Mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Nên có khoang riêng cho người tàn tật

Thời sựThứ Năm, 29/10/2015 04:30:00 +07:00

Đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân khi trưng bày tại triển lãm Giảng Võ.

(VTC News) - “Nên bố trí một khoang riêng từ 4 đến 6 chỗ ngồi trên mỗi toa tàu dành riêng cho người khuyết tật” một người dân góp ý.

Có mặt tại triển lãm Giảng Võ để tham quan đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Ba Đình, Hà Nội) rất vui mừng khi được tận mắt thấy đoàn tàu hiện đại, bắt mắt đã về đến đất thủ đô và sẽ phục vụ người dân trong thời gian tới.

Chia sẻ với PV VTC News, chị Hiền cho biết đã từng sử dụng tàu điện ở Nhật Bản trong một đợt đi công tác dài ngày và chị rất ấn tượng với loại hình giao thông này. 
“Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới đã phát triển loại hình tàu điện này. Cảm nhận của tôi khi đi tàu điện là rất nhanh, an toàn, sạch sẽ và chính xác thời gian đến từng phút” chị Hiền nói.
Vị trí ghế màu vàng được bố trí dành cho người tàn tật, phụ nữ mang thai... 
Nói về đoàn tàu mẫu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang trưng bày tại Triển lãm Giảng Võ, chị Hiền nhận xét: “Qua quan sát từ màu sắc đến nội thất bên trong thì tôi khá ấn tượng với đoàn tàu này. Đoàn tàu được thiết kế hiện đại, không gian thoáng, phù hợp với Việt Nam”.
“Theo như giới thiệu của Ban Quản lý dự án Đường sắt thì những vật liệu sử dụng để sản xuất tàu cũng rất đảm bảo, uy tín” chị Hiền nói thêm.
Tuy nhiên, chị Hiền cho rằng cần bố trí một khoang riêng từ 4 đến 6 ghế ngồi dành cho người khuyết tật. 
Chị Hiền lý giải: “Như tàu điện tôi từng đi ở Nhật Bản, họ bố trí một khoảng riêng ở cuối toa tàu có 4 ghế ngồi cho người tàn tật. Tôi thấy như vậy rất tiện, bởi làm như vậy thì người tàn tật sẽ biết được vị trí ưu tiên nào dành cho họ, khi lên tàu họ sẽ đi về hướng đó, không bị chen lấn, xô đẩy”.
Cũng theo chị Hiền, người tàn tật biết được khoang hành khách dành cho mình ở vị trí nào thì khi đứng đợi tàu, họ sẽ đứng sẵn ở những vị trí đó, khi đoàn tàu dừng đón trả khách, họ đi lên sẽ rất tiện, vừa nhanh lại đảm bảo an toàn cho hành khách.
“Còn như thiết kế hiện tại của đoàn tàu mẫu tuyến Cát Linh – Hà Đông thì vị trí ghế dành cho người tàn tật được xếp chung với hành khách, chỉ được đánh dấu bằng màu sơn khác (màu vàng-PV), như vậy sẽ rất khó nhận biết đối với người tần tật. Đặc biệt khi lên tàu, người tàn tật đến được vị trí ưu tiên cho mình cũng khá khó khăn, vì lượng khách đông” chị Hiền góp ý.
Video: Người dân góp ý về đoàn tàu mẫu đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Về chất lượng của đoàn tàu, cũng như nhiều người dân khác, chị Hiền cũng mong muốn các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, thẩm định sản phẩm cùng với nhà sản xuất để khi đưa vào vận hành khai thác đảm bảo an toàn, tạo lòng tin cho hành khách.
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ tư hôm nay đến 17h ngày 30/11. Người dân đến tham quan sẽ được phát phiếu đóng góp ý kiến để các cơ quan chức năng tiếp nhận.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ mua 13 đoàn tàu (52 toa xe) với kết cấu 4 toa xe/1 đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu là 79 mét.
Tốc độ tối đa của đoàn tàu đạt 80 km/h; tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h. Số lượng hành khách vận chuyển của mỗi đoàn tàu là 960 người (tối đa có thể đạt 1.326 người). Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.

Chiến Linh
Bình luận
vtcnews.vn