Mập mờ sách giáo khoa và sách tham khảo, hiệu trưởng có bị cách chức?

Diễn đànChủ Nhật, 13/09/2020 11:03:00 +07:00

Nhà quản lý giáo dục ủng hộ xử lý mạnh tay để ngăn chặn tình trạng nhập nhèm trong giới thiệu sách giáo khoa, việc kỷ luật hiệu trưởng vi phạm phải theo quy định.

Trao đổi về câu chuyện nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo trong trường học, một lãnh đạo phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước trưởng phòng. Điều này được nêu rõ trong các công văn, chỉ đạo của sở, phòng.

Cách chức hiệu trưởng phải đúng quy định

Tại Phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm, trước năm học mới, trưởng phòng nhắc nhở hiệu trưởng các trường trên địa bàn về vấn đề này. “Trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu còn tùy thuộc tính chất, mức độ của vụ việc”, người này cho hay.

Chủ tịch UBND quận, huyện là người ra quyết định bổ nhiệm, cách chức hiệu trưởng. Việc cách chức, kỷ luật hiệu trưởng hay bất kỳ công chức, viên chức nào phải theo quy định. Nếu kỷ luật sai, họ có thể kiện lại.

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng việc kỷ luật hiệu trưởng vì nhập nhèm sách giáo khoa, bài tập, tham khảo phải xem xét rất kỹ. Theo bà, cách chức là hình thức kỷ luật nặng.

Mập mờ sách giáo khoa và sách tham khảo, hiệu trưởng có bị cách chức? - 1

Bộ sách cho học sinh lớp 1 gồm 30 cuốn với giá lên đến 800.000 đồng khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Ông V.H., một hiệu trưởng tiểu học ở TP.HCM, nói biết khi sai phạm xảy ra, trường cần giải trình. Cơ quan quản lý xem xét xử lý. Nếu sai phạm chưa đến mức tham ô, hiệu trưởng không bị cách chức.

Chung góc nhìn này, một trưởng phòng GD&ĐT ở TP.HCM nêu quan điểm hình thức xử lý được đưa ra dựa trên mức độ sai phạm. Nhiều yếu tố cần xem xét như hiệu trưởng có “bỏ túi” riêng không. Nếu nâng giá để kiếm chác, hình thức kỷ luật sẽ khác.

“Với trường chỉ có vài trăm học sinh, hiệu trưởng nhập nhèm sách giáo khoa, sách tham khảo chưa đến mức bị cách chức”, vị trưởng phòng nhận định.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết việc cách chức được quy định trong Quyết định 27 của Thủ tướng về ban hành Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước.

Cơ quan quản lý căn cứ đó, đối chiếu tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức xử lý để quyết định hình thức kỷ luật.

“Việc kỷ luật có tiêu chí cụ thể cho các mức phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cắt chức, thôi việc. Làm kỷ luật phải có quy trình”, ông Tân nói.

Mập mờ sách giáo khoa và sách tham khảo, hiệu trưởng có bị cách chức? - 2

Các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần quán triệt nghiêm từ đầu, xử lý mạnh tay để tránh tình trạng nhập nhèm sách giáo khoa. (Ảnh: Minh Thừa).

Nên thực hiện nghiêm từ đầu

Dù cho rằng việc cách chức hiệu trưởng có sự nhập nhèm về sách giáo khoa, sách tham khảo phải tùy thuộc mức độ vi phạm, một số nhà quản lý giáo dục thống nhất vấn đề này cần được xử lý nghiêm, tránh tình trạng phụ huynh phải chi hơn 800.000 đồng mua sách như ở trường Tiểu học An Phong (TP.HCM).

Một trưởng phòng GD&ĐT ở TP.HCM thông tin có trường học tại Hà Nội để phụ huynh mua đến 30 cuốn sách cùng 10 vở là quá nhiều. Do đó, hiệu trưởng cần bị xem xét, kỷ luật phù hợp.

Hiệu trưởng V.H. đề nghị hạ thi đua, cắt thi đua của trường, hiệu trưởng hoặc cá nhân liên quan. Trường muốn đạt thành tích cao phải phấn đấu 5 năm liên tục. Nếu bị cắt một năm, trường phải phấn đấu từ đầu. Do đó, biện pháp này có thể được sử dụng như “đòn bẩy” để ngăn chặn tình trạng nhập nhèm sách giáo khoa.

Việc kỷ luật có tiêu chí cụ thể cho các mức phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cắt chức, thôi việc. Làm kỷ luật phải có quy trình.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân

Ông Nguyễn Tân nêu quan điểm việc xử lý tình trạng này cần phù hợp, có tính răn đe, không phải dọa rồi không thực hiện. Bộ GD&ĐT cần có biện pháp chấn chỉnh. Cơ quan quản lý cấp sở, phòng phải quán triệt, cấm từ đầu. Cấp trên nghiêm khắc, cấp dưới mới thực hiện tốt.

Ông chia sẻ thêm ngay từ hội nghị triển khai hướng dẫn nhiệm vụ năm học, sở quán triệt các trường hạn chế đến mức tối thiểu số đầu sách. Việc giới thiệu sách tham khảo phải phù hợp. Học sinh lớp 1 chưa biết chữ, chủ yếu giáo viên dạy, chưa cần sách tham khảo.

Hiệu trưởng V.H. ở TP.HCM cũng cho rằng phụ huynh không nhất thiết phải mua sách bài tập, sách bổ trợ cho con. Giáo viên có thể hướng dẫn trẻ cách thay thế sách bài tập trong trường hợp không có. Nếu cần thiết, cơ quan quản lý phải chỉ đạo giáo viên thay đổi phương pháp, không lệ thuộc vào bài sách bài tập.

Tương tự, vị đại diện phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm thông tin với tình hình năm nay, phòng đề nghị các trường trên địa bàn chỉ giới thiệu tới phụ huynh những cuốn cơ bản, gần như chỉ có sách giáo khoa và sách bài tập.

Trường dùng sách nào phải đưa vào chương trình. Phòng có thể thông qua hoạt động chuyên môn, giám sát, kiểm tra đột xuất để nắm bắt thông tin.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của phụ huynh về các vấn đề trong ngành, bao gồm cả chuyện nhập nhèm sách giáo khoa, sách tham khảo.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng cũng ủng hộ việc phải làm nghiêm từ đầu. Trong các văn bản chỉ đạo, phòng GD&ĐT nêu rất rõ việc trường giới thiệu đầu sách, phụ huynh đăng ký mua trên tinh thần tự nguyện.

Sách tham khảo phải theo đúng nghĩa dùng để tự học. Trường không để xảy ra tình trạng giáo viên sử dụng sách để giảng dạy nhưng một số học sinh không có. Như vậy, phụ huynh mới có thể lựa chọn mua sách dựa trên năng lực, sở thích của con cùng điều kiện kinh tế gia đình.

Bà Hằng nói thêm danh mục sách do trường lập. Nhưng trường không thể bắt buộc phụ huynh mua. Để rạch ròi từ đầu, phía trên danh sách, trường nên in thêm dòng "mang tính tham khảo", thậm chí nhắn tin đến phụ huynh để tránh hiểu nhầm.

Phụ huynh còn lăn tăn có thể hỏi trực tiếp giáo viên về những cuốn con bắt buộc phải có và cuốn mang tính tham khảo.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn