Mẹ chiến sĩ hy sinh khi chữa cháy: 'Long làm cả ngày nghỉ để xin nghỉ phép khi vợ sinh'

Thời sựThứ Sáu, 08/09/2017 20:30:00 +07:00

Mẹ Thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi) cho biết, chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa vợ chồng anh sẽ đón con gái chào đời, mấy tháng nay anh làm cả ngày nghỉ để đến khi vợ sinh thì nghỉ phép một lượt.

Niềm tự hào của cả xóm

Sáng 8/9, thông tinThượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, công tác tại Đội Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, TP.HCM) ra đi trong lúc làm nhiệm vụ đã truyền khắp cả ấp 6. Từ đầu ngõ, nỗi buồn hiện hữu trên từng khuôn mặt, dù họ không phải là máu mủ thân thích với người đã khuất.

Bà Lê Thị Hòa (65 tuổi, buôn bán tạp hóa ngay đầu ngõ) buồn bã nói: “Tui ở đây chứng kiến tụi nhỏ lớn lên từng ngày, đứa nào như thế nào ai cũng rõ. Thằng Long ngoan hiền, giỏi giang có tiếng. Từ ngày nó trở thành cảnh sát PCCC, luôn là niềm tự hào của cả xóm này. Rạng sáng nghe tin nó mất ai cũng bủn rủn chân tay…”.

IMG_8603

 Lãnh đạo địa phương đến chia buồn cùng gia đình Thượng úy Phạm Phi Long. (Ảnh: Dương Thương)

Trong căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn, bà Nguyễn Thị Mua (52 tuổi, mẹ của Thượng úy Long) ngồi ủ rũ bên cạnh những đồng nghiệp của con trai mình, chốc chốc người mẹ lại đưa vạt áo thấm nước mắt.

Bà nghẹn giọng nhớ lại, khoảng hơn 1h sáng, cả nhà đang ngủ thì xe chuyên dụng của đội cảnh sát PCCC nơi con trai bà làm việc chạy vào giữa sân. Vợ chồng bà vội choàng tỉnh, trong lòng dấy lên bao nỗi lo “hay là nó bị ngã, bị phỏng, hay công việc có vấn đề gì?....”. Người mẹ không ngờ, nỗi linh cảm trong đêm hôm khuya khoắt ấy lại thành hiện thực xót xa.

“Nghe đồng chí cảnh sát báo tin con trai tui gặp nạn trong lúc làm nhiệm vụ mà vợ chồng tui sốc đến run lẩy bẩy. Ông nhà tui chân đứng không còn vững, lại sẵn có bệnh trong người nên phải đưa ông tới bệnh viện”, giọng của người mẹ nghẹn ngào bởi nỗi đau mất con.

IMG_8608

 Bà Nguyễn Thị Mua cố gắng kìm nén nỗi đau mất con. (Ảnh: Dương Thương)

Chồng sức khỏe yếu, bà Mua phải gắng mạnh mẽ để cùng người thân tức tốc đến bệnh viện ngay trong đêm. Bà nhớ lại: “Tui cứ nghĩ nó chỉ bị thương hay sao đó, trên đường đi cứ lẩm bẩm cầu xin trời phật cho nó bình an. Tới nơi, tui thấy bác sĩ đang cố gắng cấp cứu nhưng không được. Nó đã đi từ lúc nào rồi…”.

Một người hàng xóm của bà Mua kể: “Từ lúc xe cấp cứu chở thi thể của cậu Long về là hàng xóm láng giềng đều biết tin. Ai cũng sửng sốt và buồn. Sang nhà thì thấy bà Mua thu mình một góc rồi khóc, mọi người chỉ biết động viên để bà vượt qua được bận này”.

Chị này rầu rĩ tiếp lời: “Cậu Long hiền lắm, lại hiếu thảo cha mẹ, thương vợ con, với xóm làng thì nhiệt tình, hòa đồng. Mỗi lần đi làm hay về gặp tui cậu Long cũng cười vui vẻ. Cả xóm này một mình cậu Long là công tác trong ngành PCCC, là niềm tự hào của cả xóm. Giờ thì niềm tự hào đó đã mãi mãi ra đi”.

Hy sinh khi chưa kịp đón con gái chào đời

Kể về con trai, người mẹ gạt nước mắt cho hay, vợ chồng bà có 3 người con, chiến sĩ Long là con trai cả.

Đã mấy chục năm trời, vợ chồng bà Mua làm nghề trồng rẫy rồi chuyển qua trồng rau, buôn rau cải ở chợ Vĩnh Lộc. Thời gian rảnh bà làm thêm nghề bào rau muống. Chính những nghề cực nhọc đó đã nuôi lớn các con được ăn học nên người.

IMG_8611 3

Bé Phạm Hữu Phác (2 tuổi, con trai Thượng úy Long) liên tục gọi tên bố trong đám tang. (Ảnh: Dương Thương)

“Hồi đó, nhà nghèo, nó một buổi đi học, một buổi phụ giúp tui làm lụng. Năm nào nó cũng có bằng khen. Nó ham học lắm, nhiều khi vì khó khăn nhưng tui cũng không nỡ để con phải nghỉ học”.

Thương cha mẹ, học xong phổ thông, anh Long nghỉ hẳn 1 năm để ở nhà làm kinh tế, sau đó theo nghĩa vụ quân sự. “Nó giỏi giang lắm nên đi nghĩa vụ ai cũng thương, rồi thi đỗ vào ngành và làm việc tới giờ. Nó ham học nên vừa làm vừa học lên đại học, chỉ còn 1 tháng nữa là được cấp bằng tốt nghiệp đại học như mong muốn nhưng giờ thì…”.

IMG_8615 4

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (vợ chiến sĩ Long) lặng lẽ ngồi một góc liên tục gạt nước mắt. (Ảnh: Dương Thương) 

Năm 2014, anh Long lập gia đình, đầu năm 2015 thì chào đón con trai đầu lòng.

Bà Bùi Thị Mến (SN 1952, mẹ vợ của chiến sĩ Long) vừa động viên thông gia vừa ngậm ngùi nhớ lại: “Nhà bên đây chật chội lại đông người nên vợ chồng nó qua ở tạm nhà tui. Mới mấy tháng trước, con nó bị bệnh tay chân miệng, bác sĩ bó bột đến nỗi hoại tử da ở chân, nó phải chạy vạy lên bệnh viện để chăm nom vì vợ mang bầu. Con chưa khỏi hẳn, chỉ còn 1 tháng nữa là vợ sinh thì nó lại gặp nạn. Nó đi rồi bỏ lại vợ góa, con thơ”.

Hai người mẹ ngồi cạnh nhau, mắt đẫm lệ: “Sáng hôm qua, nhà bên ngoại thuê 1 chuyến xe đi xuống Vũng Tàu để đi chùa cầu an, nhưng nó bảo không đi mà ở nhà để lên cơ quan họp và làm việc Nhà nước. Nó nói, gắng làm việc, kể cả ngày nghỉ để chờ đến khi vợ sinh thì xin nghỉ gộp đến 25 ngày chăm vợ và con… Nếu hôm đó nó xin nghỉ thì mọi việc đã không có mất mát này”.  

IMG_8621 6

Chiến sĩ Phạm Phi Long hy sinh bỏ lại vợ trẻ và con thơ. (Ảnh: Dương Thương)

“Gia đình tui vừa xuống đến Vũng Tàu thì nghe tin dữ, con gái tui sốc đến ngất, ai cũng lo sợ cho đứa bé còn trong bụng. Động viên mãi nó mới bình tĩnh trở lại. Về đến nhà chồng, nó cứ ngồi ủ rũ một góc, lặng lẽ khóc một mình. Tui thương con, thương ông bà thông gia. Tụi tui già rồi, sau này 2 đứa nhỏ không biết nhờ ai, cậy ai”.

Video: Xe thang chữa cháy giải cứu bà bầu sinh non trên tầng 4

Khoảng 23h ngày 7/9, căn nhà vắng chủ trên đường số 10A, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân , TP.HCM bốc cháy dữ dội, lửa nhanh chóng bao trùm căn nhà. 

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đã nhanh chóng điều động gần 100 chiến sĩ cùng nhiều xe chữa cháy đến hiện trường để cứu hộ dập lửa. 

Tuy nhiên, trong quá trình chữa cháy, tầng một căn nhà bất ngờ đổ sập, đè lên 3 chiến sĩ. Trong đó, Thượng úy Phạm Phi Long hy sinh, 2 Hạ sĩ Phạm Tấn Quốc (24 tuổi) và Bùi Văn Dũng (20 tuổi) bị thương nặng.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn