‘Mê hồn trận’ mỹ phẩm giá rẻ trôi nổi tại nhiều chợ vùng quê 

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Ba, 28/12/2021 16:30:00 +07:00
(VTC News) -

Mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và mỹ phẩm tự chế vẫn đang được bày bán “nhan nhản” tại chợ vùng quê khiến nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt.

Chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe người tiêu dùng, đã không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh mỹ phẩm bất chấp nhập lậu, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua, tránh tiếp tay cho hàng giả, “tiền mất tật mang”.

Thật – giả lẫn lộn  

Dạo quanh vòng chợ miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, không khó để mua những hũ mỹ phẩm rẻ, không nhãn mác. 

Các sản phẩm ở đây được người bán giới thiệu sản xuất từ những công ty nổi tiếng chủ yếu là các sản phẩm trị liệu như trị mụn, trị nám, trị vết thâm… Còn các sản phẩm handmade tự chế chủ yếu là kem dưỡng da, kem làm trắng da… 

Điều đáng nói, giá thành của mỗi hũ kem này đều rất rẻ, giá chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/hũ tùy trọng lượng.

Hơn nữa, nhân viên cửa hàng cũng không ngần ngại test thử mỹ phẩm cho khách hết loại này đến loại khác, kèm theo những lời giới thiệu thao thao bất tuyệt về thành phần, công dụng… khiến cho khách hàng “lú lẫn”. 

Ngoài việc bán những hũ kem không bao bì, không tem nhãn thì tại chợ còn bán các mặt hàng son môi có giá chỉ từ 20.000 đồng/thỏi; phấn má, nhũ mắt có giá từ 10.000/hộp; nước hoa thương hiệu Dior, Poem, Chanel được quảng cáo “xịn” có giá 100.000/lọ 500ml; bút chì kẻ mắt chỉ 6.000 đồng/chiếc…

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao những loại kem này có xuất xứ từ công ty mà không để nhãn mác tạo uy tín thì một nhân viên bán hàng cho biết: 

“Đây là hàng chính hãng, một phần bị lỗi mẫu mã, một phần là hàng xuất khẩu nhưng họ sản xuất sản lượng lớn.

Trong quá trình đóng gói có dư ra và họ cho vào những hộp to bán lẻ ra thị trường. Bao bì, nhãn mác họ chỉ in đủ số lượng xuất khẩu vậy nên những hộp này không có bao bì. Mà có phải mua được những sản phẩm này dễ đâu. Bởi họ sản xuất theo lô không phải lô hàng nào họ cũng làm thừa và phải có người nhà làm việc ở đó mới mua được.

Thế nên, được mua sản phẩm chính hãng giá rẻ thì không cần thắc mắc nhiều. Chỉ cần dùng hiệu quả là được, hiệu quả của sản phẩm là quan trọng nhất”.

Một cửa hàng khác còn mạnh miệng khẳng định: “Nếu khách hàng nào phát hiện sản phẩm của cửa hàng bán ra là hàng giả, hàng rởm, xin hoàn lại tiền đến 300%”. 

Tuy nhiên, thực tế khi kiểm tra, Cục Quản lý thị trường (QLTT) lại phát hiện lượng lớn mỹ phẩm nơi đây đều là hàng giả, lậu và không có nguồn gốc xuất xứ.

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều các chị em phụ nữ dường như không nghi ngờ gì về những sản phẩm kể trên mà vẫn “vô tư” lựa chọn, dùng thử và mua. Điều khiến họ không ngại ngần, chính là những lời giới thiệu hấp dẫn, và những hình ảnh bắt mắt được in trên bao bì sản phẩm.

Thông thường, mỹ phẩm phải được bảo quản, bày bán đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Thế nhưng không chỉ chợ miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mà tại chợ mới Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), hay chợ Bồng Sơn (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) hầu hết các loại mỹ phẩm đều được bày trên tấm bạt, khay nhựa, tủ gỗ và nằm ven lối ra vào chợ, xen kẽ với hàng cá thịt, quần áo. 

‘Mê hồn trận’ mỹ phẩm giá rẻ trôi nổi tại nhiều chợ vùng quê  - 1

Đủ loại mỹ phẩm “siêu rẻ” đang được bán tràn tại nhiều chợ vùng quê.

Chưa nói đến chất lượng có đạt chuẩn hay không, nhưng việc cất giữ và bày bán như ở đây đã là một điều đáng lo ngại.

Cảnh báo nguy cơ sử dụng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng

Những xã miền núi như là vùng trũng để dòng hàng hóa kém chất lượng, trong đó có cả mỹ phẩm đổ dồn về. Việc kiểm tra, thu giữ mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng thực sự là điều khó. Trong khi đó, khuyến cáo trong việc sử dụng mỹ phẩm thì gần như là khoảng trống đối với những phụ nữ ở đây.

Thực tế trên một lần nữa tiếp tục dấy lên những lo ngại về hậu quả khi sử dụng những loại mỹ phẩm mà không ai biết thành phần gồm những gì và tác dụng ra sao. Rõ ràng vấn nạn hàng giả, hàng nhái vốn đã nhiều lại càng trở nên nhức nhối.

‘Mê hồn trận’ mỹ phẩm giá rẻ trôi nổi tại nhiều chợ vùng quê  - 2

Mỹ phẩm giả, nhái ngày càng loạn thị trường khiến người dùng lo lắng.

Trước thực trạng này, người tiêu dùng như rơi vào “mê hồn trận” khi ngoài thị trường hàng giả, hàng thật lẫn lộn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, hình thức mua sắm những mặt hàng này trên mạng càng trở nên dễ dàng hơn và khi đã mua online càng khó đoán được chất lượng sản phẩm.

Đầu tiên phải kể đến là dị ứng mỹ phẩm, đây là hiện tượng thường gặp phải nhất khi sử dụng mỹ phẩm giả. Dị ứng mỹ phẩm không quá nặng có thể chỉ biểu hiện ngoài da, sẩn ngứa vùng bôi mỹ phẩm, viêm da dị ứng, sưng tấy, đỏ mặt, viêm nang lông, nhiễm trùng da,… Nặng hơn thì gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng không bôi thành phản ứng toàn thân. 

Nguy hiểm hơn là các loại mỹ phẩm chứa các chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng thường có trong mỹ phẩm giả, kem trộn như: Sodium hydroxide, formaldehyde, chì, thủy ngân, kẽm,… các thành phần này có thể gây ảnh hưởng xấu lên gan, não, thay đổi hệ thống nội tiết và hóc môn trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương. 

Mặc dù, biết rõ khi sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường cho sức khỏe, tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, vẫn tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. 

Tại một phòng khám chuyên khoa da liễu, bác sĩ cho biết, trung bình 1 ngày có khoảng 3 - 5 người bệnh gặp các vấn đề về da khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi. Phần lớn những trường hợp da bị kích ứng như mề đay, tăng sắc tố, viêm da tiếp xúc hay teo da giãn mạch.

Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bởi vậy, không phải là thừa khi nhắc lại những khuyến cáo từ các bác sĩ da liễu: cần phải thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm, nhất là phải nói không với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường.

Đồng thời, người tiêu dùng cần thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng; tránh tâm lý ham rẻ rồi lại “tiền mất tật mang”, vô tình tiếp tay cho các chủ cửa hàng kinh doanh kiếm lợi bất chính.

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98. Trong đó, sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt từ 100 - 140 triệu đồng.

Mức phạt trên tăng gấp 2 lần so với mức phạt trước đây. Tuy nhiên, đây có lẽ vẫn chưa phải là chế tài đủ mạnh để ngăn chặn triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả bởi lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc còn cao gấp chục lần so với việc phạt hành chính.

Huyền Thương 
Bình luận
vtcnews.vn