Máy bay chở 189 người lao xuống biển: Indonesia công bố báo cáo điều tra

Thế giớiThứ Tư, 28/11/2018 12:44:00 +07:00

Một tháng sau sự cố máy bay của hãng hàng không Lion Air chở 189 người lao xuống biển, hôm nay 28/11 giới chức Indonesia công bố báo cáo điều tra ban đầu.

Theo báo cáo ban đầu, các nhà điều tra cho biết Lion Air vẫn đưa máy bay vào khai thác dù chưa khắc phục được một vấn đề ở hệ thống đo tốc độ, nhiều ngày trước vụ tai nạn thảm khốc. Báo cáo cũng cho biết các phi công đã phải vật lộn với hệ thống chống dừng của máy bay khi yêu cầu được quay lại sân bay chính ở Jakarta.

Cơ quan chức năng Indonesia khuyến cáo Lion Air phải tăng cường tiêu chuẩn an toàn bay và ghi lại đầy đủ hơn công việc sửa chữa trên các máy bay của hãng. 

nn_tco_lion_air_data_recorder_181127_1920x1080

Một chiếc máy bay của hãng Lion Air. (Ảnh: ABC News) 

Cơ quan An toàn vận tải Indonesia chưa công bố nguyên nhân cuối cùng gây ra tai nạn, cho biết một báo cáo đầy đủ hơn có thể được đưa ra vào đầu năm 2019. 

Trước đó, các nhà điều tra cũng đã tiết lộ chiếc máy bay xấu số có vấn đề với bộ cảm biến góc tấn (AOA), khiến Boeing phải ban hành thông báo đặc biệt hướng dẫn các nhà vận hành những điều cần làm khi gặp trường hợp tương tự.

Cảm biến AOA cung cấp dữ liệu về góc mà không khí đang đi qua cánh máy bay và cho phi công biết máy bay đang nhận được bao nhiêu lực nâng. Thông tin này vô cùng quan trọng để ngăn máy bay không dừng đột ngột.

Ủy ban an toàn vận tải quốc gia Indonesia đã khôi phục được một trong số hai hộp đen của máy bay – thiết bị ghi dữ liệu bay, nhưng chưa tìm được thiết bị ghi âm buồng lái. Dữ liệu hộp đen tìm thấy cho biết máy bay đã gặp vấn đề tốc độ trên một số chuyến bay trước đó.

Theo SCMP, dù có lịch sử bay không mấy an toàn và nhiều lời phàn nàn về dịch vụ kém chất lượng, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ này là tập đoàn Lion Air – điều hành cả Batik Air và Wings Air, đã có được nửa thị trường nội địa trong vòng chưa đến 20 năm và trở thành hãng hàng không lớn nhất Đông Nam Á.

Hàng không Indonesia đã trở nên an toàn hơn kể từ khi các hãng hàng không nước này, bao gồm cả hãng quốc gia Garuda, bị cấm bay nhiều năm ở không phận EU và châu Âu vì vi phạm quy định an toàn. Indonesia ghi nhận 40 tai nạn chết người trong vòng 15 năm qua.

Boeing cũng hứng chỉ trích vì những sai sót có thể tồn tại trên dòng máy bay 737 MAX mới được đưa vào sử dụng từ năm 2017. Liên hiệp phi công Mỹ APA nói các hãng hàng không và phi công không được Boeing báo trước về những thay đổi đối với hệ thống điều khiển bay được cài đặt trên các dòng 737 MAX mới.

Một tháng sau tai nạn, quá trình nhận dạng nạn nhân đã tạm dừng, với 125 hành khách được xác định danh tính.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn