Mẹ dìm chết con 35 ngày tuổi: Nên xem người mẹ là 'bệnh nhân' chứ không phải 'tội nhân'

Thời sựThứ Sáu, 16/06/2017 16:48:00 +07:00

Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc người mẹ dìm chết con mới 35 ngày tuổi nên xem người mẹ là “nạn nhân” của một loại bệnh lí.

Ngày 12/6, tại Hà Nội xảy ra vụ một bé trai mới 35 ngày tuổi là con của anh Vũ Hoàng Hải và Phan Thị Trinh (ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) tử vong trong chậu nước. Người phát hiện vụ việc là ông Vũ Đình Lăng (ông nội nạn nhân).

Sau khi tiến hành điều tra, cơ quan điều tra đã làm rõ nghi can gây án là Phan Thị Trinh, là mẹ ruột của cháu bé.

Tại cơ quan điều tra, Phan Thị Trinh đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình và cho biết "không cố ý", là do "bị trầm cảm".

2_63643

 Ngôi nhà nơi bé trai bị sát hại.

Cùng với đó, nhiều người thân trong gia đình chị Trinh cũng như hàng xóm cũng đều xác nhận chị Trinh có tiền sử về tâm thần (ông nội và bố chị Trinh đều "bất bình thường" về tâm lí).

Trao đổi về vấn đề trên, Giáo sư, Đại tá Cao Tiến Đức, giảng viên Trường Học viện Quân Y, Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, vụ việc trên cần được xem là một “bệnh án” chứ không phải là một “vụ án”. Và đã là “bệnh án” thì nên được thông cảm và chữa trị vì “không người mẹ nào nhẫn tâm đi giết con mình”.

GS Đức cho biết: “Thời gian qua có rất nhiều vụ giết người có liên quan đến người bệnh tâm thần gần đây đã gây rúng động xã hội, làm cho cộng đồng hoang mang, gây bất ổn trong dân chúng. Hành vi phạm tội ở bệnh nhân tâm thần là hiện tượng rất phổ biến.

Các bệnh tâm thần hay gây ra hành vi phạm tội, nhất là rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy và nghiện game online. Các hành vi phạm tội được gây ra bởi bệnh nhân tâm thần cũng rất đa dạng, từ các tội nhỏ đến các tội nghiêm trọng”.

nguoi_me_2og0eq6kdnd57-4-1407074-1618476 3

Người mẹ được cho là hung thủ sát hại con mình. 

Về vụ việc người mẹ sát hại chính con đẻ 35 ngày tuổi vừa xảy ra gây rúng động dư luận, GS Cao Tiến Đức cho rằng đây là một vụ việc đáng tiếc và là “bệnh án”.

GS Đức phân tích: “Trường hợp người mẹ có những hành vi bất thường đối với chính con đẻ của mình là hiện tượng thường gặp khi người mẹ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Trong những trường hợp nguy hiểm hơn, người mẹ còn có thể giết chính đứa con của mình, có thể là ngay sau khi sinh con hoặc con được 1-2 tuổi. Trên thế giới đã ghi nhận khá nhiều các vụ việc như vậy.

Tôi cho rằng người mẹ trong vụ việc thương tâm trên là do trầm cảm”.

Video: Phụ nữ trầm cảm sau sinh có thể giết con hoặc tự tử

Khi được hỏi trong vụ việc trên, làm thế nào để xác nhận người mẹ có thực sự bị trầm cảm hay không, hay hành vi sát hại con mình còn xuất phát từ động cơ khác, GS Cao Tiến Đức khẳng định chỉ cần khám nghiệm bệnh lí cho người mẹ là tìm được câu trả lời.

"Việc này đơn giản thôi, cũng không quá phức tạp lắm đâu. Song qua những dấu hiệu và tình tiết vụ việc trên thì tôi cho rằng người mẹ đã bị mắc chứng trầm cảm sau sinh", GS Đức nói.

GS Cao Tiến Đức cho hay, hơn 30 năm làm công tác điều trị cho các bệnh nhân mắc các chứng bệnh về thần kinh, ông cũng đã gặp rất nhiều "ca" rất "oái oăm và bi kịch", trong đó có cả những vụ người bệnh là sản phụ bị mắc chứng trầm cảm.

Theo GS Đức, vì là bệnh lí nên diễn biến tâm lí của người mắc chứng trầm cảm sau khi sinh tương đối phức tạp.

“Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh là sự pha trộn phức tạp các loại cảm xúc. Từ khí sắc trầm kéo dài, cảm thấy không xứng đáng cho đến cảm thấy mình là người thất bại, bất lực, tuyệt vọng, Kiệt sức, trống rỗng, buồn rầu, tội lỗi, sợ một mình...

Và từ đó, cũng tác động đến suy nghĩ hành vi của họ. Suy nghĩ kém minh mẫn, luôn âu lo, cảm thấy áp lực, hành vi thì cũng thay đổi theo, từ ngại giao tiếp, nói lan man,... còn nặng hơn có thể là những hành vi có thể gây hại cho người khác, thậm chí cho ngay chính đứa con của mình”, GS Đức nói.

GS Cao Tiến Đức cũng cho biết, trầm cảm sau sinh là một bệnh lí khá phổ biến trên thế giới. Theo thống kê có khoảng hơn 20% phụ nữ mắc bệnh này sau khi sinh. Khởi phát bệnh có khuynh hướng từ từ hoặc có thể dai dẳng hoặc có khi lẫn vào các triệu chứng khác thời sinh đẻ.

Rất nhiều phụ nữ cảm thấy e ngại phải nói ra tình trạng cảm xúc của mình, họ tự đối phó và thường là dấu diếm nỗi đau khổ này. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng vì nó gây xáo trộn cuộc sống của các bà mẹ trẻ, có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ, những đứa con khác, người chồng và các mối quan hệ với gia đình.

Đặc biệt, bệnh trầm cảm ở người mẹ sau đẻ cũng có thể chuyển sang trầm cảm ở người chồng với một tỉ lệ đáng kể.

“Bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh có thể điều trị được. Tuy nhiên chỉ điều trị bằng thuốc thì cũng chưa có hiệu quả toàn vẹn mà phải luôn đi kèm với các liệu pháp tâm lí và các hỗ trợ khác. Tư vấn tâm lí để người phụ nữ được hiểu biết, được cảm thông và nâng đỡ, không cảm thấy cô đơn là điều rất quan trọng. Nên người chồng và những người thân trong gia đình cần phải hiểu rõ là làm tốt điều này đối với các phụ nữ sau khi sinh”, GS Đức cho biết thêm.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn