Máy bay ‘nằm sân’ vì ‘vật thể lạ’

Kinh tếThứ Ba, 09/07/2019 10:25:00 +07:00

Nhiều máy bay phải nằm chờ các kỹ sư sửa chữa vì lý do bi hài: khăn mặt, bỉm, thậm chí là các chai rượu mini nằm “nguyên vẹn” trong bồn cầu, gây tắc nghẽn.

Theo một kỹ sư của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), nhiều trường hợp máy bay phải “nằm sân” sửa chữa vì lý do ít ai ngờ: nhà vệ sinh máy bay bị tắc.

Thủ phạm là “vật thể lạ”

Thời gian vừa qua, VAECO liên tục ghi nhận các trường hợp hệ thống toilet của máy bay không sử dụng khi đang trên độ cao 16000ft. Nguyên nhân được xác định là do các vật ngoại lai như khăn, tã, bỉm, chai rượu mini… được tìm thấy khi thông tắc đường ống toilet.

may bay

 Đường ống toilet bị đóng cặn, tắc khiến máy bay phải 'nằm sân' nhiều ngày để sửa chữa. 

Để khắc phục những sự cố này, các kỹ sư bảo dưỡng của VAECO phải thực hiện nhiều giải pháp ngâm hóa chất để làm giảm, mềm cặn cứng, đồng thời dùng vòi nước áp suất cao để làm sạch cặn đường ống. Việc thực hiện xả, ngâm đường ống bằng hóa chất với đá bào có thể mất tới 7 ngày nhằm giảm cặn và chống đóng cặn trở lại. Với những vật cứng hoặc có kích thước lớn nằm trong ống, các kỹ sư thậm chí phải phối hợp 2-3 giải pháp cùng lúc để làm sạch đường ống.

Sự cố này xảy ra không chỉ đơn giản là gây tắc hệ thống vệ sinh trong chuyến bay mà còn khiến máy bay buộc phải dừng khai thác để bảo dưỡng tiến hành sửa chữa, làm sạch. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng khai thác tàu bay của VNA, gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là trong mùa cao điểm hiện nay.

“Việc thông các nhà vệ sinh dù có mất thời gian nhưng về kỹ thuật là không khó. Có điều, việc ách tắc nhà vệ sinh khi tàu bay đang gây khó chịu cho khách đi máy bay. Phía hãng hàng không, ngoài việc ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ mà hãng cung cấp thì sau chuyến bay, tàu bay có nhà vệ sinh bị ách tắc còn phải dừng khai thác nhiều ngày chờ khắc phục, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt là trong mùa cao điểm hiện nay”, một kỹ sư tại VAECO cho hay.

Làm sao để tránh sự cố?

Chia sẻ thêm về vấn đề này, một tiếp viên hàng không cho hay, khá nhiều hành khách nghĩ rằng, việc đi máy bay là điều cực kỳ đơn giản, vì vậy, họ ít quan tâm đến sự hướng dẫn của các hãng hàng không.

Việc làm tắc nhà vệ sinh nêu trên là một trong những ví dụ điển hình. Thực tế, trong hệ thống buồng vệ sinh máy bay luôn có những hướng dẫn cụ thể trên mỗi thiết bị như: nhấn nước ở đâu, bỏ giấy vào chỗ nào, lau tay xong khách nên để giấy lau vào thùng rác như thế nào, cho đến những chỗ như thay bỉm cho em bé hay hong khô tay… Tuy nhiên, vì nhiều lý do đôi khi hành khách “bỏ qua” những hướng dẫn rất chi tiết mà hãng đưa ra.

Hậu quả là hệ thống toilet không sử dụng được dẫn đến máy bay buộc phải sửa chữa. Chính vì vậy, để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, các tiếp viên thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và hỗ trợ hành khách khi cần. 

Đầu tiên, các bà mẹ có thể yên tâm vì nhà vệ sinh trên máy bay luôn có tấm bàn nằm phía trên chỗ vệ sinh để có chỗ thay bỉm cho bé. Khi sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay, hành khách không được hút thuốc, gọi điện hay nghịch các đồ vật khác trong buồng vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh xong, hành khách cần ấn nút xả nước để giữ vệ sinh cho toàn chuyến bay. Sau khi rửa tay và dùng khăn giấy, hành khách cần nhớ bỏ vào đúng nơi quy định. Cuối cùng, trước khi vào nhà vệ sinh hay bất cứ bộ phận nào trên khoang máy bay, hành khách cần đọc kĩ những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo đúng quy định.

Việc khách tự ý mở cửa thoát hiểm của máy bay cũng là vấn đề làm đau đầu các nhà vận chuyển

 Vietnam Airlines từng ghi nhận trường hợp một hành khách “thấy phía trước đông người, đã nhanh nhẹn mở cánh cửa gần đó để xuống tàu bay... nhanh hơn”. Tương tự, tại Tân Sơn Nhất, đã xảy ra vụ việc một hành khách ngồi gần cửa thoát hiểm đã tự ý mở bung cánh cửa này khi được một bà mẹ trẻ bế đứa con đang khóc nhờ mở cửa.

Trường hợp khác, trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Cao Hùng (Đài Loan) về TP.HCM mới đây, một vị khách người Đài Loan có nhu cầu đi vệ sinh. Do nhầm lẫn, ông đã đi về phía cửa thoát hiểm và gạt chốt, cố gắng mở cửa, nhưng rất may việc mở cửa thoát hiểm không dễ dàng do máy bay đang bay, áp suất chênh lệch.

Một hành khách gần 80 tuổi trên chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng đã đi xuống phía cuối máy bay, loay hoay định mở cửa thoát hiểm để... đi vệ sinh.

Trên máy bay, mỗi cửa thoát hiểm đều được bố trí xuồng phao cứu sinh, tự động bung ra khi cửa được mở. Mỗi phao tương ứng số khách nhất định. Khi một xuồng phao cứu sinh không sử dụng được, chuyến bay sẽ phải giảm số lượng khách theo tỷ lệ tương ứng, sau đó máy bay sẽ được đưa vào xưởng để lắp đặt lại xuồng phao với chi phí hàng trăm triệu đồng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn