Máy bay quân sự của Không quân Việt Nam gặp nạn ở Khánh Hòa là loại gì?

Thế giớiThứ Sáu, 14/06/2019 13:53:00 +07:00

Mẫu máy bay huấn luyện-thể thao Yak-52 được phát triển bởi Cục thiết kế thử nghiệm Alexander Yakovlev vào năm 1974 trên cơ sở máy bay nhào lộn trên không Yak-50

62482128_503615763711607_7084505686683418624_n 3

Yak-52 - mẫu máy bay huấn luyện được sử dụng phổ biến ở Nga. 

Chiếc máy bay của Không quân Việt Nam vừa bị rơi ở Khánh Hòa là mẫu máy bay huấn luyện-thể thao Yak-52, được phát triển bởi Cục thiết kế thử nghiệm Alexander Yakovlev vào năm 1974, trên cơ sở máy bay nhào lộn trên không Yak-50.

Yak-52 sau này được Công ty Aerostar của Romania mua bản quyền và sản xuất, máy bay được lắp hệ thống điện tử hàng không theo chuẩn châu Âu.

Với việc đơn giản hóa khung gầm và cải tiến hệ thống nhiên liệu, Yak-52 có khả năng thực hiện các thao tác bay nhào lộn một cách đơn giản, liên tục. Đó cũng là lý do tại sao Yak-52 là sự lựa chọn thích hợp để đào tạo phi công tiêm kích ở mức độ sơ cấp.

Yak-52 được thiết kế hai khoang lái: phía trước dành cho phi công được đào tạo và phía sau là dành cho phi công huấn luyện. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, chuyến bay vẫn có thể diễn ra bình thường với sự điều khiển của một phi công ở khoang lái trước.

yak 52

Máy bay huấn luyện Yak-52 

Thân máy bay được chế tạo bán nguyên khối, nhưng được gia công rất tốt nên trọng lượng không quá nặng. Thiết bị hạ cánh không được gấp lại khi đang thực hiện chuyến bay, mà được gắn cố định vào cánh và thân máy bay, đảm bảo hạ cánh an toàn trong trường hợp phi công quên nhả thiết bị này khi hạ cánh.

Bên cạnh đó, Yak-52 sử dụng động cơ có công suất 360 mã lực, 9 xy-lanh làm mát bằng không khí. Nhiên liệu được bơm vào hai khoang chứa ở hai cánh có dung tích 65 lít mỗi cánh.

Tốc độ tối đa của loại máy bay này ở độ cao mặt biển là 285 km/h và tốc độ hành trình là 190 km/h. Máy bay có tốc độ tối thiểu chỉ 90 km/h – đảm bảo an toàn cho phi công đào tạo khi thực hiện các bài tập hạ cánh và cất cánh lần đầu tiên.

Với những đặc điểm trên, Yak-52 đã trở thành loại máy bay huấn luyện cơ bản nhất trong biên chế của Không quân Việt Nam. Mọi phi công muốn ngồi vào ghế lái của Su-27 hay Su-30 đều phải trải qua thời gian dài huấn luận trên chiếc Yak-52.

Trong biên chế của Không quân Việt Nam hiện đang có khoảng 36 chiếc Yak-52, tuy nhiên, tất cả số máy bay này đều không được trang bị vũ khí, và chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện.

Thông số kỹ thuật cơ bản của Yak-52

Phi hành đoàn: 2 người; Dài: 7,7 m; Sải cánh: 9,3 m; Cao: 2,7 m; Diện tích cánh: 15 m²; Trọng lượng rỗng: 1.015 kg; Trọng lượng cất cánh tối đa: 1.305 kg.

Động cơ: 1 động cơ piston đơn 9 xy lanh Vedeneyev M-14P cung cấp công suất 360 mã lực; Tốc độ tối đa: 360 km/h; Tốc độ hành trình: 190 km/h; Tầm hoạt động: 500 km; Trần bay: 4.000 m; Tốc độ leo cao: 7 m/s.

YaK-52 có tốc độ bay bằng lớn nhất khi trọng lượng 1.315 kg trên độ cao 1000 m, với càng có bánh lốp là 270 km/h; với càng có thanh trượt tuyết là 223 km/h. Độ cao hoạt động lớn nhất của YaK-52, với càng có bánh lốp là 4.000 m; với càng có thanh trượt tuyết là 4.000 m. Thời gian lấy độ cao từ 0-4.000 m khi động cơ làm việc ở chế độ định mức I: với càng có bánh lốp là 15 phút; với càng có thanh trượt tuyết là 25,5 phút.

Quãng đường chạy đà khi vận tốc rời đất là 120km/h: với càng có bánh lốp là 180-200m; với càng có thanh trượt tuyết là 200m. Quãng đường hãm đà khi vận tốc tiếp đất 120km/h với cánh tà thả trong điều kiện khí tượng tiêu chuẩn: với càng có bánh lốp là 330km; với càng có thanh trượt tuyết là 240m.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn