Mẹ đi thi, con nhỏ khóc bên ngoài vì “khát sữa”

Giáo dụcChủ Nhật, 03/06/2012 10:05:00 +07:00

Vợ vào phòng thi, chồng phải bồng đứa con nhỏ 1 tuổi đầu lòng dỗ dành cho con khỏi khóc và cho con uống sữa.

Vợ vào phòng thi, chồng  phải bồng đứa con nhỏ 1 tuổi đầu lòng dỗ dành cho con khỏi khóc và cho con uống sữa.


Anh chồng ở trên huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) về TP Huế dẫn vợ đi thi. Vợ vào phòng thi, anh phải bồng đứa con nhỏ 1 tuổi đầu lòng dỗ dành cho con khỏi khóc và cho con uống sữa.

Vì không có ai là bà con hoặc bạn bè tại thành phố Huế nên khi dẫn vợ về Huế thi tốt nghiệp năm nay, anh Phan Thanh Ủy (28 tuổi, trú xã A Đớt, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải bồng luôn con nhỏ để chăm sóc.

 

Nhìn cảnh người cha dỗ dành đứa con trai mới hơn 1 năm tuổi, nhiều người thấy thương tình nên cho thêm cháu bé ít sữa, bánh trái. Cu Phan Thanh Linh tuy mới tròn năm nhưng rất quậy phá, chĩa tay múa chân và nhìn vào trường thi liên tục, nơi có mẹ đang miệt mài làm bài thi.

Người cha thì mệt bở hơi tai vì đứa con hiếu động, hết bế, nựng, bồng đi quanh vỉa hè trước trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế (nơi vợ thi) rồi quanh sang dỗ dành nói ngọt. Nhưng thằng cu vẫn kêu la không ngừng.

Phải đến khi người mẹ ra khỏi phòng thi, thằng cu mắt sáng lên, lao vào lòng mẹ, miệng nói bập bẹ. Chị Kê Thị Thơm (26 tuổi, vợ anh Ủy) quệt vội mồ hôi trên trán và nhìn cười chồng nói bằng tiếng dân tộc nghĩa là “Anh có mệt không? Để em lo cho con nhé”.

 

Chị Thơm cho biết năm 2011, chị đăng ký thi tốt nghiệp nhưng vì sinh thằng cu Linh là con đầu lòng nên sau đó phải bảo lưu chờ năm nay thi. Bận giữ con nên cái tay của chị cứng đi, đến nỗi buổi thi sáng 2/6, môn Văn phải viết nhiều chữ nhưng chị viết không được tốt lắm vì tay đau.

 

“Tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân là chị thấy khó nhất, còn lại 2 câu sau chị đều làm được nhưng có lẽ cũng không tốt lắm. Bài chị học tủ thì không trúng nên cũng hơi buồn chút chút. Mấy anh em người Kinh trong phòng cũng tốt lắm, phút cuối cho chị chép bài một ít nhưng chị ngại quá nên không chép. Thầy cô giám thị trong phòng cũng nghiêm và căng thẳng lắm làm chị run cả người” - chị Thơm tâm sự.

 

Qua trò chuyện mới  biết hai anh chị thuê phòng trọ ở gần trường thi và may mắn được một bà chủ nhà tốt bụng cho ở nhờ mà không lấy tiền. Chỉ tốn tiền ăn cơm bụi, mua nước uống và trái cây, sữa cho cu Linh. Phần còn lại để dành đi xe lên A Lưới khi thi xong.

Ở quê, anh đi làm thuê công nhân, chị đi học ở trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, khi học về thì ở nhà làm ruộng. Đời sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm học để lấy cho được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 nhằm sau này có nhiều cơ hội tìm việc cho đỡ khổ.


Theo Dân Trí

Bình luận
vtcnews.vn