Mò mẫm trong đêm cuối năm giữa nơi hoa lệ nhất VN

Thời sựThứ Bảy, 09/02/2013 09:59:00 +07:00

(VTC News) - Không khí Tết cận kề, đa phần những người làm ăn xa xứ đã đón xe, tàu về quê ăn Tết, số còn lại do nhiều lý do vẫn “bám trụ” thành phố để mưu sinh.

(VTC News) - Không khí Tết cận kề, đa phần những người làm ăn xa xứ đã đón xe, tàu về quê ăn Tết, số còn lại do nhiều lý do vẫn “bám trụ” thành phố để mưu sinh.

Mò mẫm bán vé số đêm giáp Tết 

Tối ngày 8/2 (tức 28 tháng Chạp) tại ngã tư Phan Anh – Hương Lộ 2, Q.Bình Tân nhiều người đi đường thấy một người đàn ông chừng 50 tuổi, vóc dáng cao, tóc cắt ngắn, mặc bộ quần áo theo kiểu của phật tử nhà chùa, tay trái cầm gậy dò đường, tay phải cầm xấp vé số, đeo tràng hạt, chéo vai là túi xách cũ kỹ.

Người đàn ông cứ dò dẫm bằng cách huơ gậy qua lại khoảng cách hai bên trái phải và trước mặt. Một thanh niên đang chạy xe trên đường, thấy vậy liền ngừng lại chờ người đàn ông đến gần, người thanh niên lên tiếng hỏi “ông ơi, ông bán vé số à”, “đúng rồi” – người đàn ông mù đáp lại. 

Nói rồi người này chìa ra xấp tờ vé số, ánh mắt như dõi theo về phía có tiếng nói, người thanh niên xem và chọn được vài tờ và móc túi trả tiền. Người đàn ông mù tay mân mê tờ tiền để biết được loại gì rồi thối lại cho anh thanh niên dường như hoạt động chỉ diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ.

 Dò dẫm từng bước trong đêm tối, trong bóng đen che phủ trước mặt, người đàn ông này bám trụ tại thành phố để mưu sinh. Ảnh: Phan Cường

Người đàn ông mù tên Hứa Ngọc Mẫn (quê Cà Mau), trước đây khi chưa mù mắt, ông làm thuê mướn cho một công ty may trên địa bàn Q.Tân Phú. Tuy nhiên, sau một cơn bạo bệnh, ông nằm liệt giường, sau đó cảm thấy hai mắt mỗi lúc mỗi mờ đi, cho đến khi ông không còn thấy được gì. 

Bất hạnh ập đến, vợ ông thấy cực khổ nuôi nấng, chăm sóc ông nên đã dứt áo ra đi. Ông cố gắng gượng dậy một thân một mình, lúc đầu chưa quen với bóng tối dày đặc trước mặt, ông đã nhiều lần khóc than cho số phận của mình. 

Những lúc đau khổ, ông tìm đến một ngôi chùa gần nơi cư trú tìm đến những bài giảng, nghe kinh để thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản và rồi ông cũng đã vượt qua nỗi cô đơn, vượt qua bóng đêm, cảm thấy ánh sáng cuộc đời le lói phía trước. 

“Theo tư vấn của nhiều người, cuối cùng tôi chọn nghề bán vé số làm kế sinh nhai, dù ít dù nhiều phần nào cũng nuôi được bản thân, vả lại cũng là niềm vui, an ủi khi mình sống có ích” – ông Mẫn nói. 

Những ngày giáp Tết, ông Mẫn cố gắng trụ lại thành phố để bán vé số kiếm chút tiền nuôi thân, và điều nữa ông hóm hỉnh: “Biết đâu cũng là dịp mang may mắn đến nhiều người, cuối năm mua vé số, đầu năm phước lộc sẽ đến nhà”. 

Ông lại tiếp tục di chuyển trong bóng đêm...

Gia đình "trốn" Tết quê

Một gia đình được cho là "trốn" Tết quê đón Tết thành phố, đó là gia đình chị Huỳnh Thị Thành (SN 1970, quê An Giang), lý do là con cái đông, tiền bạc ít ỏi, Tết không nghỉ ngơi mà vẫn phải làm việc xuyên suốt. 

Chị Thành làm lao công cho khách sạn tư nhân nằm trên đường Tô Hiệu (Q.Tân Phú), thời gian làm từ 7h sáng 5h chiều, có khi tăng ca làm đến 21h tối.

Con gái đầu lòng tên Nguyễn Hạnh Nhân học bổ túc lớp 8 ban đêm, buổi sáng thì ở nhà lo việc giặt giũ, bếp núc, có những lúc chị Thành bận việc riêng hay đau ốm thì Nhân đi làm thế mẹ, nếu nhằm những buổi tối tăng ca trùng ngày học thì Nhân buộc phải nghỉ học. 

Hai đứa em Nhân (1 gái, 1 trai), đứa học lớp 4, đứa lớp 1. Sáng đi làm chị Thành tranh thủ tiện đường chở 2 con đi học, chiều đón về. 

Anh Nguyễn Văn Nghĩa – chồng chị Thành, với công việc giao hàng gas, bếp gas, anh làm thuê cho một cơ sở ga tư nhân nằm trên đường Lãnh Binh Thăng (Q.11), với đặc thù nghề nên thời gian làm việc của anh cũng không cố định. Anh nhận lương cơ bản được 1,5 triệu đồng/tháng, chi phí xe cộ xăng nhớt anh tự bỏ tiền túi ra, còn phần anh giao hàng cho khách thì anh được hưởng 10%, tùy theo sản phẩm.

Chị Tâm đang lau chùi, rửa vật dụng sắp sửa đón Tết tại một khu nhà trọ công nhân (Q.Bình Tân). "Tuy không về quê đón Tết do điều kiện kinh tế eo hẹp, nhưng đâu cũng là quê hương mình nghĩ vậy nên cũng đỡ buồn" - chị Tâm nói. Ảnh: Phan Cường

Cả hai vợ chồng chị Thành với số tiền thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng, trong khi đó chi tiêu gồm tiền nhà trọ 1,5 triệu đồng, điện nước 350 ngàn, ăn uống, tiền học phí, chi tiêu khoảng 3 triệu đồng… Với con số đó thì hai vợ chồng không thể nào có dư được. 

“Làm quần quật cả năm, tằn tiện chi tiêu thế nhưng tiền lương thì ít mà giá cả chi tiêu thì cao nên cuộc sống hai vợ chồng cùng mấy con khá vất vả chẳng có tâm trí nào nghĩ đến việc chăm lo Tết” – Chị Thành tâm sự. 

Được biết, đây là cái Tết thứ năm gia đình chị Thành không về quê để cùng đoàn tụ gia đình, dòng tộc năm mới.

Riêng đối với chị Nguyễn Thị Tâm, thì đây là lần đầu chị ở lại thành phố. Lý do chị đưa ra, là chị mới về quê sinh con. Sau khi sinh xong chị bế con vào lại thành phố với chồng đang làm việc tại đây nên cũng không về tiếp nữa, một phần đường sá xa xôi, tốn kém thời gian, chi phí, tiền bạc lại eo hẹp nữa.

"Xa quê, không được đón Tết sum vầy cùng gia đình, người thân trong thời khắc thiêng liêng, cảm giác thấy trống trải, nhớ nhà lắm. Nhưng ở đâu cũng là quê hương mình nên nghĩ vậy cũng đỡ buồn phần nào. Vả lại lúc này có chồng, con bên cạnh cũng thấy hạnh phúc lắm rồi" - chị Tâm bộc bạch.

Nấu bánh tét tặng công nhân

Năm nào cũng vậy, cứ gần những ngày giáp Tết, nhà chị Doãn Thị Mai (P.Tân Tạo A, Q. Bình Tân, TP.HCM) đã nhộn nhịp người ra vào, nói cười rộn rã. Chị Mai là chủ dãy nhà trọ chuyên cho công nhân thuê (khu vực này có 2 KCN lớn là Tân Tạo và Pou Yuen - PV). 

Các bà các chị trong CLB Nữ chủ nhà trọ và mấy công nhân ở trọ gần đó cùng đến nhà chị Mai làm bánh tét để tặng cho những gia đình công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết. Hai chiếc nồi lớn với 80 đòn bánh đã "ra đời". 

Một chủ nhà trọ tại Q.Bình Tân nấu bánh tét tặng công nhân. 
Ảnh: Phan Cường

Ngoài ra, đích thân chị Mai tự tay chuẩn bị những giỏ quà để tặng cho những gia đình công nhân trong dãy trọ nhà mình. Những người về quê sớm thì được quà hộp bánh, hộp trà, chai dầu ăn, bột ngọt, còn người ở lại thì được chị quan tâm, chia sẻ như người nhà. “Tuy không nhiều nhưng đó là tấm lòng của tôi gửi đến gia đình các em, các cháu nhân dịp tết đến xuân về” - chị Mai tâm sự.

Thông lệ, đêm giao thừa, chị Mai làm một lễ tiệc rồi mời gọi những hộ gia đình ở lại cùng nhau phá cỗ, ăn uống vui chơi thoải mái, rồi hát karaoke, gọi điện về quê chúc tết bố mẹ ông bà, sau đó cả nhóm xuất hành đầu năm. "Không được về quê đón Tết nhưng chúng tôi cảm giác gần gũi khi được chị Mai xem như người nhà trong gia đình, thấy ấm áp và tình cảm lắm” - một công nhân chia sẻ.

Được biết, Q.Bình Tân là một trong những quận làm tốt phong trào xây dựng các khu nhà trọ văn minh, nghĩa tình. Tính đến nay, đã có khoảng 50 chủ nhà trọ tổ chức các hoạt động hỗ trợ chăm lo cho công nhân ở trọ được đón cái tết xa nhà, trao tặng được hơn 2.500 suất quà với tổng kinh phí 125 triệu đồng.

Trước đó, chiều 7/2, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM đã dẫn đầu đoàn cán bộ thành phố đến dự Đêm hội “Vui Tết cùng công nhân” tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc  (Q.Bình Tân).

Bí thư Lê Thanh Hải đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ công nhân, các công ty, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư nước ngoài cùng nhau vượt qua khó khăn năm qua, để hướng đến thành quả chung tốt đẹp trong năm tới. Dịp này, đoàn lãnh đạo thành phố cũng đã trao tặng 600 phần quà xuân cho công nhân không về quê ăn Tết, mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng và bao lì xì 100 ngàn đồng.

Đồng thời, đoàn cũng đã đến thăm, chúc tết các gia đình, tập thể công nhân ở khu nhà lưu trú mới của công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động 11 công trình nhà lưu trú công nhân tại 7 KCN-KCX với hơn 11.400 chỗ lưu trú.

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn