Mảnh vỡ tên lửa đẩy Trung Quốc rơi xuống Đông Nam Á

Khám pháThứ Ba, 02/08/2022 14:01:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Space một số mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất cuối tuần trước được tìm thấy ở Indonesia.

Tầng lõi 22,5 tấn của tên lửa Long March 5B (Trường Chinh) được Trung Quốc phóng không gian trước đó rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất hôm 30/7, lao qua khí quyển trên Ấn Độ Dương. Phần lớn bộ phận này bốc cháy trong quá trình rơi, nhưng ước tính vài mảnh vỡ chiếm khoảng 20 - 40% trọng lượng tên lửa còn sót lại sau hành trình hồi quyển.

Space dẫn lại báo cáo của chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết, một số người ở Kalimantan (Indonesia) và Sarawak (Malaysia) phát hiện ra các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B trên đảo Borneo nằm rải rác ở nhiều địa điểm dọc theo đường bay của tầng lõi.

Mảnh vỡ tên lửa đẩy Trung Quốc rơi xuống Đông Nam Á - 1

Vị trí một số vật thể được cho là mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trung Quốc rơi trở lại Trái Đất hôm 30/7. (Ảnh: The Ekliptika Institute)

Theo lời các nhân chứng một số mảnh vỡ tên lửa đủ lớn để gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc thương tích nếu rơi trúng thành phố hoặc làng mạc. Cho đến nay vẫn chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản nào từ các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc.

Trước đó, một tài khoản Twitter tên Nazri Sulaiman may mắn quay lại được đoạn video dài 27 giây ghi lại cảnh giai đoạn đầu tiên của tên lửa vỡ tung trên bầu trời Kuching, Malaysia. Sulaiman và những người khác ban đầu nhầm lẫn đây là trận mưa sao băng, mãi cho đến khi các nhà thiên văn học xác định chính xác các mảnh vỡ đó là phần còn lại của một tên lửa Trung Quốc.

Trước đó, ngày 30/7, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ xác nhận tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất lúc 12h45 tối (theo giờ ET).

Còn theo Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), hầu hết các mảnh vỡ của tên lửa đã bốc cháy khi "tái nhập cảnh" tại khu vực biển Sulu giữa Philippines và Malaysia. Không giống như nhiều tên lửa hiện đại, gồm cả SpaceX Falcon 9, Trường Chinh 5B không thể kích hoạt lại động cơ của nó để hoàn thành việc tái nhập bầu khí quyển một cách có kiểm soát.

Tên lửa Trường Chinh 5B phóng vào ngày 24/7, đưa modul thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Tầng lõi của tên lửa lên tới quỹ đạo cùng với modul, sau đó quay trở lại Trái Đất bởi lực kéo khí quyển trong 6 ngày sau đó.

Mảnh vỡ tên lửa đẩy Trung Quốc rơi xuống Đông Nam Á - 2

Cấu tạo của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B. (Ảnh: BBC)

Thông thường, tầng lõi lớn thường được điều khiển để tự hủy an toàn bên trên đại dương hoặc khu vực không có người ở.

Phương pháp loại bỏ tầng lõi ở trường hợp tên lửa Trường Chinh 5B gây tranh cãi do nguy cơ gây thương tích hoặc thiệt hại sau mỗi lần phóng. Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc vấp phải chỉ trích do để tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B trở thành khối rác vũ trụ lớn trong cả 3 nhiệm vụ tính đến nay.

Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục phóng tên lửa Trường Chinh 5B ít nhất một lần nữa vào tháng 10, tên lửa này sẽ mang theo modul thứ 3 cho trạm vũ trụ Thiên Cung. Qua năm 2023, Trường Chinh 5B cũng sẽ được sử dụng để phóng kính viễn vọng không gian Tuần Thiên do Trung Quốc tự phát triển lên không gian.

Trà Khánh(Theo Space)
Bình luận
vtcnews.vn