Mập mờ SGK và tham khảo: 'Năm nào cũng vậy, sao Bộ GD&ĐT không thanh tra từ sớm'

Diễn đànThứ Năm, 10/09/2020 09:22:00 +07:00
(VTC News) -

Mỗi mùa khai trường, dù Bộ GD&ĐT sát sao chỉ đạo thanh tra sách giáo khoa, nhưng tình trạng nhập nhèm vẫn tái diễn, và luôn là chủ đề nóng được dư luận quan tâm.

Trước thềm năm học mới, một phụ huynh có con vào học lớp 1 trường Tiểu học An Phong, Quận 8, TP.HCM phản ánh, nhà trường thông báo mua bộ sách giá 807.000 đồng gồm 25 cuốn sách giáo khoa, vở bài tập, sách tiếng Anh.

Sự việc tương tự cũng xảy ra ở rất nhiều trường tiểu học trên cả nước, khiến phụ huynh vô cùng bức xúc. Họ bị đẩy vào thế "không mua không được".

Ngay khi vụ việc lùm xùm trên diễn ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời yêu cầu các trường tuyệt đối không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế. Các trường phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.

Tuy nhiên theo chị Hoàng Thu Hoà (Nhân Chính, Hà Nội), phụ huynh đã mua xong sách vở cho con thì Bộ GD&ĐT mới yêu cầu thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện nhà trường sai phạm thì phụ huynh có được trả lại sách và nhận lại tiền không. 

Cho rằng Bộ GD&ĐT cần làm rõ sự nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo trước thềm năm học mới để phụ huynh nắm rõ. Việc nhà trường gom 25 đầu sách vào chung tờ thông báo giống như tung hoả mù cho phụ huynh. "Chúng tôi không thể làm nhà tiêu dùng thông thái nên không phân biệt được đâu là sách tham khảo, đâu là sách giáo khoa bắt buộc", chị Hoà bức xúc.

Mập mờ SGK và tham khảo: 'Năm nào cũng vậy, sao Bộ GD&ĐT không thanh tra từ sớm' - 1

Giáo viên lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.

Anh Hoàng Công Thái (Lý Nhân, Hà Nam) cho rằng, ngoài vi phạm của nhà trường, cần xem lại trách nhiệm của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT khi chỉ đạo chưa rõ ràng, cụ thể. Anh thắc mắc, ngoài sách giáo khoa thì sách bổ trợ và sách tham khảo giống nhau hay khác nhau?.

Nếu ngay từ đầu cơ quan chức năng phân định và giải thích rõ, sách giáo khoa bắt buộc học trên lớp, sách tham khảo là tự nguyện để học sinh học bài ở nhà thì sẽ không có tình trạng phụ huynh phải bỏ ra gần triệu đồng một bộ.

Vị phụ huynh này mong Bộ GD&ĐT xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường, trực tiếp là hiệu trưởng. Nếu cần thiết có thể đề xuất UBND tỉnh cách chức để răn đe. Bộ GD&ĐT phải mạnh tay hơn mới dẹp yên được vấn đề nhập nhèm này thay vì chỉ dừng lại ở thanh tra, kiểm tra. Bởi bao năm qua vẫn vậy.

Một phụ huynh khác thẳng thắn, nhà trường không liệt kê thì phụ huynh sẽ không thể biết để mua. Vấn đề là các trường đang ỡm ờ và đánh tráo khái niệm sách giáo khoa và sách bổ trợ. Đây mới là việc Bộ GD&ĐT nên làm rõ và đề nghị chính quyền xử lý nghiêm. Nhức nhối này năm nào cũng có, sao Bộ vẫn chậm chân chưa giải quyết triệt để.

Đầy đủ chế tài xử phạt

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định, cơ sở giáo dục nào không thông báo rõ ràng mà chỉ liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để kèm cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo thì trường đó làm sai.

Về hành lang pháp lý và chế tài xử phạt, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo về thực hiện nghiêm túc nội dung liên quan tới sách giáo khoa lớp 1.

Trong Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28 quy định rõ: "Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo".

Mập mờ SGK và tham khảo: 'Năm nào cũng vậy, sao Bộ GD&ĐT không thanh tra từ sớm' - 2

Danh mục 25 sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập lớp 1 được trường Tiểu học An Phong thông báo đến phụ huynh khi làm thủ tục nhập học.

Ngày 24/9/2018 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn tại công văn số 6176/TH ngày 19/7/2002, công văn số 7590/GDTH ngày 27/8/2004, công văn số 2372/BGDĐT- GDTrH ngày 11/4/2013 của Bộ GD&ĐT tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách giáo khoa.

Đồng thời, Bộ yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT -BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Theo đó, thông tư số 21 nêu rõ trách nhiệm từ giáo viên, tổ bộ môn và hiệu trưởng tuyệt đối không gây sức ép đến phụ huynh và học sinh trong việc mua sắm sách vở, tài liệu tham khảo.

Như vậy, việc nhà trường chưa thông tin rõ ràng khiến cho phụ huynh hiểu nhầm tài liệu tham khảo là bắt buộc là sai với quy định của Bộ.

Ông Tài cho rằng chúng ta cần nhìn nhận từ hai phía, một phần là do nhà trường chưa cung cấp đủ đẩy thông tin qua các kênh; phần khác rất mong phụ huynh có thông tin nào chưa nắm rõ nên hỏi trực tiếp trường để tăng cường sự trao đổi, tránh những sự việc hiểu lầm.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn. Các sách giáo khoa bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách tiếng Anh tự chọn.

Nhi Nhi
Bình luận
vtcnews.vn