Mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Nhiều ý kiến trái chiều

Thời sựThứ Năm, 29/10/2015 01:05:00 +07:00

Đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau vài tiếng trưng bày đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân.

(VTC News) - Đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau vài tiếng trưng bày đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân.

Sáng nay (29/10), đoàn tàu mẫu đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông chính thức trưng bày, lấy ý kiến góp của chuyên gia, nhà khoa học, người dân tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội).
Ý kiến trái chiều về màu sắc
Sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. 10h sáng nay đoàn tàu mẫu mới chính thức trưng bày nhưng ngay từ sáng sớm, nhiều người dân Hà Nội đã có mặt tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ để được “mắt thấy tai nghe” về đoàn tàu điện đầu tiên ở Hà Nội.
Chia sẻ với PV VTC News, bác Trần Văn Dần (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Qua thông tin trên báo chí tôi được biết hôm nay trưng bày đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt trên cao. Nhà tôi ở khu Hà Đông, có tuyến đường sắt này đi qua nên rất mong chờ để được tận mắt xem đoàn tàu này như thế nào”.
Đầu tàu đoàn tàu mẫu được trưng bày tại Hà Nội.
Cũng theo ông Dần, ông cũng đã từng đi tàu điện ở Singapore và cảm thấy tàu điện của nước bạn rất tuyệt vời về cả chất lượng và thẩm mỹ của đoàn tàu.

Ông Nguyễn Đăng Thanh (Bộ đội về hưu, trú tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Cảm nhận ban đầu của tôi về màu sắc và nội thất của đoàn tàu là khá tốt. Màu xanh của đoàn tàu phù hợp với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đoàn tàu lưu thông trên cao nên theo tôi màu xanh như vậy là hài hòa, hợp lý, đủ sự nổi bật”.
Ông Thanh cũng bày tỏ vui mừng khi Hà Nội lại có thêm một loại hình giao thông công cộng phục vụ người dân. Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ quan ngại về tiến độ của dự án, khi đến thời điểm hiện tại nhiều hạng mục vẫn đang còn dang dở.

Video: Người dân góp ý về đoàn tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông
Tuy nhiên, bà Bùi Huyền Nga (ở đường Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội) lại có ý kiến không đồng tình vè màu sắc hiện tại của đoàn tàu này. Bà Nga cho rằng, màu xanh của đoàn tàu hiện không đặc trưng mà quá giống với màu sắc của một hãng taxi khá nổi tiếng tại Việt Nam. 
“Theo tôi nên giảm tông màu xuống, nhạt hơn một chút thì sẽ đặc trưng hơn, nhẹ nhàng và hợp với việc lưu thông trên cao, không gian là bầu trời” bà Nga góp ý.
 Một số ý kiến cho rằng thân tàu không nổi bật khi sử dụng màu sắc như hiện tại
Đồng quan điểm với bà Nga, anh Trần Đình Hùng (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng nên giảm tông màu xanh của đoàn tàu để nhạt hơn.

“Hơn nữa, chạy dọc thân tàu được sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ cũng không nổi bật khi lưu thông trên cao, tôi kiến nghị ban quản lý dự án xem xét sử dụng một tông màu khác chạy dọc thân tàu” anh Hùng nói.
Về vấn đề màu sắc của đoàn tàu mẫu hiện tại, ông Lê Kim Thành – Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, để chọn màu cho đoàn tàu, các cơ quan chức năng đã xem xét, cân nhắc và đưa ra nhiều phương án để lựa chọn. 
Người dân đóng góp ý kiến vào mẫu phiếu của Ban quản lý dự án 
“Để chọn phương án màu xanh phối ghi như hiện nay, chúng tôi cũng đã xem xét, cân nhắc rất kỹ. Như chúng ta đã biết, Hà Nội là thành phố vì hòa bình, nên màu xanh được sử dụng là hợp lý, hơn nữa, nó cũng thể hiện sự vươn tới tương lai của thủ đô”, ông Thành trình bày.
Vị lãnh đạo này khẳng định: “Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của người dân trong thời gian trưng bày là rất quan trọng. Chúng tôi sẽ thu thập các ý kiến đó, xem xét để đưa ra sản phẩm phù hợp nhất, đáp ứng sự mong đợi của người dân”.
Người dân nói gì về nội thất?

Một số người dân cho rằng đầu tàu nên có hình dạng thon nhọn sẽ bắt mắt hơn, không nên bo tròn như hiện tại. 
Nhiều người dân sau khi tham quan, ngồi thử đã rất thiện cảm với nội thất của đoàn tàu.

“Hiện đại, sang trọng, không gian thoáng là điều đầu tiên tôi thấy khi ngồi thử trên đoàn tàu mẫu này” ông Nguyễn Kim Tẫn  ở Chương Mỹ, Hà Tây) chia sẻ.
Nhiều người dân đánh giá nội thất đoàn tàu hiện đại, màu sắc sáng, không gian khá thoáng 

Về phần nội thất, ông Tẫn cho rằng, tại các ví trí ghế ngồi nên bố trí thêm các điểm tay vịn để người già ngồi được an toàn, chắc chắn.
Ông Tẫn lấy dẫn chứng: “Khi ngồi ở hàng ghế này, người già như chúng tôi không có chỗ nào để bám vào thì khi đoàn tàu tăng hay giảm tốc độ, hoặc khi hãm phanh sẽ rất dễ bị ngã. Tôi kiến nghị nên bố trí thêm các điểm vịn tay ở vị trí ghế ngồi”.
Cũng theo ông Tẫn, người dân chỉ đóng góp những ý kiến về nội thất, màu sắc thông qua quan sát, còn về chất lượng của sản phẩm thì luôn mong muốn các đơn vị chức năng sẽ có những kiểm duyệt kỹ càng, thẩm định sản phẩm trước khi khai thác để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Các ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia, nhà khoa học...sẽ được Ban quản lý dự án đường sắt tiếp nhận để hoàn thiện đoàn tàu theo thiết kế phù hợp nhất
Các ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia, nhà khoa học...sẽ được Ban quản lý dự án đường sắt tiếp nhận để hoàn thiện đoàn tàu theo thiết kế phù hợp nhất  

Chia sẻ vởi PV, một số người dân thấy rằng các điểm bố trí tay nắm trong khoang hành khách còn khá ít, chưa đủ để phục vụ nhu cầu. Bởi, người dân đặt ra trường hợp trong giờ cao điểm, tàu điện sẽ phục vụ một lượng khách rất đông, với sộ lượng tay nắm như hiện nay có đủ cho hành khách hay không, có đảm bảo an toàn cho hành khách khi lưu thông hay không?.
"Theo như tôi quan sát thì vị trí bố trí các tay nắm như vậy nếu chúng ta đứng vào đó sẽ quá gần, thậm chí là chạm hẳn vào người đang ngồi, như thế sẽ rất bất tiện cho hành khách. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng xem xét thiết kế để khoảng cách đó phù hợp hơn", một người dân ở quận Hai Bà Trưng góp ý.
Đóng góp ý kiến về thiết kế của đoàn tàu, ông Nguyễn Đình Hải (66 tuổi) lo lắng khi lượng khách tối đa của mỗi toa tàu là 340 người, thì với các cửa lên xuống được thiết kế như hiện nay liệu có đáp ứng được áp lực hành khách đông như vậy hay không.
 Ông Nguyễn Đình Hải góp ý về thiết kế đoàn tàu với ông Lê Văn Dương - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt

“Khi hoạt động, đoàn tàu sẽ được lập trình về dừng đỗ, thời gian dừng đỗ rất chính xác. Liệu với lượng khách tối đa, mà trong giờ cao điểm tôi nghĩ con số 340 hành khách trong mỗi toa thì với các cửa lên xuống như hiện nay có đảm bảo hay không, hành khách có lên xuống kịp và an toàn hay không”, ông Hải băn khoan.
Theo hợp đồng đã ký kết với phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chi phí mua tàu là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông thẩm định.

Đoàn tàu gồm 4 toa xe, phục vụ vận chuyển hành khách trục Cát Linh - Hà Đông với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.

Chiến Linh
Bình luận
vtcnews.vn