Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam dạy con với ‘thức ăn’ cho tâm hồn

Giáo dụcThứ Ba, 31/03/2015 04:28:00 +07:00

Bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe của Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp còn chú ý với việc bồi dưỡng tâm hồn cho con khi còn rất nhỏ.

(VTC News) – Không chỉ chăm lo cho sức khỏe của Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp còn chú ý với việc bồi dưỡng tâm hồn cho con khi còn rất nhỏ.

Để giúp các bậc phụ huynh về phương pháp dạy con,  chị Phan Hồ Điệp – mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm bồi đắp cho tâm hồn con.

Chuyên mục “Dạy con” của Báo điện tử VTC News xin giới thiệu những kinh nghiệm dạy con đầy bổ ích của chị Phan Hồ Điệp.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Không chỉ chăm lo cho sức khỏe của Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp còn chú ý với việc bồi dưỡng tâm hồn cho con khi còn rất nhỏ 
“Trong quá trình nuôi dạy Nam, như bất kì một “bà mẹ bỉm sữa” nào khác, mình cũng quay cuồng với việc nghĩ xem cho con ăn gì, ăn thế nào, ăn bao nhiêu là đủ.

Nhưng bên cạnh đó mình cũng nhận thấy, để con phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, còn cần thêm “thức ăn cho tâm hồn”. Đó chính là thế giới của những câu chuyện kể, của thơ và nhạc.

Trong dạy học có một phương pháp mà mình rất thích là: Dạy học thông qua các câu chuyện xã hội. Có nghĩa là thông qua những câu chuyện kể nhằm gửi gắm một thông điệp giáo dục nào đó. Bất cứ hành vi nào của trẻ cần điểu chỉnh có thể dùng truyện kể làm phương tiện.

Mình luôn có thú vui là vào hiệu sách, tìm mua những cuốn sách nho nhỏ cho cả mẹ và con. Nhưng nhiều khi, mình cũng thích những câu chuyện bông phèng do mình tự bịa ra. Không hiểu sao, Nam cũng thích những câu chuyện của mẹ hơn hẳn những câu chuyện trong sách. Nên mình thường nghĩ ra những câu chuyện như một bài đồng dao xinh xắn.

Theo mình nghĩ, để lôi kéo sự chú ý của con, quan trọng nhất là sự kết hợp giữa lời kể với trực quan, với những câu hỏi mang tính giáo dục mà chỉ mỗi bà mẹ mới biết là con mình cần gì.

Hôm nay, mình sẽ ghi lại một vài câu chuyện trong nhật kí của mình. Các mẹ xem có hữu dụng với bé nhà mình không. Mình hy vọng đây cũng sẽ là gợi ý để các mẹ nghĩ ra nhiều nhiều câu chuyện khác.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Chị Phan Hồ Điệp luôn dạy con cách vui chơi an toàn 
1. Câu chuyện về việc chơi thế nào cho an toàn

Có năm con khỉ
Nghịch đến là kinh
Nhảy nhót linh tinh
Một con ngã uỵch
Ôi thôi ôi thôi
Đập đầu vào tường
Nó nằm trên giường
Rên la nhức nhối
Bác sỹ vội tới
Khám xét kĩ càng
Và dặn ngay rằng
Đừng đùa nghịch thế

Có bốn con khỉ
Nhảy nhót linh tinh
….
Có ba con khỉ
Nhảy nhót linh tinh

Có hai con khỉ
Nhảy nhót linh tinh

Còn một con khỉ
Nhảy nhót linh tinh

Ôi năm con khỉ
Đều nằm rên la
Đau đau đau quá!

Để dạy bài này, mình in hình năm con khỉ. Cho Nam tô mỗi con khỉ một màu khác nhau. Sau đó, vừa đọc vừa làm hình ảnh trực quan.

Ví dụ con khỉ màu đỏ đầu tiên bị ngã, phải nằm trên giường. Rồi tiếp tục đến các con tiếp theo. Nếu con đã học thuộc thơ, nên khuyến khích con vừa làm động tác với các con khỉ và đọc lại. Hai mẹ con sẽ vui lắm đấy.

Vừa chơi, mẹ có thể hỏi con những câu hỏi như:
- Tại sao những con khỉ lại bị đau?
- Em thử làm bác sỹ để khám và dặn dò những con khỉ đi nào.
- Cả năm con khỉ đều nằm rên la. Chúng kêu thế nào vậy?
- Em mà va đầu vào tường thì cũng đau lắm phải không? Nên em cẩn thận nhé. Chọn những chỗ như đệm, thảm để nhảy và tránh bị ngã nhé. Kẻo không mẹ cũng phải mời bác sỹ đến đó.

Bài này còn dạy đếm ngược nữa nên sau khi học xong, các mẹ có thể đố con đếm ngược từ 10 đến 1 chẳng hạn.
Chị Phan Hồ Điệp thường xuyên lồng ghép các câu chuyện về thiên nhiên khi dạy Nhật Nam
Clip Đỗ Nhật Nam thuyết trình tại Mỹ gây kinh ngạc

Nguồn: TEDxSMU


2. Câu chuyện về thiên nhiên


Một bạn nhỏ được dẫn đến trang trại.
Bạn nhìn thấy gì?
Bạn nhìn thấy bò, dê, heo
Bạn còn nhìn thấy những chị gà mái lông vàng rực.
Bạn nhìn thấy những chú chim sâu xinh xinh.
Một bạn nhỏ được dẫn đến trang trại
Bạn nghe thấy gì?
Bạn nghe thấy tiếng bò kêu: ò ò ò ò
Bạn nghe thấy tiếng lợn kêu: ụt ịt, ụt ịt
Bạn nghe thấy tiếng gà trống gáy: ò ó o
Bạn nghe thấy tiếng chim hót: líu líu líu lo
Một bạn nhỏ được dẫn đến trang trại
Bạn được ăn gì?
Bạn được ăn quả táo tươi ngon
Bạn được ăn quả cà chua chín mọng
Bạn được ăn quả quýt thơm lừng
Một bạn nhỏ được dẫn đến trang trại
Bạn được làm gì?
Bạn được ngồi trên đống rơm
Bạn được tưới cây
Bạn được ngắm mặt trời mọc
Ôi bạn thích trang trại này quá!

Câu chuyện này mình nhớ là Nam rất thích. Vì mình bày các đồ vật trên nền nhà giả làm một trang trại. Cứ mỗi đồ vật có trong câu chuyện đều có hình ảnh đi kèm.

Mình khuyến khích Nam suy nghĩ để phát triển: nhìn nhiều hơn (ví dụ nhìn thấy kiến, bướm..) nghe nhiều hơn (ví dụ nghe thấy tiếng kêu gà mái, mèo…), ăn nhiều hơn (ví dụ ăn bưởi, cam…) , làm nhiều hơn ( ví dụ chạy nhảy, hái rau, băt sâu…) tức là mở rộng hơn so với những gì mà câu chuyện đã nêu ra.

Tuy câu chuyện đơn giản nhưng có thể giúp con phát triển vốn từ về các con vật, về âm thanh, về tính từ miêu tả, về động từ chỉ hoạt động.

Và quan trọng, nó làm cho con thấy gắn bó với thiên nhiên quanh mình. Thấy mọi vật quanh mình đều thân thiện, hiền hòa, tất cả như chờ sẵn để yêu thương bé thôi.

Nếu con thích vẽ, các mẹ có thể khuyến khích con chuyển mỗi khổ của câu chuyện trên thành một bức vẽ, cũng rất thú vị đấy.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Đỗ Nhật Nam được dạy cách yêu thương gia đình 
3. Câu chuyện dạy con về tình yêu

Mình nhớ câu chuyện này mình dạy cho Nam khi con 3 tuổi. Con thích lắm, cứ nhắc đi nhắc lại. Sau này, khi đi dạy các em nhỏ, Nam cũng thường hướng dẫn lại câu chuyện này.
Bạn nghĩ xem
Một căn nhà thì làm bằng gì
Có thể căn nhà làm bằng gỗ
Có thể căn nhà làm bằng gạch
Có thể căn nhà làm bằng lá
Nhưng tớ biết
Căn nhà còn làm bằng tình yêu
Bố về đến nhà mỉm cười
Mẹ về đến nhà ca hát
Còn tớ về đến nhà thì ôm bố và mẹ
Và như vậy
Căn nhà làm bằng… tớ!
Bài này có thể kết hợp với động tác nên vui lắm. Ví dụ ở khổ đầu căn nhà làm bằng gì thì chỉ lên trần nhà, mặt ra vẻ ngẫm nghĩ. Khổ thứ hai thì chụm hai tay làm hình trái tim. Và đến khổ thứ ba thì chỉ vào chính mình.

Bài này cũng có thể dùng để cả nhà đọc cho nhau nghe, đọc trước khi đi ngủ, rất chi là có tính giáo dục.
Chị Phan Hồ Điệp và Đỗ Nhật Nam trong một chuyến dã ngoại
Chị Phan Hồ Điệp và Đỗ Nhật Nam trong một chuyến dã ngoại
4. Câu chuyện dạy con về phương tiện

Vì Nam thích mê các loại phương tiện nên là xuất xứ để ra đời sáng tác sau đây:
Trái cây tươi đến đây bằng cách nào
Bằng cách gửi lên con tàu và chuyển đến cho bạn
Bàn ghế đến đây bằng cách nào
Bằng cách để lên xe tải và chuyển đến cho bạn
Đồ chơi đến đây bằng cách nào
Bằng cách lên tàu hỏa và chuyển đến cho bạn
Bạn đến trường mỗi ngày bằng cách nào
Bằng xe bus, bằng tô tô, bằng xe đạp, bằng đôi chân của mình.
Bà ngoại ở thật xa, bạn đến thăm bà bằng cách nào
Bằng máy bay và bạn bay đến với bà
Tất cả mọi vật sẽ không thể di chuyển nếu không có các phương tiện.

Câu chuyện này vừa nói vừa thực hiện bằng hành động nên con sẽ rất chăm chú. Nên khuyến khích để con nói về sự khác nhau giữa các phương tiện. Có thể giúp con tăng cường khả năng ghi nhớ bằng cách hỏi xem: trái cây tươi được chuyển bằng gì? Con đến trường bằng gì?....

Bạn hoàn toàn có thể thay đổi các hình ảnh trong câu chuyện trên, ví dụ thay trái cây tươi bằng sữa, nước ngọt, bánh… thay việc đến thăm bà ngoại bằng bác, chú, anh họ… Đó cũng là cách để phát triển vốn từ cho bé đó.

Trên đây là những câu chuyện chủ yếu dùng hình ảnh. Nhưng mình nhận thấy, Nam cũng rất thích những câu chuyện có cốt truyện, tình huống.

Ví dụ:Ở một khu rừng nọ, vào một ngày đẹp trời, một chú chuột mon men trèo lên lưng con hổ đang nằm ngủ. Ối chà, thích thật. Lưng Hổ to và trơn nhẵn. Trên lưng Hổ, gió thổi mát rượi. Chuột đang khoan khoái “tham quan” thì Hổ thức dậy.

Hổ ta vươn vai. Nó ngạc nhiên khi thấy trên lưng mình một con chuột bé tí. Hổ tức giận gầm lên:
Chuột nhãi nhép kia! Mi cả gan dám trèo lên lưng ta! Ta sẽ ăn thịt mi!
Con chuột sợ quá, nó van xin:
Ôi, xin ngài bớt giận. Hãy tha cho tôi rồi có lúc tôi lại giúp ngài.
Hổ cười khẩy:
Giúp ư, nhãi nhép như ngươi mà cũng đòi giúp ta. Nhưng thôi, vì ngươi biết sợ, lại gọi ta bằng “ngài” nghe rất oách nên ta tha cho.
Chuột vui mừng nhảy xuống, chạy biến mất.
Một thời gian sau, vào một buổi sáng, hổ đi ra ngoài bìa rừng và nó dính bẫy. Nó bị trói vào gốc cây. Nó buồn bã vùng vẫy nhưng không cách nào thoát ra được.
Lúc đó, chuột xuất hiện. Chuột dùng những cái răng nanh nhọn sắc của mình cắn đứt dây. Hổ vùng ra thoát nạn. Cả hai con vật rủ nhau chạy vào rừng sâu.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày càng trưởng thành
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày càng trưởng thành 
Chuyện này thì mình mô phỏng theo một truyện ngụ ngôn ( Kiến và chiếc lá) nhưng khi mình “chuyển thể” dưới hai con vật mà Nam thích là Hổ và Chuột thì câu chuyện trở nên gần gũi hơn. Khi nghe xong truyện, mình có thể cho Nam suy nghĩ:
- Tại sao con chuột lại thoát nạn không bị hổ ăn thịt?
- Tại sao Hổ lại thoát nạn?
- Tại sao Chuột nhỏ bé thế mà cuối cùng vẫn giúp được Hổ? ( Vì nó biết tận dụng thế mạnh của bản thân mình. Chuột mà dùng sức thì không bao giờ có thể giúp được nhưng nó đã dùng hàm răng nhọn sắc vốn chuyên để cắn, đào, khoét vì thế đã thành công. Bất kì ai cũng có sức mạnh riêng của mình. Ví dụ như Nam nhỏ thế nhưng Nam chỉ cần ôm mẹ thỏ thẻ, thơm vào má mẹ là mẹ sẽ “chịu thua” ngay. Nam “nhỏ mà có võ” là vì thế. )
- Con Hổ trong truyện có đáng sợ như em vẫn hình dung về loài hổ không? Tại sao?
- Con Chuột trong truyện có đáng yêu không? Tại sao? ( Con Chuột như một em bé vậy. Nó tò mò muốn khám phá: thấy cái lưng con Hổ rộng rãi là muốn trèo lên chơi. Nhưng em nhớ nhé, khi đi chơi phải tìm chỗ an toàn, không phải chỗ nào mình muốn là cũng vào chơi được đâu em nhé.)
Tuổi thơ thời nào cũng vậy, các con luôn mong muốn: Được chạy nhảy, được hát hò, được chăm bẵm, được lỗi lầm, được ngây thơ, được ngốc nghếch và được yêu.
Và một trong những điều thể hiện “được yêu” là các con được sống cùng với trí tưởng tượng bất tận, với những câu chuyện lành và hiền, với những nhân vật “trong mơ” của mình.

Phan Hồ Điệp
Bình luận
vtcnews.vn