Mánh trốn thuế của thép Trung Quốc

Kinh tếThứ Tư, 26/03/2014 07:08:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều nhà nhập khẩu đã “hô biến” thép xây dựng sang thép hợp kim để tuồn thép Trung Quốc vào VN với mức thuế được hưởng 0%.

(VTC News) - Nhiều nhà nhập khẩu đã “hô biến” thép xây dựng sang thép hợp kim để tuồn thép Trung Quốc vào VN với mức thuế được hưởng 0%.

Trà trộn để trốn thuế

Một trong những thách thức đối với thị trường trong nước là sự cạnh tranh không lành mạnh ở phân khúc thép xây dựng khi thép Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào thị trường với mức giá khá rẻ.

thép
 
Tại Hội nghị Phổ biến Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu diễn ra sáng 25/3, ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu thực trạng, năm 2013 một lượng lớn thép Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Việt Nam, chủ yếu là thép phi 6 và phi 8.


Lợi dụng việc không quy định in tên thương hiệu trên thép phi 6 và 8, thép Trung Quốc nhập về Việt Nam với chất lượng không đảm bảo đã trà trộn cùng thép nội, gây sự lẫn lộn và ảnh hưởng tới uy tín của DN sản xuất thép trong nước.

Cùng với đó thép cuộn Trung Quốc có pha thêm hợp chất Bo (thép kim B) chứa tỷ lệ 0,0008% chất Bo nhập khẩu vào Việt Nam dưới mác là thép hợp kim để được hưởng lợi thuế.

Theo ông Chu Đức Khải, bản chất của thép kim B được sản xuất trên thế giới đều là thép chất lượng và thép hợp kim dùng trong công nghiệp chế tạo máy. Thép xây dựng không chứa B vì không có tác dụng. Thêm nữa, thuế suất đánh vào 2 loại thép này hoàn toàn khác nhau.


Trong khi thép cuộn thuế nhập khẩu là 12-15% còn thép hợp kim là 0%. Một khoản thuế không nhỏ đã hụt thu bởi mánh gian lận thương mại của thép Trung Quốc.

Đồng quan điểm, ông Hồ Nghĩa Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, quản lý chất lượng thép là vấn đề nóng trong nhiều năm, đặc biệt trong thời gian gần đây khi cung cầu thị trường thép trong nước mất cân đối nghiêm trọng, mà áp lực của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải đối mặt với thép ngoại nhập, đặc biệt là thép nhập lậu từ Trung Quốc có chứa nguyên tố Bo.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2014 lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn - giảm 26,5%, thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn - giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Sản xuất thép xây dựng của các DN trong hiệp hội thép tháng 2/2014 đạt 255.057 tấn, giảm 20,29% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2013 thép xây dựng lại vẫn tăng trưởng được 4,63%.

Dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến. Tổng tiêu thụ thép đạt từ 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013.

Siết cửa nhập khẩu thép

Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ra đời là cơ sở để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với nhà sản xuất và nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất và kinh doanh thép tại thị trường trong nước một cách lành mạnh hơn.

Theo quy định của Thông tư liên tịch 44, các loại thép nhập khẩu sẽ phải lấy mẫu để kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng mới cho phép nhập khẩu. Bên cạnh đó, đối với nhà sản xuất thép trong nước cũng sẽ phải áp dụng theo hệ thống quản lý chất lượng của thông tư này

Trong Thông tư 44 quy định rõ đối tượng và điều kiện nhập khẩu thép. Theo đó, thép nhập khẩu phải được công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn hoặc công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn tương ứng bởi tổ chức chứng nhận do Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, hoặc ra văn bản xác nhận.

Trường hợp thép nhập khẩu không đáp ứng quy định, khi nhập khẩu phải lấy mẫu kiểm tra tại cảng theo quy trình được quy định tại thông tư 28/2012/TT-BKHCN do các tổ chức giám định được Bộ Công Thương chỉ định, hoặc được thừa nhận. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu là căn cứ để Hải quan làm thủ tục thông quan.

Đối với một số sản phẩm thép hợp kim phải đảm bảo điều kiện quy định trong tiêu chuẩn thép hợp kim sử dụng cho sản xuất sản phẩm nhà sản xuất đăng ký với Bộ Công Thương, và có xác nhận năng lực sản xuất của Bộ Công Thương.

Còn loại thép có quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất cho sản phẩm, hàng hóa đó thì người NK phải cung cấp thêm giấy chứng nhận liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất do tổ chức chứng nhận được Bộ Công Thương chỉ định hoặc được thừa nhận cấp.


Việc quy định buộc các doanh nghiệp sản xuất thép hợp kim phải đăng ký năng lực sản xuất tại Thông tư 44 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chống gian lận thương mại, bởi Việt Nam vẫn nhập khẩu những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được như cán tấm nóng, thép hợp kim, thép chế tạo hoặc nguyên liệu cho sản xuất như thép phế nhập tới 70-80% theo nhu cầu thị trường, nhưng có những sản phẩm trong nước dư thừa như thép xây dựng vẫn được nhập vào là rất vô lý.

Điều đáng chú ý là, những sản phẩm này chủ yếu là thép Trung Quốc đã lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh trạnh không lành mạnh với thép trong nước, trong đó lợi dụng quy định thép hợp kim được hưởng thuế suất 0% mà nhiều nhà nhập khẩu đã “hô biến” thép xây dựng sang thép hợp kim.

Tại hội nghị lần này nhiều vấn đề khác được các doanh nghiệp quan tâm, đó là thời gian được cấp giấy chứng nhận hợp quy, những trường hợp nào phải đăng ký năng lực sản xuất và đăng ký năng lực sản xuất dựa trên những tiêu chuẩn nào…

Theo VSA, hiện nay tổng công suất thép xây dựng cả nước đạt trên 11 triệu tấn nhưng tiêu thụ chỉ quanh mức 5,5 triệu tấn, đây là áp lực khiến cho áp lực cạnh tranh tiếp tục đè nặng lên vai các doanh nghiệp ngành thép. Không những phải đối mặt với việc dư thừa công suất mà các doanh nghiệp thép trong nước còn phải đối mặt với lượng lớn thép nhập khẩu.

Thanh Huyền
Bình luận
vtcnews.vn