Mang tiền đi xây biệt thự, EVN đã đúng?

Kinh tếThứ Sáu, 11/10/2013 07:16:00 +07:00

(VTC News) – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sai phạm lớn hay đúng trong việc đem tiền đi đầu tư sân tennis, biệt thự?

(VTC News) – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sai phạm lớn hay đúng trong việc đem tiền đi đầu tư sân tennis, biệt thự?

Xung quanh bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của EVN, hiện có 2 luồng ý kiến rõ rệt.

Theo đó, trả lời phỏng vấn PV VTC News, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, những kết luận của Thanh tra Chính phủ là chưa đánh giá đúng bản chất của hiện tượng.

Ông Ngãi chỉ ra rằng, đơn cử việc EVN đã đầu tư ra ngoài tới trên 121.000 tỷ đồng, song kết luận của Thanh tra đã không chỉ ra rõ là  đầu tư vào đâu, đâu tư vào cái gì, sai phạm ở đâu, nếu đầu tư ra ngoài ngành có gây thất thoát bao nhiêu cũng không nói.

điện
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, EVN phải công bố các chi phí thực sự cấu thành giá điện, để tránh gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp

Do đó, theo ông Ngãi, với kết luận của Thanh tra Chính phủ là chưa có cơ sở khoa học vì bối cảnh xảy ra sai phạm của EVN theo kết luận đã xảy ra từ trước 2011.

 

Việc xây dựng hạ tầng, nhà ở cạnh công trình là điều cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí ăn ở, di chuyển cho các chuyên gia nước ngoài, cán bộ có trình độ cao và để họ yên tâm công tác.
Ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN
 
“Khi thành lập tập đoàn, trong điều lệ hoạt động kinh doanh của tập đoàn là được kinh doanh đa mục tiêu nên việc EVN đầu tư ra ngoài ngành như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán là nằm trong điều lệ.


Còn khi có quyết định 84 của Chính phủ không cho đầu tư ngoài ngành nữa, EVN đã giao cho các công ty thành viên và bản thân tập đoàn thực hiện thoái vốn.

Thực tế, đầu tư ngoài mục tiêu của EVN chỉ chiếm 2,7%, còn đầu tư trong ngành, cho các công ty con lại mang ý nghĩa khác.

Trong 3 năm 2010, 2011, 2012 Chính phủ, Bộ Công thương cho phép thành lập 5 tổng công ty điện lực, 3 tổng công ty phát điện, 1 công ty truyền tải điện.

Thực chất công ty mẹ, công ty con đều có tính chất pháp nhân. Nhưng khi các công ty con đi vay vốn thì ngân hàng trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài lại không cho vay, người ta yêu cầu người ghi nợ phải là công ty mẹ, do đó, tuy tách ra như vậy nhưng công ty mẹ lại phải gánh nợ cho các công ty con. Chỗ này thanh tra lại không giải thích rõ”, ông Ngãi nói.


Về kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc giá điện tăng một phần do EVN đã đưa các chi phí xây dựng biệt thự, sân tenis… ông Ngãi cho rằng, đó là “việc làm cần thiết”.

“Người ta làm việc căng thẳng xong phải được nghỉ ngơi, các chuyên gia nước ngoài đâu ở nhà cấp 4 như mình được mà cần phải có biệt thự, bể bơi cho họ. Đó là nhu cầu chính đáng”, ông Ngãi nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến vấn đề gây nhiều bức xúc cho người dân này, trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ, ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN cho hay: Việc xây dựng hạ tầng, nhà ở cạnh công trình là điều cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí ăn ở, di chuyển cho các chuyên gia nước ngoài, cán bộ có trình độ cao và để họ yên tâm công tác.
EVN “biếu không” Viettel gần 10.000 tỉ đồng
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, EVN “biếu không” Viettel gần 10.000 tỷ đồng 
Còn cá nhân ông Ngãi cho rằng, trong kết luận Thanh tra Chính phủ nêu hiện tượng thì đúng nhưng bình luận hiện tượng thì không đúng bản chất sự việc.

Phản hồi lại ý kiến của EVN, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra Chính phủ nói rằng: Các kết luận thanh tra được làm kỹ lưỡng, rất tỉ mỉ có lắng nghe từ thực tiễn. Như việc xây nhà, xây biệt thự, nếu nói họ xây rồi tính hết vào giá điện thì chắc chắn chưa đầy đủ. Còn sai đúng thế nào phía Thanh tra Chính phủ sẽ có ý kiến chính thức sau khi nghiên cứu văn bản giải thích của EVN.

 

Việc EVN không công khai, minh bạch cũng như hạch toán nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện đã đẩy gánh nặng về giá điện lên vai những người dân
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
 
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, ý kiến ngược nhau là hơi khó. Chỉ có điều EVN giải thích rõ hơn việc làm của mình để  mọi người hiểu, chia sẻ.


“Nói là đúng thì không phải”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng nhìn nhận, EVN có đóng góp trong cả chặng đường dài, song “việc sai, khuyết thì phải chỉ rõ để họ chấn chỉnh. Đó là công bằng”.

Với các chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam, trong văn bản kết luận của Thanh tra Chính phủ, dù đã giải thích nhưng một số vấn đề vẫn chưa được EVN làm rõ như mua sắm xe ô tô vượt quy định, đầu tư hàng triệu USD cho đào tạo thạc sĩ nhưng bằng không được thừa nhận…

"Việc EVN không công khai, minh bạch cũng như hạch toán nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện đã đẩy gánh nặng về giá điện lên vai những người dân", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, trước đây, mỗi lần tăng giá điện, EVN lại viện dẫn hàng loạt lý do như giá than tăng, chi phí sản xuất tăng,… Đồng thời, EVN luôn khẳng định là không hạch toán các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành vào giá điện. Đặc biệt, EVN luôn cho rằng phải tăng giá điện thì mới thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào ngành điện.

"Con số trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nói điều ngược lại. Như vậy, EVN đã gian dối người dân suốt một thời gian dài. EVN cần phải giải thích về kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như công bố các chi phí thực sự cấu thành giá điện, để tránh gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp”, ông Doanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Doanh, EVN là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy chi sai một đồng cũng là có lỗi với người dân, huống hồ EVN đang sai tới hàng ngàn tỷ đồng.





Hà Loan
Bình luận
vtcnews.vn