Mẹ nghèo kể chuyện 'chàng trai Vàng' Olympic Toán học

Giáo dụcThứ Năm, 17/07/2014 08:56:00 +07:00

(VTC News) – Chị Nguyễn Thị Thảnh, mẹ của “chàng trai Vàng’ Nguyễn Thế Hoàn xúc động nghẹn ngào khi kể về những kỷ niệm gắn với cậu con trai tài năng.

(VTC News) – Chị Nguyễn Thị Thảnh, mẹ của “chàng trai Vàng’ Nguyễn Thế Hoàn xúc động nghẹn ngào khi kể về những kỷ niệm gắn với cậu con trai tài năng, ngoan ngoãn.

3 tuổi đã biết đọc chữ

Những ngày này, căn nhà nhỏ ở xã Hòa Bình (huyện Hưng Hà, Thái Bình) nơi gia đình Hoàn sinh sống luôn tràn ngập tiếng cười nói, chúc mừng của người thân, bà con hàng xóm đến chung vui. Chị Nguyễn Thị Thảnh (mẹ của Hoàn) nhiều lúc phải xin ngắt quãng câu chuyện với phóng viên vì đoàn khách đến mỗi lúc một đông.

Nguyễn Thế Hoàn
Nguyễn Thế Hoàn - chàng trai nhỏ tuổi nhất đoàn giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2014 (Ảnh: Quỳnh Trang) 
“ Thú thực là gia đình tôi rất hạnh phúc nhưng cũng có phần bất ngờ. Tôi không dám nghĩ cháu đạt được Huy chương Vàng mà nghĩ có đạt được Huy chương Đồng, Huy chương Bạc là tốt lắm rồi”, chị Thảnh hồ hởi chia sẻ.


Trong đoàn học sinh Olympic Toán học Quốc tế 2014, Hoàn là học sinh trẻ tuổi nhất đoàn. Chàng trai này cũng chưa hề có kinh nghiệm tham dự các cuộc thi lớn tầm cỡ quốc tế. Vì vậy, chị Thảnh cũng không dám kỳ vọng quá nhiều khiến Hoàn bị áp lực.

“ Con cố gắng giữ gìn sức khỏe để thi thật tốt. Con hãy tự tin để thi và không cần phải đặt ra mục tiêu quá cao. Khả năng con đến đâu thì làm đến đấy. Bố mẹ ở nhà luôn tin tưởng vào con”, chị Thảnh đưa cậu con trai ra một góc, ôm chặt lấy Hoàn rồi thủ thỉ tâm sự.

Mấy ngày sau, khi biết tin con trai Nguyễn Thế Hoàn giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt. Gác lại công việc đang dở dang, anh Nguyễn Văn Hòa (bố của Hoàn), chị Thảnh vội ra quán internet gần đó để đọc thông tin trên báo chí.

Tuy nhiên, tin tức lúc đó mới chỉ thông báo có 3 học sinh được Huy chương Vàng nhưng không nói rõ tên từng thí sinh khiến cho anh chị càng thêm hồi hộp. Chỉ tới khi người cháu đọc thông tin cụ thể Hoàn giành Huy chương Vàng đã khiến hai vợ chồng mừng vui không nói lên lời.

Chị Thảnh mừng vui chia sẻ : “Không chỉ đến khi cháu giành được Huy chương Vàng mọi người mới biết. Ngày học cấp 1, cấp 2 tại quê, mọi người trong họ hàng, làng xóm đều rất quý mến Hoàn. Cháu chăm học, ngoan ngoãn và có hiếu với bố mẹ”.
Nguyễn Thế Hoàn bên bố mẹ, em trai và ông ngoại. Ảnh: Quỳnh Trang. 
Kể về Hoàn, chị Thạch nói không biết mệt. Trong dòng cảm xúc ùa về, chị Thảnh nhớ lại những kỷ niệm đầy  xúc động.

Người mẹ nghèo nhớ lại khi Hoàn lên 3 tuổi, chị mang bầu em Tuấn (em trai của Hoàn) nên sức khỏe không tốt. Không chăm sóc được cho Hoàn nên chị Thảnh luôn cảm thấy áy náy. Tuy vậy, cậu bé Hoàn rất ngoan ngoãn, tự chơi một mình ngoài hiên trước nhà. Cậu bé thường lấy viên gạch nhỏ viết khắp sân.

 

12.000 đồng thì mẹ có thể mua thức ăn cho hai anh em con ăn cả ngày còn nếu mình con ăn hết một bữa 12.000 đồng thì lãng phí

Chị Nguyễn Thị Thạch kể lại
 
Một lần, cậu bé Hoàn hỏi bố về chữ được thêu trên chiếc mũ vải. Anh Hòa trìu mến bảo rằng đó chính là tên của Hoàn. Anh Hòa cũng đánh vần lại rành rọt từng chữ cái để Hoàn đọc theo.


Sau một thời gian, Hoàn tự mày mò viết chữ trên khắp sân trước nhà. Khi một người chị sang chơi cầm tờ báo trên tay, Hoàn nhất quyết đòi cho bằng được. Chịu thua cậu em 3 tuổi, chị của Hoàn đành phải đưa tờ báo để cậu bé chơi.

Cậu bé Hoàn ngồi giữa nhà đọc vanh vách từng chữ trên tờ báo trong sự ngỡ ngàng của các thành viên thành viên trong gia đình. Sau đó mọi người đưa ra nhiều sách báo khác nhưng Hoàn cũng vượt qua thử thách một cách dễ dàng.

Mọi người trong gia đình, hàng xóm biết chuyện sang thăm đều phải thán phục cậu bé 3 tuổi không được dạy dỗ nhưng vẫn đọc sách báo vanh vách.
Olympic Toán học Việt Nam
Đoàn học sinh Olympic Toán học Việt Nam nhận giải 
Dòng hồi ức của chị Thảnh cứ mỗi lúc một dày thêm khi những kỷ niệm về Hoàn chợt ùa về. Chị Thảnh nhớ lại kỷ niệm sâu sắc khi cậu con trai còn học ở trường chuyên của huyện Hưng Hà, cách nhà khoảng 6 km.

Ngày đó, vì nhà xa nên các bạn trong lớp thường ở lại trường và ăn suất cơm 12.000 đồng cho bữa trưa. Tuy nhiên, riêng mình Hoàn, dù trưa nắng hay mưa lớn, chàng trai này vẫn miệt mài đạp xe về nhà để ăn cơm cùng gia đình.

Chị Thảnh kể lại : “ Tôi có hỏi lý do cháu không ở lại thì cháu trả lời hồn nhiên rằng: 12.000 đồng thì mẹ có thể mua thức ăn cho hai anh em con ăn cả ngày còn nếu mình con ăn hết một bữa 12.000 đồng thì lãng phí”.

Nghe được lý do của cậu con trai, chị Thảnh rơm rớm nước mắt vì xúc động và cũng vì thương con. Dù chị Thảnh có thuyết phục nhiều lần nhưng Hoàn vẫn nhất định đạp xe về nhà ăn cơm cùng gia đình.

Quãng đường cũng khá xa, vì vậy đã nhiều lần xe của Hoàn bị thủng xăm dọc đường cậu phải dắt bộ về nhà.

“Có lần thấy cháu toát hết mồ hôi, dắt chiếc xe xịt hết hơi về nhà nên tôi có hỏi thì cháu bảo dắt từ trường về nhà. Tôi bảo cháu sao không tìm hàng sửa xe để sửa thì cháu tâm sự thật rằng không có một đồng nào trong túi, lại sợ không quen biết người ta không sửa chịu. Nghe cháu nói mà cả hai vợ chồng ngồi trong nhà cũng nghẹn ngào. Từ đó, sau này tôi vẫn thường đưa cho cháu 10.000-20.000 đồng để đề phòng xe cộ hỏng  giữa đường”, chị Thảnh nghẹn ngào kể lại.

Còn sức là còn đi phụ hồ

Người mẹ nghèo cũng chia sẻ với gần 3 sào ruộng dù cấy quanh năm cũng chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn chứ chưa nói đến việc đóng học phí, mua sắm đồ cho hai cậu con trai đang tuổi lớn.

Thương bố mẹ làm lụng vất vả, Hoàn luôn chăm chỉ học hành. Chàng trai này thi đỗ vào 3 ngôi trường danh tiếng: THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học Tự nhiên và chuyên Thái Bình.

Tuy vậy, chàng trai này đã chọn học tập tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên vì đây là nơi đã có nhiều học sinh đạt giải cao thi Olympic quốc tế như Ngô Bảo Châu, Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn…
Nguyễn Thế Hoàn
Trong đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Toán học, Hoàn là thí sinh nhỏ tuổi nhất 
“Lúc đầu cháu xin lên Hà Nội học tôi cũng phản đối vì nghĩ rằng sẽ không lo được cho con học tập. Tuy nhiên, cháu có trình bày nguyện vọng nếu không theo kịp các bạn thì sau 1 năm sẽ xin về quê học tập. Tôn trọng ý kiến của cháu, hai vợ chồng quyết định lên Hà Nội phụ hồ kiếm sống”, chị Thảnh chia sẻ.

Ngày ốm vừa vừa, khi nắng gắt, mưa bay, họ vẫn ra công trường luôn chân luôn tay đảo vữa, bê đồ. Mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được 6-7 triệu đồng.

Quá nửa số đó dành đóng tiền học phí cho con và sinh hoạt. Số còn lại anh chị gửi về quê cho ông bà chăm sóc giúp cậu con út đang học lớp 9 chuyên Văn.

 

Khi được bố báo tin mẹ gặp nạn, đang học bài mà em không ngồi học được nữa

Nguyễn Thế Hoàn
 
Công việc phụ hồ nặng nhọc và vất vả nhưng vẫn giúp hai vợ chồng “có đồng ra đồng vào” nuôi hai con ăn học. Người mẹ nghèo cũng tâm sự có lần bị viên gạch từ tầng 2 rơi vào lưng tưởng chừng như không qua khỏi. Lúc đó chị không thể thở được và sau đó đã phải đưa đi cấp cứu.


“ Do trời phật thương nên tôi may mắn không bị gẫy xương. Sau vài ngày nghỉ ngơi là có thể bắt tay trở lại với công việc”, chị Thảnh nhớ lại.

Người mẹ nghèo cũng chân thành tâm sự: “Nghề này cũng vất vả nên hai vợ chồng cũng năm lần bảy lượt nghĩ rằng sẽ bỏ nghề để về quê kiếm sống. Nhưng về quê cũng không làm gì để có thể nuôi được hai con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Nghĩ vậy, hai vợ chồng lại cố gắng khi còn sức lực”.

Nhớ lại sự cố đó cũng khiến Hoàn hết sức lo lắng. Chàng trai này chia sẻ: “Khi được bố báo tin mẹ gặp nạn, đang học bài mà em không ngồi học được nữa. Em thương bố mẹ lắm mà không làm được gì, cũng chỉ biết hỏi thăm tình hình qua bố”.

Tiếp dòng câu chuyện về cậu con trai, chị Thảnh nhớ những tháng con nhịn ăn sáng để tiết kiệm chi phí. Khi ốm, Hoàn cũng không dám gọi phụ huynh vì sợ bố mẹ lo và phải tốn tiền.

"Đến lúc con sốt cao, miệng nôn trôn tháo, bạn bè sợ quá gọi điện báo thì Hoàn mới để chúng tôi đưa vào viện truyền nước", chị Thảnh kể.

Nhận được tiền học bổng, Hoàn đều đưa cho bố mẹ. Chàng trai này cũng đã nhiều lần mong muốn bố mẹ về quê làm may để đỡ vất vả.

Là con lớn trong gia đình, Hoàn cũng rất hiểu và thương bố mẹ nhiều nhưng hiện tại chưa làm được gì lớn lao nên chàng trai càng quyết tâm học tập để sau này có thể lo cho cuộc sống bố mẹ khi về già.

Chàng trai này cũng chia sẻ sẽ dành tiền thưởng để học thêm tiếng Anh sau đó sẽ nộp hồ sơ xin học bổng du học vào các trường đại học của Mỹ hoặc Canada. Đặc biệt, Hoàn mong muốn xin được học bổng tại trường ĐH Chicago – nơi có thần tượng GS Ngô Bảo Châu đang giảng dạy.

"Em sẽ cố gắng kiếm được học bổng cao để bố mẹ đỡ phải lo lắng chuyện học hành, chi phí", Hoàn chia sẻ.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn