Miura quyết thay đổi một thế hệ cầu thủ Việt Nam

Thể thaoThứ Hai, 02/03/2015 08:00:00 +07:00

Chỉ qua nửa năm, HLV Miura đã mạnh dạn loại nhiều cầu thủ vừa chơi rất tốt ở ASIAD và chỉ còn giữ lại bốn người dưới 22 tuổi cùng tuyển chọn mới 2/3 số quân.

Chỉ qua nửa năm, HLV Miura đã mạnh dạn loại nhiều cầu thủ vừa chơi rất tốt ở ASIAD và chỉ còn giữ lại bốn người dưới 22 tuổi cùng tuyển chọn mới 2/3 số quân mới 19-20.

Những người mới có thể bỡ ngỡ và ngán ngại các bài tập nặng của thầy mới nhưng họ đều thừa hiểu việc ông Miura gia tăng sức mạnh cho cầu thủ giúp họ vững chắc hơn như việc nuôi quân ba năm dùng một giờ.

Cách tính của HLV Miura khác hẳn với các đời thầy ngoại trước đây thường chọn cầu thủ có tên tuổi để chơi một giải đấu theo kiểu mùa vụ cho đến khi “hết xôi rồi việc”. Điều này tạo ra một lối mòn thiếu phấn đấu trên tuyển cùng sự chai lỳ bởi tính đơn điệu về lối chơi trong nhiều giải đấu. Như việc đóng khung đội tuyển hay nạn bè phái ở đội tuyển mà các đời HLV tiền nhiệm hay mắc phải.
HLV Miura quyết thay đổi một thế hệ cầu thủ Việt Nam (Ảnh: Quang Minh)
Gần một năm “se duyên” với thầy Nhật, bóng đá Việt Nam đã thấy rõ hơn sự thức thời từ lối chơi giàu sức sống của các đội tuyển lẫn tầm nhìn xa của HLV Miura. Ví như hồi năm ngoái, ông Miura không nhất thiết phải đưa các cầu thủ hơn tuổi giàu kinh nghiệm vào đội hình Olympic tham dự ASIAD hay ở AFF Cup sau đó, ông chọn đến 10 cầu thủ dưới 23 đầu tư cho tương lai.

Cái hay của HLV Miura là không gây ra tranh cãi quanh bản danh sách U23 lần này bởi tất cả đều có tên chơi ở V-League và thậm chí ngoại lệ Tiến Dũng của Viettel ở hạng nhì nhưng đã chứng minh rõ mình trong đội hình U19 Việt Nam.

Ông Miura có thể la mắng các học trò chưa kịp thích nghi với cách chơi bóng đơn giản, ít chạm và di chuyển nhiều dựa trên cái nền thể lực sung mãn nhưng đấy lại là thứ vũ khí lợi hại và hiện đại để đối đầu hiệu quả với từng đối thủ khác nhau.

HLV Miura luôn đòi hỏi cao với các học trò trong mỗi buổi tập phải luôn có ý thức hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt những cầu thủ tấn công phải biết tham gia phòng ngự. Điều này buộc các cầu thủ phải có một nền thể lực sung mãn và luôn tập trung cao độ trong mỗi pha bóng.

Theo đó, mỗi khi không có bóng, các tiền đạo phải đi “săn” bóng từ hậu vệ đối phương và lúc mất bóng phải kịp hỗ trợ hàng thủ đánh chặn từ xa.

Ông thầy người Nhật tỏ ra rất nghiêm khắc với những thói quen chưa phù hợp ở các CLB và kiên nhẫn điều chỉnh ở mỗi tình huống cụ thể để tạo nên một cách đá tấn công và phòng ngự tổng lực.

Nguồn: Pháp Luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn