Mẹ nông dân, 3 sào ruộng và 5 người con vào đại học

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 01/09/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Bà méo mặt bao năm nay vì nuôi con, nhưng bà ngẩng mặt với đời, vì nông dân nghèo như bà, nuôi 5 người con đỗ đại học thì là kỳ tích ghê gớm lắm.

(VTC News) - Bà méo mặt bao năm nay vì cơm áo, gạo tiền, vì nuôi con, nhưng đi đâu bà cũng ngẩng mặt với đời, vì nông dân nghèo như bà, lại có tới 5 người con đỗ đại học thì là kỳ tích ghê gớm lắm.


Hôm ấy, ở hội trường của UBND huyện Thanh Miện (Hải Dương), có một người đàn bà thấp đậm, mái tóc lấm tấm sợ bạc, đứng trên bục phát biểu: “Tôi xin giới thiệu, tôi là Đào Thị Ngoa, năm nay 55 tuổi, quê ở xã Tiền Phong, nghề nghiệp nông dân. Chồng mất sớm, nên tôi một mình nuôi con. Tôi đẻ được 5 đứa, thì đứa nào cũng chịu khó học, rồi đỗ đại học. Một mình tôi nuôi con thì khổ lắm, khổ thế nào, chẳng nói chắc các bác cũng biết rồi còn gì…”.

Sau buổi phát biểu trước toàn thể chị em phụ nữ nhân hội nghị “Nuôi con giỏi, dạy con ngoan”, tôi tìm gặp người đàn bà ở ven sông Luộc. Nhà bà ở ngoài đê, bên kia là đất Thái Bình. Ngôi nhà cũ kỹ, nằm trong con ngõ nhỏ, dường như bao năm không được tu sửa gì. Bà Ngoa chân chất, thật thà như một người nông dân chính cống: “Gớm. Người ta về chở cô đi dự hội nghị suốt ấy mà, hết xã, đến huyện, rồi lại tỉnh. Các chị bên hội phụ nữ cứ viết sẵn bài phát biểu cho cô, cô chỉ việc đứng trên bục đọc theo, chứ cô nông dân cục đất thế này, biết gì mà nói hay ho cơ chứ. Mỗi lần đi dự hội nghị nuôi con giỏi, dạy con ngoan, rồi phụ nữ vượt khó, cô lại được quà, khi thì ấm chén, khi thì cái phích…”.

Bà Nguyễn Thị Ngoa như ngồi trên đống lửa vì khoản nợ khổng lồ.  

Nói rồi, bà Ngoa lôi dưới gầm chiếc bàn cũ kỹ ra chiếc phích mới coóng. Bà bảo: “Trong nhà có cái phích này là mới thôi, còn cái gì cũng cũ kỹ, cũng sắp hỏng rồi. À, có cái tivi nữa cũng mới coóng. Hôm nọ, thằng cu thứ hai, nó phóng xe máy về lúc đêm, thấy mẹ không bật điện, lọ mọ trong bóng tối, nó tức mình, hôm sau lên ngay huyện mua cho cô cái tivi này đấy. Tivi Tàu, 21 in, những triệu rưỡi bạc cơ đấy. Cha bố cái thằng, tốn kém quá đi mất!”.

“Cô mắng nó sao tốn kém thế, nhưng đêm nằm, cô thao thức không ngủ được, vì sướng quá. Đời cô, có mơ cũng chả bao giờ dám mua cái tivi to đẹp như thế. Lắm lúc ngồi ngắm cái tivi, sướng rơi nước mắt. Nhưng bật xem mấy hôm, mà tháng vừa rồi, tốn những 14 ngàn tiền điện. Tốn kém quá, cô chẳng xem nữa. Ăn tối xong, sang hàng xóm chơi, vừa được xem tivi, lại không tốn điện. Xem chán thì về ngủ” – bà Ngoa kể chuyện cứ hồn nhiên, chân chất như vậy.

Quả thực, tôi nhìn ngang, ngó dọc mãi trong ngôi nhà hai tầng, mà chỉ thấy có 2 thứ mới, ấy là cái phích do Hội Phụ nữ huyện Thanh Miện tặng, và cái tivi do cậu con thứ 2 tặng mẹ. Tường vôi tróc lở, bàn ghế, giường tủ, cái gì cũng ọp ẹp. Mọi thứ sắm sửa, xây xướng căn nhà này, đều do tay vợ chồng bà làm nên từ mười mấy năm trước. Từ ngày ông Vũ Quang Khải chồng bà mất vì bạo bệnh, con lại rồng rắn vào đại học, bà chẳng sắm sửa được bất cứ một thứ gì. Bà Ngoa đi chân đất, cho đỡ tốn dép. Bà quá nghèo, quá khổ. Bà méo mặt bao năm nay vì cơm áo, gạo tiền, vì nuôi con, nhưng đi đâu bà cũng ngẩng mặt với đời, vì nông dân nghèo như bà, lại có tới 5 người con đỗ đại học thì là kỳ tích ghê gớm lắm. Những người con của bà, cứ học trường làng, chẳng một ngày đi ôn, đi luyện, thế mà cứ lần lượt vào đại học, mà toàn những trường danh giá, nào là Bách Khoa, nào là Học viện Ngân hàng.

Bao năm nay bà Ngoa không sắm sửa gì cho mình. Tất cả tâm trí, sức khỏe, tài sản bà dành cả cho con. 

Tôi hỏi: “Người khá giả nuôi con học đại học còn vất vả. Một mình cô nuôi mấy anh chị thế nào?”. Bà Ngoa cười phớ lớ hồn nhiên: “Cô cũng chẳng biết làm sao mà cô nuôi nổi chúng nó. Đấy, cháu xem, nhà chỉ có 3 sào ruộng ngoài bãi, được mùa thì đủ ăn, nước lụt thì xách rá sang hàng xóm. Đứa nào đỗ đại học, cô cũng khóc tu tu, bảo tao giết người lấy tiền cho mày ăn học chắc. Nhưng chúng nó cứ bảo, mẹ yên tâm đi, chúng con tự lo cho chúng con được. Lo cái mả bố chúng nó, tự lo được mà cô phải nợ trăm triệu à? Cô cứ mất ăn mất ngủ, cứ như lửa đốt với cái đống nợ ấy”.

Theo bà Ngoa, hiện tại, số tiền nợ anh em, hàng xóm đã là 50 triệu đồng, số tiền nợ ngân hàng tổng cộng 35 triệu đồng nữa. Năm học mới này, tức là đầu tháng 9, tiếp tục vay ngân hàng cho một cậu và một cô út nữa, tổng cộng là 16 triệu, như vậy, số tiền vay ngân hàng sẽ tăng đột biến lên 51 triệu đồng. Cứ nghĩ đến cảnh tháng 9 này nợ những 101 triệu đồng, bà Ngoa, người đàn bà quanh năm chân lấm tay bùn, với 3 sào ruộng ngoài bãi lầy thụt lại như nằm trên đống lửa. “Cô có tái sinh thêm kiếp nữa cũng chẳng móc đâu ra từng ấy tiền mà trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, rồi chúng nó còn học nữa, còn vay nữa, chẳng mấy mà thành 2 trăm triệu! Chết mất thôi, khéo phải đi chết để trốn nợ!” – bà Ngoa vừa nói vừa thẫn thờ nhìn ra khoảnh sân nhỏ.

Bà Ngoa chỉ vào mấy bao thóc xếp chồng ở góc nhà. Ấy là tài sản duy nhất và lớn nhất bà có. “Đứa nào về, mà cần tiền, thì cô gọi con buôn vào chở đi. Mỗi bao được mấy trăm ngàn. Thôi thì được đồng nào hay đồng ấy. Bán hết thóc thì cô xách rá sang hàng xóm vay tạm. Cô ăn thì đáng bao nhiêu đâu. Đến mùa thu hoạch, lại trả nợ, hàng xóm ai cũng hiểu hoàn cảnh của cô, nên thương lắm”.

Một mình người mẹ nông dân chân đất này nuôi tổng cộng 5 người con vào đại học, gồm Vũ Quang Lê, sinh năm 1979, rồi đến Vũ Quang Uẩn, Vũ Quang Huy, Vũ Quang Tín. Cô út là Vũ Thị Ngoãn, sinh năm 1989. Mấy anh em học Đại học Bách Khoa. Riêng cô út học Đại học Ngân hàng. Tấm lòng người mẹ này thật vĩ đại, thật đáng khâm phục.








Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương

 Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email
[email protected] 


Bình luận
vtcnews.vn