'Maradona Việt Nam': Hoa chân, dáng vòng kiềng

Thể thaoThứ Hai, 21/01/2013 06:35:00 +07:00

(VTC News) – Khả năng chơi bóng thiên bẩm của Ba Đẻn là một thứ “hoa chân” và nhờ đó, Ba Đẻ đã ra nhập “đoàn quân đỏ” để tạo nên những cơn lốc.

(VTC News) – Cố Đại tá Ngô Xuân Quýnh lúc sinh thời làm việc ở Ban phụ trách đội Thể Công đã gọi khả năng chơi bóng thiên bẩm của Ba Đẻn là một thứ “hoa chân” và nhờ đó, Ba Đẻ đã ra nhập “đoàn quân đỏ” để tạo nên những cơn lốc.


Tiếp tục loạt bài viết về huyền thoại Thể Công và danh thủ Ba Đẻn, chúng tôi xin trích đăng tập truyện “Ba cuộc đời một trái bóng” của Nhà thơ Anh Ngọc.
Ba Đẻn và ngày đầu ra nhập “đoàn quân đỏ”
“Tháng 2/1965 đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt, thì 8/11/1965 Ban phụ trách đội Thể Công tuyển xong lớp cầu thủ trẻ đầu tiên với những Cầu, Dũng, Thêu, Mỵ, Hải… Hai sự việc ngỡ như “ăng – ti” nhau này đã diễn ra một cách hợp lý như bao nhiêu việc làm khác đã diễn ra trên đất nước ta khiến cả bạn bè cũng phải lấy làm kinh ngạc.
Đội hình Thể Công năm 1975 

Lúc này, Thế Anh vẫn chưa có tên trong danh sách của Thể Công trẻ. Những lời giới thiệu của các bạn cùng thế hệ “sân Long Biên” và nhận xét của cán bộ theo dõi, phát hiện đã đến tai của Ban phụ trách đội.

Tuy vậy, lúc này Anh vẫn ngày ngày một buổi mài đũng quần trên ghế nhà trường – anh đang học lớp 9 Chu Văn An – và một buổi lang thang ở sân Long Biên trong cái gọi là Đội bóng đá thiếu niên Hà Nội. Phải đến mãi một ngày tháng 2/1966, bác Thìn A đến gặp Ban phụ trách đoàn Thể Công:
- Tôi có một thằng bé năm nay lên 16 tuổi – bác nói – Người thì nhỏ con nhưng nhanh và khéo lắm, đá được cả hai chân. Đội thiếu niên Hà Nội chê cháu bé, không muốn bồi dưỡng, nhưng theo mắt tôi, cháu rất có năng khiếu, nếu các đồng chí khéo dạy dỗ, tôi tin cháu đá hay. – Bác cười: biết đâu lại thành Pele Việt Nam cũng nên!
Trung tá Ngô Xuân Quýnh đã ôn lại với tôi cề những ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Thế Anh:
Cố Đại tá Ngô Xuân Quýnh 
- Chúng tôi chấp nhận lời của bác Thìn A và tiến hành kiểm tra khả năng của Ba Đẻn. Tôi còn nhớ như in buổi gặp đầu tiên của chúng tôi: Trước mắt tôi là một chú bé người gầy quắt queo, da đen nhẻm, chân thì vòng kiềng, nặng chỉ độ ngoài 40 cân. Nhưng bù vào đó, ở cậu ta có một đôi mắt sáng, một thái độ tự tin, hoạt bát khi trả lời các câu hỏi của ban kiểm tra.
Đặc biệt, khi trao cho cậu ta quả bóng, cả gương mặt cậu rạng rỡ lên, đúng như mèo thấy mỡ! Cậu chơi bóng với cả một sự khát khao không cùng như một sức mạnh bản năng toát lên từ tất cả tâm hồn. Ở cậu hoàn toàn không có sự e lệ, rụt rè thường thấy ở những đứa trẻ khi xuất hiện trước mặt người lớn, nhất là những người lớn lại đang kiểm tra mình, đang quyết định số phận của mình. 
Có thể nói, cậu bé đã lập tức quên mất cả ban kiểm tra và chỉ còn biết có trái bóng mà thôi! Cậu chơi thoải mái, làm chủ mọi động tác, không tỏ ra ngại ngần sợ hãi gì kể cả với những người đã được vào đội trước mình hằng năm.
Mặc dù động tác kỹ thuật chưa chuẩn, nhưng ở cậu bé này đã thể hiện những khả năng rất dễ nhận thấy: trước hết, đó là khả năng khắc phục quán tính, đã giúp cậu có những động tác vượt ra ngoài luật lệ bình thường, với lối chơi biến hóa; thứ hai là, mặc dù có khuyết tật ở chân, cậu ta lại có một cảm giác bóng tốt khiến cậu điều khiển quả bóng khéo léo, làm cho nó như dính chặt vào giữa đôi chân, người khác rất khó lấy.

Đây là một thứ khả năng bẩm sinh, một loại “hoa chân” tương tự như cái “hoa tay” của những người viết chữ đẹp vậy. Rất khó giải thích nhưng lại rất dễ nhận biết.
Và thế là xong, tất cả chúng tôi nhất trí nhận ngay Thế Anh vào đội Thể Công trẻ.
Tôi còn nhớ, dạo ấy trong quan điểm chọn cầu thủ Bóng đá, chúng tôi đã tranh cãi khá nhiều về hai tiêu chuẩn đôi lúc ngược nhau: chọn người có thể hình cao, to, khỏe hay chọn người có năng khiếu (dù thể hình không đẹp)? Cuối cùng, chúng tôi đã thiên về khuynh hướng sau. 
Để chứng minh cho luận điểm này, chúng tôi hay dùng hình ảnh so sánh giữa cây nhãn và cây đu đủ, một loại cây bề ngoài quắt queo nhưng chất gỗ lại cứng rắn và sức sống mãnh liệt, còn loại kia trông thì to xác nhưng ruột gan xốp xáp chẳng dùng nổi vào việc gì.

Thế Anh là một thứ cây nhãn như vậy. Anh ta dù bé hạt tiêu – dù thi đấu với bất cứ đối tượng nào, mạnh hay yếu, Tây hay Ta, “kỵ giơ” hay kỵ gì gì đi nữa… anh ta cũng không hề tỏ ra sợ sệt. Chính bản lĩnh ấy, sự tự tin hiếm có ấy đã giúp Thế Anh thi đấu rất ổn định, đầy ý chí, đối tượng càng lạ, Anh đá càng hay, Tây trắng hay Tây đen, người cáo già hay kẻ đá láo, Anh… mua hết! Chúng tôi vẫn nói đùa là Ba Đẻn không biết sợ một ai, chỉ có sợ chăng là sợ bắt “nói chuyện chính trị”.
Thể Công là luôn luôn tấn công
Tính từ lúc được nhận vào đội, đến cuối năm 1984 kết thúc giải SKDK 84, chính thức rời sân cỏ, Thế Anh đã liên tục 19 năm liền khoác áo của đội Thể Công, tiến từ quân hàm Binh nhì lên đến cấp Đại úy. 
Với rất nhiều người xem, suốt bao năm qua, tên tuổi Thế Anh gắn liền với tên tuổi của Thể Công và tên tuổi của Thể Công thì đã ăn sâu vào ký ức của mỗi chúng ta. Đến nỗi ít ai tỉ mẩn tìm hiểu xem “Thể Công” có nghĩa là gì? 
 Thể Công là tình yêu bất tận (Ảnh: Quang Minh)

Gốc từ Hán Việt này được chấp nhận không phải vì nghĩa đen (“Thể Công” = công tác thể dục thể thao; cũng như “Văn Công” = công tác văn nghệ) mà chính vì do sự gần gũi về âm thanh, nó gợi lên một đặc điểm có tính chiến đấu cao rất phù hợp với phong độ thi đấu đầy ý chí và bản lĩnh của đội này. (“Thể Công” = “Thế công”, nghĩa là luôn luôn tấn công!).
Không biết sự phân tích theo cách suy bụng ta ra bụng người thế này có được các bạn chấp nhận hay không, nhưng riêng tôi, hai tiếng Thể Công với ấn tượng trên đây đã đóng đinh vào trong tình cảm suy nghĩ của mình.
Bởi vậy, mặc dù rất xấu hổ tôi cũng không ngần ngại mà thú nhận rằng: tôi hoàn toàn không nhớ người ta đã đổi tên Thể Công thành CLB Thể dục thể thao Quân đội từ bao giờ! Tôi cứ quen miệng gọi đội bằng cái tên cũ và yên tâm là không bị một ai hiểu nhầm. Và cùng cái tên Thể Công là những cái tên: Thế Anh, Giáp Khánh, Mỵ, Cao Cường, v.v…, là tấm áo màu đỏ, là chiếc Cup vô địch, là những khán đài chật cứng người xem với những trận đấu bốc lửa… và trên hết là bộ quân phục, là bạt ngàn những người lính ở phía sau…”
Trích “Ba cuộc đời một trái bóng” của Nhà thơ Anh Ngọc
* Còn nữa…


Hà Thành 
Bình luận
vtcnews.vn