Mô hình liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN của Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Sản phẩmThứ Ba, 18/09/2018 10:57:00 +07:00

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may dù cạnh tranh theo phương thức nào cũng đều cần những công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có sự liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực của mình.

Vai trò của KHCN trong dệt may

Trong những năm gần đây, nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng KHCN, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước tiến lớn cả về năng suất và chất lượng. Tính từ năm 2010 đến năm 2017, quy mô của thị trường dệt may Việt Nam ít có sự thay đổi, chỉ dao động trong khoảng 700 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của ngành dệt may nước ta trong cùng thời điểm đó lại tăng lên tới 57% từ hơn 10.7 nghìn USD/người lên hơn 16,8 nghìn USD/người.

”Như vậy, chúng tôi cho rằng có 2 yếu tố tác động rất lớn là các doanh nghiệp dệt may đã biết tận dụng: Một là thành tựu của cuộc cách mạng KHCN; Hai là trí tuệ của nguồn nhân lực. Nói một cách bản chất, giá trị gia tăng chính là giá trị trí tuệ của con người tích lũy vào trong sản phẩm”, ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội khẳng định. Do đó, có thể thấy các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam hết sức quan tâm đến KHCN để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

dh cn det may hn (1)

 Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)

Các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam trong những năm trở lại đây dùng 3 công cụ cạnh tranh chính, đó là: Cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng; Cạnh tranh bằng cách nân cao tỷ lệ nội địa hóa; Cạnh tranh bằng cách thời trang hóa ngành dệt may. Cả 3 phương thức cạnh tranh đó đều đòi hỏi phải có KHCN và trí óc con người.

Căn cứ vào thực tế đó, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đào tạo theo hướng ứng dụng, tức là doanh nghiệp cần gì thì chúng tôi nghiên cứu, đào tạo. Từ vị trí giám đốc điều hành các doanh nghiệp cho đến nhân viên quản lý các  dây chuyền, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu và ứng dụng có trách nhiệm đảm nhiệm việc này.

Bên cạnh việc đào tạo chính quy sinh viên và bồi dưỡng cán bộ trong doanh nghiệp dệt may, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có một nhà máy trong trường với quy mô 500 lao động. Điều này giúp tạo thuận lợi cho việc thử nghiệm sau nghiên cứu, thử nghiệm xong là đã có thể thương mại hóa được ngay. Đồng thời, nhà trường cũng xây dựng nên những mô hình liên kết để thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN một cách có hiệu quả.

Mô hình hợp tác thương mại hóa kết quả KHCN

Hiện nay, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có 4 mô hình, cách tiếp cận giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, bao gồm: Mô hình chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu của nhà trường cho doanh nghiệp sản xuất; Mô hình công nghệ đào tạo nhân lực trọn gói theo đơn đặt hàng cho một dự án; Mô hình nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; Mô hình tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài cho nghiên cứu và đào tạo.

Thứ nhất, các doanh nghiệp dệt may rất cần năng suất và chất lượng, do đó, công cụ đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến để liên kết với doanh nghiệp là phải có những nghiên cứu thật sâu đối với công cụ sản xuất tinh gọn, một trong những công cụ khá nổi tiếng trên thế giới, áp dụng có hiệu quả ở Việt Nam.

Nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương “Triển khai thí điểm mô hình sản xuất tinh gọn vào các doanh nghiệp may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam” của Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội mới được nhiệm thu gần đây là một ví dụ. Nhiệm vụ này xuất phát từ đề tài nghiên cứu về công nghệ Lean trong lĩnh vực dệt may.

Sau khi nghiên cứu xong công nghệ Lean, Trường đã chuyển giao cho một số doanh nghiệp theo cách là thí điểm tại 4 dây chuyền yếu nhất của một doanh nghiệp. Quá trình chuyển giao diễn ra trong vòng 3 tháng, kết quả chuyển giao cho thấy các dây chuyền được thí điểm đều tăng năng suất lao động với mức tăng thấp nhất là 23.6%, cao nhất là 45%.

Trong khi đó, chi phí chuyển giao chỉ bằng 70% phần tăng năng suất của 4 dây chuyền sau 3 tháng. Khi tiếp nhận được công nghệ, quy trình triển khai và cách đào tạo lao động thì doanh nghiệp có thể tự nhân rộng công nghệ ra các dây chuyền còn lại của họ. Đây là mô hình chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu của nhà trường cho doanh nghiệp sản xuất.

Thứ hai, mô hình công nghệ đào tạo nhân lực trọn gói theo đơn đặt hàng cho một dự án được xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực khi mở dự án mới, mở rộng quy mô sản xuất.

dh cn det may hn (2)

 Các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam hết sức quan tâm đến KHCN để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (Ảnh: Bnews)

Báo cáo về Tương lai của ngành chế tạo toàn cầu đã khẳng định việc chuyển giao công nghệ nhanh nhất là chuyển giao qua con người, do đó, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã kết hợp cùng các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam để nghiên cứu mô hình đào tạo đồng thời toàn bộ cán bộ khung cho nhà máy: giám đốc, các phó giám đốc, trưởng các đơn vị chức năng, nhân viên chủ chốt các đơn vị chức năng, chuyền trưởng, công nhân chủ chốt trong dây chuyền.

Mô hình này giúp cho doanh nghiệp có ngay bộ khung nhân sự có trình độ và kinh nghiệm ở đúng vị trí mà không cần phải tuyển dụng và đạo tạo thêm nữa. Mô hình công nghệ đào tạo nhân lực trọn gói theo đơn đặt hàng cho một dự án đã được định biên và triển khai đào tạo cho dự án nhà máy may Veston Tuyên Quang của Tập đoàn Dệt May Việt Nam 2016 - 2017.

Thứ ba, mô hình nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp dệt may cũng là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao. Ông Hiệp dẫn chứng, gần đây, các doanh nghiệp đang đặt hàng Trường nghiên cứu phần mềm ứng dụng công cụ thống kê vào quản lý chất lượng đối với ngành dệt may; nghiên cứu, đào tạo nhân lực Merchandiser cho phương thức sản xuất ODM của ngành dệt may... Hay Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt hàng Trường đánh giá nhu cầu nhân lực giao đoạn 2018 – 2025 trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Cuối cùng, với mô hình tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài cho nghiên cứu và đào tạo, nhà trường có sự ứng dụng công nghệ 4.0 trong các thiết bị kỹ thuật số để giảng dạy, sản xuất, thư viện số, Internet marketing. Đồng thời, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt, chẳng hạn như kỹ thuật khai thác thiết bị may lập trình; CAD về tạo mẫu 3D dựa trên manơcanh ảo bằng phần mềm V-Stitcher; CAD trong chế tạo dưỡng tại khu vực sản xuất...

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn