biết mộ bà ở mô, người ta nghi mộ bà ở Vĩnh Phúc, hay ở ven Hồ Tây chi đó…”. Về thân thế, sự nghiệp của “bà chúa thơ Nôm”, cụ Quế mở sổ ghi ra:

Theo tộc phả thì, ông Hồ Phi Diễn (1703- 1786) đỗ tú tài năm 24 tuổi, ra Bắc dạy học, lấy bà họ Hà quê Hưng Yên rồi sinh được một con gái là Hồ Phi Mai (bút danh sau là Hồ Xuân Hương) ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (nay ở vườn Bách Thảo gần hồ Tây).

Nhà thờ họ Hồ Quỳnh Đôi 

Có người nói lại cho rằng, Hồ Xuân Hương là con ông Hương cống Hồ Sĩ Danh (1706- 1783), em ruột Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống nhưng phả hệ Quỳnh Đôi không thừa nhận điều này, vì ông Hồ Sĩ Danh sau khi đỗ Hương cống không ra làm quan, cũng không đi đâu xa khỏi làng nên không thể có con là Hồ Xuân Hương.

Cũng theo tộc phả, thì Hồ Xuân Hương và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) là anh em cùng có chung ông tổ 5 đời, cùng đời thứ 27 của Đức Nguyên tổ Hồ Hưng Dật.

Hồ Xuân Hương tài năng lỗi lạc về thi ca và học vấn ở Kinh Kỳ, nhưng đời riêng thì có số phận hẩm hiu - lấy 3 đời chồng, và đều… làm lẽ, đều bị vợ cả chèn ép, có lẽ vì thế bà đã “kêu” lên: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung…”.

Về thăm “quê cha”

Về làng Quỳnh Đôi, từ nam phụ lão ấu, ai ai cũng tự hào về quê mình, có nhiều danh nhân, trong đó có nữ sĩ Hồ Xuân Huơng và ai cũng kể vanh vách nhiều giai thoại về bà.

Theo giai thoại của làng thì Hồ Xuân Hương đã từng về “quê cha” - làng Quỳnh Đôi. Khi về quê, Hồ Xuân Hương đã đi gánh nước ở giếng Cả, đựng nước là 2 nồi đất.

Vốn là con gái đất Bắc chốn Kinh Kỳ, không thạo việc nhà nông, nên “nàng” gánh nước lóng ngóng, bị trượt chân ngã, vỡ cả 2 nồi đất, nước tung tóe. Trai làng, thấy cô gái xinh xắn, thì đổ ra trêu ghẹo.

Hồ Xuân Hương không “đỏ mặt”, mà làm ngay bài thơ “Vũ hậu tức cảnh” (Tức cảnh sau mưa) để “chữa thẹn”, có câu: “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Người ta phải “lè lưỡi”, đúng là phận nữ nhi, nhưng khí phách thật như Từ Hải! Giếng Cả, như trong giai thoại xưa nay vẫn còn, nhưng nay thành ao cá.

Thấy có người con gái nổi tiếng thơ văn ở xứ Bắc về, thì bao tài tử văn nhân của làng, của vùng kéo nhau tới… xem mặt. Mà, làng Quỳnh Đôi hồi ấy đã nổi tiếng là làng khoa bảng, người có chữ nghĩa không thiếu, các danh sĩ trong làng hồi bấy giờ, như Long Sơn, Hổ Sơn…

Phả hệ Hồ tộc 

Một tối có ông đồ Dương Trí Tản vốn tính ngang ngạnh, tự phụ cũng sang thách đấu văn thơ với “người đẹp”. Rít xong hơi thuốc lào nhả khói mù mịt, cho mọi người giãn ra, Trí Tản ung dung ra đọc “ứng khẩu” một bài thơ đã chuẩn bị sẵn: “Eo lưng thắt đáy thật là xinh/ Điếu ai hơn được điều cô mình/ Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa/ Càng núc, càng say tính với tình”.

Hồ Xuân Hương “tẩn” luôn: “Giương (từ đồng âm với tên họ là Dương của Trí Tản) oai giễu võ thật là kinh/ Danh tiếng bao lăm đã tận rồi/ Thoáng ngửi thoáng ghê hơi hương lửa/ Tài trí ra sao hỏi tính tình”.

Bao tài tử giai nhân chốn Kinh Kỳ mà Hồ Xuân Hương “không thèm chấp” nữa mà một ông đồ tự phong, nghiện thuốc lào chốn làng quê này lại còn đòi “hương lửa” (chim chuột) với nàng! Từ đó, “ông đồ” Dương Trí Tản không còn lên mặt dạy đời, cậy có tý chữ “bắt nạt” mọi người ở chốn làng quê này.

Lập Cổ Nguyệt đường

Bên cạnh Hồ Tây lộng gió, Hồ Xuân Hương lập ra Cổ Nguyệt đường - là cái quán nơi đàm đạo thơ văn, thu hút nhiều văn nhân - bạn bè lui tới, như Chiêu Hổ, Trần Hầu, Tốn Phong Thị, Phạm Quí Thích, Nguyễn Huy Tự, Mai Sơn Phủ, Cư Đình, Trần Quang Tĩnh, Trần Phúc Hiển, và có cả Nguyễn Du nữa…

Ông Cự Đình khi giới thiệu bà với ông Tốn Phong Thị đã viết: “Hồ Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ”.

Tốn Phong Thị cũng nói: “Tuy đầy vẻ gió trăng mây móc nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại đều đúng với cái ý nghĩa: xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên lễ nghĩa”.

Mộ phần bà ở đâu?

Để tìm hiểu thông tin từ phía dòng họ Hồ, tôi đã tìm gặp nhà nghiên cứu Hồ Bá Hiền - Trưởng ban Sử - Ban Liên lạc họ Hồ Việt Nam - người luôn đau đáu với việc tìm mộ phần của một người trong dòng họ. Ông Hiền không còn ở khu tập thể Trung Tự, nay ông mới chuyển đến chung cư ven Hồ Tây, có lẽ để gần nơi bà Hồ Xuân Hương yên nghỉ, khi ông mở cửa sổ ra là nhìn ra mặt hồ!

Ông Hiền nói: chứng tích rõ nhất là ở bài thơ “Long Biên trúc chi từ” của Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm), khi năm 1842 nhà thơ hộ giá vua anh là Thiệu Trị (1840- 1847) ra Bắc tiếp sứ thần Trung Hoa.

Ông Hồ Bá Hiền 

Miên Thẩm sai cô hầu gái ra Hồ Tây hái sen về cúng đàn, còn dặn rằng: “Đầy hồ rực rỡ hoa sen/ Sai người xuống hái để lên cúng đàn/ Chớ trèo lên mộ Xuân Hương/ Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng/ Sen tàn phấn rữa mồ hoang/ Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh/ U hồn say khướt làm thinh/ Gió xuân mấy độ thổi tình ai hay” (GS. Hoàng Xuân Hãn dịch).

Nơi “cúng đàn”, phải chăng là chùa Kim Liên, nay vẫn còn, mộ phần của Hồ Xuân Hương cạnh nghĩa địa Đồng Táo, cách xa chùa không quá 300m. Cần nói thêm là, trước kia Hồ Tây nhỏ hơn bây giờ, khi bị vỡ đê, nước đã nhấn chìm nhiều nghĩa địa, trong đó có nghĩa địa Đồng Táo.

Ông Hồ Sĩ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sách “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” đưa nghi vấn: “Các nhà nghiên cứu thiên về thuyết mộ bà Hồ Xuân Hương nằm ở nghĩa địa ven hồ”.

Sách “Tây Hồ chí” có đóng dấu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, ký hiệu A3192/1-2 đoạn viết về hình thế hồ có câu: “Thôn Lạc Chính (tên cũ là Ngũ Xã) ở giữa hồ gồm 2 bãi bồi lớn, nhỏ hình con lân. Bãi lớn rộng vài trăm mẫu là khu dân cư, bãi nhỏ khoảng ba bốn chục mẫu có nhiều phần mộ”.

Bài thơ cùng nhiều tài liệu khác, ông Hồ Bá Hiền nghi mộ bà ở một trong 3 nơi: nghĩa địa Lạc Chính (gần Trúc Bạch), nghĩa địa Đồng Táo (ở Nghi Tàm) và gò Thất Tinh (giữa Thụy Khuê và làng Hồ Khẩu).

Từ những thông tin trên là chưa đủ, ông Hiền “cầu cứu” đến Trung tâm tìm mộ từ xa của UIA. Nhà ngoại cảm NTN cho biết, mộ bà hiện ở khu vực hồ Tây (gần nghĩa địa Đồng Táo, gần khách sạn Thắng Lợi). Mộ ở dưới hồ, sâu khoảng 1,8- 2,4 m, cạnh đấy có một miếu thờ bà… Từ đó, ông Hiền đã phác ra sơ đồ mộ bà: Cách phủ Tây Hồ 625m về phía Tây Nam, cách khách sạn Thắng Lợi 915m về phía Nam, từ miếu cũ xuôi về Tây 1.480m.

Sơ đồ vị trí ngô mộ, do ông Hồ Bá Hiền vẽ 

Ông Vũ Hồ Luân - Trưởng Ban quản lý di tích đình, chùa làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, cho biết: “Thực ra, tôi nguyên cũng là người họ Hồ. Theo các cụ truyền lại thì vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) khi kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh đem theo rất nhiều người họ Hồ ra, rồi định cư rải rác ở Thăng Long, trong đó có cụ kỵ tôi.

Khi Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, thì nhiều người họ Hồ ở Thăng Long đổi sang họ khác, cụ kỵ tôi đổi sang họ Vũ, nhưng vẫn lấy đệm là Hồ (Vũ Hồ)”.

Là nhà giáo nghỉ hưu, lại sống nhiều đời ở làng Hồ Khẩu, rất am hiểu, và viết nhiều sách về vùng Hồ Tây, ông Vũ Hồ Luân cho biết: “Tôi đã cùng 2 đoàn của dòng họ Hồ gồm 2 tiến sĩ, 6 kỹ sư và cử nhân, đi ca-nô ra hồ Tây để xác định vị trí, theo thông tin của nhà ngoại cảm”. Tuy nhiên, các cuộc tìm kiếm vẫn chưa thành công

Ông Hồ Bá Hiền cho biết, việc tìm được mộ phần - di cốt của bà không chỉ là mong mỏi của hậu sinh dòng họ, mà của những ai yếu mến bà trong nước và quốc tế, để ta có dịp thắm cho bà nén hương.

Liên PhạmCông lý

Bình luận
vtcnews.vn