Mênh mang Hương Giang bẽ bàng câu hát Huế

Tổng hợpThứ Ba, 30/10/2012 08:11:00 +07:00

Dù ai đến Huế bao lần, khi thì vội vã lúc thong dong, thì Huế vẫn để lại trong mỗi lần đến trong mỗi chúng ta trong đó có tôi tình cảm hết sức đặc biệt.

Dù ai đến Huế bao lần, khi thì vội vã lúc thong dong, thì Huế vẫn để lại trong mỗi lần đến trong mỗi chúng ta trong đó có tôi tình cảm hết sức đặc biệt tựa như gặp một cố nhân.

Giọng Huế vốn đã thương rồi. Đêm nay em hát khiến tôi lòng khó cầm lòng. Sông Hương thì mênh mang thế mà lời ca em lại bẽ bàng con tim như những sợi nhớ sợi thương giăng bao hờ hững. Huế đẹp nên thơ dĩ nhiên rồi. Sông Hương như dải lụa mềm miên man cũng dĩ nhiên rồi, dẫn lối cho những con thuyền xuôi dòng đến với miệt vườn Vỹ Dạ có những vườn hoa thảm cỏ rưng rưng xanh. Hay ngược lên Thiên Mụ lửng lơ thi thoảng tiếng chuông chùa siêu thoát. Rồi đột ngột rẽ vào dòng Bạch Yến tới bến Huyền Không mà phiêu diêu với gió với mây với thế giới hoa thơm trái ngọt mà thiền nguyện giữa không gian cổ kính ngỡ mình đã thoát tục.

Nhưng Huế về đêm, chỉ về đêm sông Hương trở nên huyền hoặc vô cùng. Ánh đèn điện hai bờ thành phố hắt xuống dòng sông như mặt nước được dát một lớp mỏng bạc màu. Cầu Tràng Tiền như con rồng đa sắc uốn khúc vắt qua sông Hương thấp thoáng những chiếc thuyền rồng lững lờ trôi chớp chới giọng ca Huế vút lên réo rắt. Gió thì miên man thổi, dịu dàng như xoa như vuốt lên tâm thái tôi đêm nay.

 
Ngồi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương về đêm quyến rũ vô cùng. Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình còn gọi là nhã nhạc. Nhã nhạc uy nghi trang trọng có thần thái của ca nhạc thính phòng.

Ca Huế thể theo hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam với trên 60 tác phẩm thanh nhạc cùng khí nhạc. Thú nghe ca Huế tao nhã đầy sức quyên rũ. Ngồi trên con thuyền rồng được phục chế giống như con thuyền mà các vua chúa xưa hay ngự, trong khoang thuyền có dàn nhạc và các ca nương. Dàn nhạc là nhạc cụ dân tộc, có đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, đàn tam, xênh…

Các nhạc công, ca công đều rất trẻ. Cao ráo thanh mảnh ngây thơ thì ít dạn dĩ thì nhiều. Nam mặc áo dài the đen hoặc gấm màu, quần thụng trắng đầu đội khăn xếp đen. Nữ vận những chiếc áo dài cổ từ thời võ vương Nguyễn Phúc Khoát giữa thế kỷ XVIII nhưng được cách tân trễ cổ xẻ cao nơi sườn đầu mang mũ xếp rộng vành thời nữ chúa cung phi. Trước mũi thuyền là khoảng không gian rộng để hóng mát ngắm trăng. Và ở nơi ấy nhà thuyền còn tổ chức cho du khách xuống cầu thả hoa đăng thắp nến trong những bông hoa giấy gấp.

Xa vài chục năm trước tôi đã được vài ba lần nghe ca Huế trên sông Hương nhưng là ngồi trong khoang những chiếc thuyền có mui che có mái chèo và cây sào chống đẩy như chiếc thuyền chài. Khách nghe hát và các ca công nhạc công cùng ngồi xếp bằng giữa thuyền trải chiếu trên sàn lát gỗ chật chội tù túng nhưng ấm cúng gần gặn. Dưới ánh đèn măng-xông nhìn tỏ mặt nhau buồn vui nhận thấy cả. Tiếng hát rót nhẹ vào tai như gãi vào trái tim thổn thức. Kẻ hát người nghe trộn quyện làm một đồng điệu trong mỗi khúc ca.

Các nhạc công rung những ngón đàn chau chuốt ngón nhấn ngón mổ rồi day búng ngón phi, ngón rãi những khúc ca tiếng nhạc lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn lữ khách.

 
Điệu Bắc có âm sắc tươi vui, thanh thoát như khúc phú lục, cổ bản, lưu thủy. Khúc lộng gồm phẩm tiết, nguyên tiêu, liên hoàn, hồ quảng, tâng mai, tẩu mã, kim tiền, xuân phong, long hổ, bình bản. Điệu Nam thì réo rắt du dương như nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, trường tứ khúc, hành vân. Điệu Nam là sự sáng tạo tuyệt vời có biệt năng khơi gợi nội tâm, âm hưởng của giai điệu đem lại cho người nghe cái cảm giác bâng khuâng tiếc thương, buồn cảm, nó như sợi tơ mong manh chạm tới đáy lòng, khêu gợi lên nhiều nỗi tương tư…

Xứ Huế nổi tiếng với những công trình lăng tẩm, đền đài cung điện, là kinh đô xưa của Triều đại Nguyễn kéo dài gần hai thế kỷ. Trải qua thời gian Huế vẫn phần nào giữ được những nét cổ kính và trầm mặc. Và chính nét vẻ trầm mặc ấy đã cho Huế một dấu ấn riêng, trong đó có nghe ca Huế trong khoang thuyền trên sông Hương.

Dù ai đến Huế bao lần, khi thì vội vã lúc thong dong, thì Huế vẫn để lại trong mỗi lần đến trong mỗi chúng ta trong đó có tôi tình cảm hết sức đặc biệt tựa như gặp một cố nhân. Không sao quên được, cái nắng dè dặt dịu êm, cái vành nón Huế che nghiêng, tà áo dài nữ sinh Quốc học Huế, đến cả cơn mưa Huế cũng nồng nàn mưa Huế. Mưa như thủ thỉ mưa như tâm tình những ngày bên nhau với ai đó trên một con thuyền trên sông Hương.

Tôi đã đọc một số sách của Nhà nghiên cứu Văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân. Ở đó ông cho tôi nhiều tư liệu quý về Văn hóa Huế. Huế yêu thương, với tôi, còn bởi có một niềm tự hào riêng về một cụ tổ dòng họ Khiếu bé nhỏ của tôi: Khiếu Năng Tĩnh, cụ làm quan dưới triều đình Nguyễn cố đô Huế một thời đôi ba thập kỷ. Cụ đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Khoa thi năm Canh Thìn (1880).

 
Đảm nhận nhiều trọng trách: Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, Tư nghiệp, rồi Tế tửu Quốc Tử Giám. Từ điển “Những nhân vật lịch sử Việt Nam” ghi “Khiếu Năng Tĩnh là một nhà văn nổi tiếng, một học giả uyên thâm, một nhà giáo dục lỗi lạc thời cận đại, chính cụ đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước”.

Mà theo đánh giá của Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm tại cuộc Hội thảo “Danh nhân Tế tửu Quốc Tử Giám Khiếu Năng Tĩnh – Cuộc đời và sự nghiệp” tại Bái đường Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội tháng 9 -2009, thì Cụ biết đánh giá con người có tài năng, biết tạo cơ hội cho người tài năng có học vấn thành đạt, biết đánh giá con người đúng chân giá trị ngay khi họ còn trong cơn hoạn nạn, ví như trường hợp của Phan Bội Châu bị án oan: “Chung thân bất đắc ứng thi” để Phan Bội Châu được ứng thi và đỗ đầu đoạt danh hiệu Giải Nguyên. Và như ta biết Phan Bội Châu đã trở thành một yếu nhân của phong trào Đông Du, một chí sĩ yêu nước được nhân dân vô cùng kính phục. Tác phẩm của Khiếu Năng Tĩnh có Quốc đô cổ kim chí, Hà Nội tỉnh chí, Hoài Lai thi tập, Cổ thụ cách Vịnh, Cố hương thi tập… Bia Tiến sĩ của cụ Khiếu còn lưu giữ nơi Văn miếu Quốc Tử Giám Huế.

Huế xưa có nhiều thú chơi lãng mạn và tao nhã trên sông Hương như thả thuyền, chơi trăng, ca Huế, ngủ đò, thả thơ. Tinh hoa của những thú chơi ấy nay vẫn còn và còn được nâng lên tầm cao văn hóa trở thành văn hóa du lịch mà chỉ có ở Huế.

 

Ngủ đò nhưng chẳng có ai xuống đò để mà ngủ. Người ta xuống đò là để nghe ca Huế thỏa mãn cái thú tiêu dao trên sông nước cùng với gió với trăng và nghe câu chuyện nhân tình thế thái qua mỗi làn điệu ca Huế. Cũng lắm khi thái quá, ngủ đò dường như trở thành mua hoa bán nguyệt nhưng đó là chuyện của ngày xửa ngày xưa mà nay chỉ được nghe kể lại cho vui.

Thả thơ là canh bạc văn chương vừa có tính sát phạt vừa đậm nét trí tuệ tài năng mưu lược nên được không ít văn nhân sĩ tử đam mê và muốn thi thố mà lại là thi thố trước những người đẹp. Để có một cuộc thả thơ người ta phải kết những con thuyền lại với nhau thành những chiếc bằng để tổ chức thả thơ. Nhà cái sẽ trải một chiếc chiếu giữa thuyền cùng dăm ba ngọn đèn dầu phụng rọi vào và cuộc thả thơ bắt đầu.

Cái thú tham gia thả thơ của kẻ sĩ là vừa được vận dụng hết những kiến thức của thánh hiền đã được học, vừa được thi thố với người đời trong khung cảnh bồng bềnh trên sông nước, và lại được nghe bóng hồng ca Huế réo rắt du dương bên tai, hoặc như nỉ non cùng với nhã nhạc.

Những thú chơi tao nhã ấy phải có thời gian. Tôi không rõ bây giờ còn hay mất. Hoặc phải đi “thuyền lẻ” với riêng “chuyên đề” ấy. Chưa ai mách. Mà tôi cũng không hỏi. Thời của sống nhanh không còn chỗ cho sống chậm mà ngủ đò, chơi trăng, thả thơ. Khách du lịch đến với Huế quý hồ được nghe ca Huế trên sông Hương là thỏa chí rồi. Mỗi chiếc thuyền rồng đón chở 45 – 50 du khách. Một tối quay vòng hai chuyến. Các nhóm ca công, nhạc công cũng theo hợp đồng nhà thuyền đi theo hai chuyến mỗi tour trọn một giờ. Cũng chạy xô. Không còn những gì như sách miêu tả ngày xưa, rằng “Trời đã khuya lắm rồi. Văng vẳng phía xa tiếng gà gáy sáng cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm năm canh. Trong khoang thuyền nhạc vẫn réo rắt lời ca vẫn nồng nàn giọng con gái Huế dễ thương…”

 
Nơi chính giữa khoang thuyền rồng tôi chơi đêm nay nhà thuyền đặt một chiếc bàn trải tấm khăn đỏ trên đó đặt những chai rượu Tây, những lon bia Heineken và nước ngọt Bò Húc, cùng những đóa hồng nhung bọc ngoài là bao ni-lông trong suốt để khách dùng tặng ca công, nhạc công. Giá dịch vụ du lịch không rẻ. Ca công nhạc công được mời tặng họ đón nhận rất vui vẻ và để lại nơi bàn phía sau. Chủ đò đi lượm chắc là để quay vòng cho tour sau. Vất vả nhất là anh nhiếp ảnh lăng xăng chọn góc chụp cho khách mỗi khi họ lên tặng hoa mời đồ uống phần lớn cho ca công và chụp ảnh lưu niệm với họ. Rồi tức thì láp mi-ni in ảnh ngay trao lại khách lấy tiền tươi.

Trước khi con thuyền rồng trở về bến cũ ca công nhạc công trút bỏ đồ ngoài khá nhanh ngay nơi khoang mũi tôi đang ngồi chìm trong bóng đêm Hương Giang. Để cảm nhận giữa hư và thực. Một ca công có điện thoại gọi. Cô nói nhỏ với một chút nặng lời nhưng đủ lọt vào tai tôi: “Chị đã dặn nẻ lưỡi mần răng không nhớ. Cứ pha chút sữa vào cái bình Mummy Bear cho nó bú tạm!”

Người ta gọi ca công nhạc công chứ không kêu nghệ sĩ. Có lẽ họ làm nghề như kẻ mưu sinh. Ai cũng là người khác. Ai cũng không phải là mình. Sông Hương, đâu là làn ranh giữa đêm và ngày. Lúc nào ngày mới bắt đầu. Khi nào thì đêm kết thúc. Chỉ có thể tìm thấy nó trong lòng người. Khi nào ngập tràn ánh sáng bao dung thanh thản trong lòng thì đó là ngày và ngược lại. Phần lớn cuộc đời tôi ở trong ánh sáng ban ngày mặc dù đêm nay tôi ngồi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương.

Khiếu Quang Bảo

     

Bình luận
vtcnews.vn