"Mẹo" giúp sinh viên "săn" việc như ý từ khi thực tập

Kinh tếThứ Bảy, 17/03/2012 03:42:00 +07:00

Nếu có sự chuẩn bị đúng và đầy đủ, sinh viên có thể tìm được việc làm như ý ngay từ khi thực tập.

Nếu có sự chuẩn bị đúng và đầy đủ, sinh viên có thể tìm được việc làm như ý ngay từ khi thực tập.

Tìm thông tin, chuẩn bị kỹ năng

Hiện nay phần lớn sinh viên phải tự xin chỗ thực tập, do đó để có được một chỗ thực tập ưng ý, cần phải có kế hoạch cụ thể.

Sinh viên tham gia ngày hội việc làm để tìm kiếm thông tin thực tập và tuyển dụng. 
Thạc sĩ Lê Phát Minh - giảng viên Trường ĐH Tài chính marketing - chia sẻ: “Ngoài nhà trường, báo chí là nơi có nhiều thông tin nhất về thực tập và tuyển dụng của doanh nghiệp. Từ đây, sinh viên nên liên lạc với doanh nghiệp xin vào thực tập, có khoảng 60-70% sinh viên thành công khi áp dụng cách này. Nhiều sinh viên còn được nhận lương từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng ngay trong thời gian thực tập”.

Thạc sĩ Trương Minh Kiệt - Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - đưa ra lời khuyên: “Tham gia tích cực vào các ngày hội giới thiệu việc làm, thực tập của các doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên tìm được nơi thực tập nhanh nhất. Khi tham gia, ngoài việc chuẩn bị một hồ sơ như ý, sinh viên cần trang bị trước kỹ năng để tham gia phỏng vấn tại chỗ”.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng nói: “Thông thường, doanh nghiệp khi tuyển sinh viên thực tập thường yêu cầu có lực học khá trở lên, điểm rèn luyện trong suốt quá trình từ loại tốt trở lên, đạt trình độ ngoại ngữ và tin học, có ý thức và thái độ tốt với công việc, kèm theo một số kỹ năng mềm… Do vậy, sinh viên cần phải chuẩn bị ngay từ khi bắt đầu nhập học chứ không phải đợi đến khi tìm chỗ thực tập”.

“Mẹo” gây ấn tượng

Nguyễn Thị Diễm My - cựu sinh viên Trường ĐH Umea (Thụy Điển) - chia sẻ: “Đi xin thực tập và xin việc, quan trọng trước hết là quá trình chuẩn bị hồ sơ. Trong đó, CV (lý lịch cá nhân) phải chuyên nghiệp trong cách trình bày. Thông thường một CV chuẩn gồm 4 phần: thông tin cá nhân, thông tin học tập, hoạt động xã hội, sở thích và tính cách cá nhân. Quan trọng không kém là thư xin thực tập gửi doanh nghiệp. Thư này cần trình bày chi tiết những mong muốn của bản thân, đóng góp có thể làm được cho doanh nghiệp, nếu được nên tìm hiểu kỹ và nêu lên các hướng để phát triển công ty. Không thể thiếu nữa là thư giới thiệu của giáo viên”.

Diễm My thông tin thêm: “Nên gửi nhiều hồ sơ, cả doanh nghiệp có nhu cầu và những doanh nghiệp chưa có. Nếu được nên gửi trực tiếp hoặc qua mail để thể hiện sự quan tâm chứ không nên qua một trang giới thiệu việc làm trung gian. Sau một thời gian, nếu chưa thấy doanh nghiệp phản hồi thì mình nên chủ động liên lạc lại để biết thông tin”. Cũng theo Diễm My: “Ở phần phỏng vấn trực tiếp, sinh viên cần thể hiện sự tự tin, hồn nhiên một chút chứ không nên rập khuôn”.

Ông Lê Phát Minh cũng cho rằng: “Để thực tập tốt, trước hết sinh viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, đồng thời thể hiện tốt các kỹ năng cần thiết. Trong đó, cần phải chú ý ngay từ việc phát hiện đề tài khi thực tập tại doanh nghiệp. sinh viên cũng cần tìm hiểu trước về văn hóa, môi trường làm việc tại doanh nghiệp để chuẩn bị sẵn sàng trong nghệ thuật giao tiếp”.

Theo

Bình luận
vtcnews.vn