MẠNG DI ĐỘNG KHÔNG TẦN SỐ: CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Tổng hợpThứ Tư, 04/08/2010 08:00:00 +07:00

ính tới thời điểm này Việt Nam đã có hai Mạng di động không tần số, nâng tổng số mạng di động ở Việt Nam lên con số 10...

Ngày 22/6/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp giấy phép “Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông” cho Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Như vậy, tính tới thời điểm này Việt Nam đã có hai Mạng di động không tần số, nâng tổng số mạng di động ở Việt Nam lên con số 10. Nhiều người lo ngại số nhà Mạng đã lên đến 2 con số có vẻ hơi nhiều đối với quốc gia gần 90 triệu dân, nó sẽ khiến cho “miếng bánh” di động vốn đã nhỏ nay lại càng bị cạnh tranh quyết liệt. Song, trên thực tế các nhà cung cấp Mạng di động không tần số (MVNO) lại không nghĩ vậy, dường như họ cũng có lý do của mình. Hãy cùng pv Tạp chí THS trải nghiệm đôi chút với MVNO.

 

 

“Tất cả” trong “một”

Hà liếc thoáng qua đồng hồ đeo tay: đã 12h. Giữa trưa mùa hè nhưng nơi cô đang đứng lại không có một chút nắng, chỉ toàn những tán rừng nguyên sinh xanh xẫm bí hiểm.

24 tuổi, Hà là một người đam mê nghiệp viết lách. Cô trẻ trung, thông minh, sắc sảo và đặc biệt thích những chuyến “phượt” đơn thương độc mã. Nửa đêm hôm qua, Hà lọ mọ khăn gói ra bến xe Mỹ Đình thực hiện chuyến “phượt” Tây Bắc mà từ lâu cô luôn ấp ủ. Xe đi được khoảng 4 tiếng, Hà quyết định tách đoàn chọn cung đường mới, không đi đường quốc lộ mà một mình đi đường vòng trong rừng.

Đêm trước trời mưa, đoạn đường tối om và trơn trượt. Có đoạn chỉ rộng 1m trong khi ngay bên cạnh là vực sâu hun hút. Hà vừa níu những thân cây cho khỏi trơn trượt vừa lần mò dọ dẫm bước đi. Lòng vòng suốt gần 6 tiếng đồng hồ cô cảm thấy con đường mòn mình đi đang dần mất dấu, những tán cây trở nên rậm rạp hơn. Lần tay vào túi quần, Hà toát mồ hôi hột khi thấy túi phẳng lì, chiếc la bàn cô mang theo đã rơi mất từ lúc nào không hay. Cô ngẩng lên tìm hướng mặt trời nhưng những tán cây rậm rạp khiến cô lắc đầu thất vọng. Mồ hôi ướt đầm lưng áo cô gái trẻ… Đặt chiếc ba lô xuống nền đất ẩm ướt, Hà cẩn thận lấy ra vật cứu tinh cuối cùng của mình.

Trước đây, mẹ Hà luôn phản đối như kiến lửa phải vôi mỗi lần con gái ngỏ ý đi “phượt”. Bà không thể chịu đựng cảnh mấy ngày trời không thể liên lạc được với cô, không biết cô đang đi đâu, làm gì… Nhưng từ ngày Hà đăng kí sử dụng dịch vụ của một nhà mạng di động không tần số với những ứng dụng đặc biệt mẹ Hà mới có vẻ xuôi xuôi. Bấm nhẹ những ngón tay trên bàn phím điện thoại, Hà truy nhập vào dịch vụ dò tìm đường. Không cần biết khu vực này có bao nhiêu nhà cung cấp dịch vụ di động được phủ sóng, nhà mạng di động không tần số sẽ tự động thực hiện việc “roaming” nội vùng giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động khác nhau để tìm ra được nhà cung cấp di động có phủ sóng ở khu vực này và cung cấp dịch vụ mà Hà yêu cầu. Bản đồ chỉ đường từ từ hiện ra cho biết chính xác Hà đang đứng ở vị trí nào và phải đi theo hướng nào để có thể tìm được đường ra. Cô gái trẻ thở hắt ra nhẹ nhõm. Đúng lúc đó điện thoại của Hà đổ chuông. Hà nhanh chóng báo cáo lại cho mẹ mình nơi cô đang đi và lịch trình sắp tới của cô để bà yên tâm. Khả năng “roaming” nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động của mạng di động không tần số chính là cứu tinh của cô trong những lần đi “phượt”, nó giúp cô luôn duy trì trạng thái “online” mọi lúc, mọi nơi với thế giới xung quanh.

Chặng đường vẫn còn khá dài, Hà truy cập vào dịch vụ nghe nhạc theo yêu cầu để nghe những ca khúc mình yêu thích nhất. Mấy tiếng nữa, khi thoát khỏi quãng đường rừng này và yên ấm trong một căn nhà của người dân bản địa nào đó cô sẽ lại dùng chiếc điện thoại nhỏ này để nghe thời sự, xem bản tin thời tiết khu vực này ngày mai, và tất nhiên cả kết quả các trận bóng đá ngày hôm nay nữa… Bất cứ một dịch vụ nào mà Hà yêu cầu, nhà cung cấp mạng di động không tần số sẽ đáp ứng cho cô một cách tận tình và chính xác.

Với việc sử dụng dịch vụ của một nhà mạng di động không tần số, Hà đã có “tất cả” chỉ trong “một” chiếc di động nhỏ của mình…

 

Mạng di động không tần số là gì?

 

Trên thực tế, mạng di động không tần số (MVNO) hoạt động tương tự như những nhà mạng di động có sở hữu tần số Mobile Network Operator (MNO) khác. Đặc điểm nổi bật của MVNO là thuê lại tần số, cơ sở hạ tầng mạng vô tuyến của các MNO để thiết lập mạng di động không tần số của họ.

Mạng di động không tần số có tương đối đầy đủ các chức năng với mạng mobile thực sự. Các MVNO cũng được phép xây dựng mạng lõi, phát hành SIM, xây dựng hệ thống tính cước, quản lý khách hàng và xây dựng dịch vụ giá trị gia tăng bằng thương hiệu của mình…. nhưng sử dụng lại cơ sở hạ tầng lớp truy nhập vô tuyến mà các MNO có sẵn. Nói một cách nôm na, các MVNO không có hạ tầng mạng vô tuyến sẽ mua sỉ dung lượng của MNO và sau đó bán lẻ cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các MVNO có thể cung cấp và cho thuê lại những dịch vụ của họ cho các nhà kinh doanh khác hoặc bán lại dịch vụ cho những MNO khác.

Mỗi MNO chỉ phủ sóng ở một khu vực địa lý nhất định. Một MVNO “hoàn hảo” sẽ đàm phán để có thể “roaming” được tần số của rất nhiều các MNO khác và tạo ra một độ phủ sóng vô cùng rộng lớn, tạo thành một dịch vụ trọn gói “tất cả trong một”, tương thích được với tất cả những người sử dụng di động. Người dùng không cần quan tâm trên thị trường hiện nay có bao nhiêu nhà cung cấp dịch vụ di động? Mỗi dịch vụ di động phủ sóng ở khu vực nào? Các dịch vụ của các nhà mạng đó có tương thích được với nhau để có một dịch vụ thống nhất hay không?... vì MVNO sẽ thực hiện nhiệm vụ “vo tròn” lại tất cả dịch vụ của các nhà mạng di động đó. Trong trường hợp, có những dịch vụ mà các nhà mạng không thể “vo tròn” lại với nhau được thì chính MVNO sẽ là người tự tạo ra những nội dung mới để cung cấp cho người sử dụng.

Sự xuất hiện của MVNO thường trên nền tảng của MNO (đơn vị mà họ dùng chung và chia sẻ cơ sở hạ tầng mạng) nên muốn phát triển, các MVNO thường phải cung cấp các dịch vụ rất khác biệt để thu hút khách hàng và tránh đối đầu trực tiếp với các MNO.

 

 

Triển khai MVNO ở Việt Nam – một thực tế tất yếu

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã khẳng định: “MVNO là một mô hình mới và cũng là bước thử nghiệm về chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực Viễn thông di động. Tất cả các doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các yêu cầu, Bộ sẽ tiến hành cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động”. Điều này cho thấy, phát triển các MVNO đang nhận được sự quan tâm và hậu thuẫn đặc biệt của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tất nhiên, có rất nhiều lý do để MVNO được lựa chọn là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển lĩnh vực Viễn thông di động của Việt Nam.

Hiện nay, Bộ đang khuyến khích việc sử dụng chung hạ tầng. Giống như việc cột điện cho nhiều nhà cung cấp cùng mắc dây điện, giờ đây một tần số di động sẽ có nhiều nhà cung cấp khai thác cùng một lúc. Như thế sẽ tránh lãng phí tần số bởi đây là một nguồn tài nguyên hữu hạn.

Ở những nước có nền viễn thông di động phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… số lượng MNO thường dừng lại ở con số 3. Còn ở Việt Nam, tính đến giữa năm 2009, thị trường di động có cả thảy 7 nhà cung cấp. Chỉ riêng 3 mạng lớn như MobiFone, Viettel, Vinaphone đã có tới 26.000 trạm BTS trên toàn quốc – một con số đáng kể ngay cả đối với những mạng viễn thông lớn trên thế giới. Mức phát triển “nóng” của viễn thông trong thời gian qua đã khiến các nhà mạng phải chạy đua vùng phủ sóng của mình, số lượng trạm BTS cũng theo đó mà tăng lên theo cấp số nhân và việc này dẫn tới hệ quả: dải tần 2G và tài nguyên kho số cho dịch vụ thoại thông dụng bị cạn kiệt, cảnh quan môi trường cũng bị ảnh hưởng…. Trong điều kiện này, sử dụng chung tần số được coi là một giải pháp tối ưu.

Bên cạnh đó, theo liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Mạng di động không tần số sẽ giúp khai thác tối đa cơ sở hạ tầng mạng sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông. Nhờ đó, các nhà cung cấp sẽ không phải đầu tư quá nhiều vốn nhưng vẫn có thể khai thác được những mảng thị trường còn trống mà các mạng di động có đầy đủ tần số chưa quan tâm. Đối với các mạng di động có đủ tần số, họ có thêm một đại lý lớn giúp bán lại dịch vụ. Việc bán lại dịch vụ sẽ được thực hiện trên cơ sở lợi ích của các bên giống như việc bán buôn trên các thị trường khác.

Hiện nay, thị trường thông tin di động Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn cạnh tranh giữa các MNO nhằm thu hút thuê bao, giành lấy thị phần. Ngoài thoại và SMS thì các dịch vụ giá trị gia tăng chưa thực sự gây được ấn tượng. Khi phát triển MVNO, các nhà cung cấp dịch vụ di động có đầy đủ tần số như Viettel, MobiFone, Vinaphone… tập trung phát triển hạ tầng sẽ có những khâu phân phối bán hàng có thể bán lại cho các doanh nghiệp khác có kinh nghiệm bán hàng tốt hơn, chi phí rẻ hơn các doanh nghiệp đã được cấp phép giống như trên thị trường vẫn tồn tại hình thức bán buôn và bán lẻ dịch vụ. Các MVNO cũng không vướng bận vào chuyện xây dựng mạng lưới mà sẽ chuyên tâm toàn bộ vào phát triển và cung cấp các gói dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, đem lại cho họ những lợi ích đáng kể.

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại Anh với sự kiện ra mắt Virgin Mobile. Sau 10 năm, MVNO đã phát triển vượt bậc, phổ biến với hơn 400 nhà cung cấp hoạt động trên toàn thế giới. Thậm chí, ở một số quốc gia phát triển, số lượng MVNO còn “áp đảo” so với MNO. Những quốc gia có nhiều MNO nhất là Mỹ (60 MVNO/13 MNO), Hà Lan (39 MVNO/ 7 MNO), Đức (29 MVNO/ 4MNO)…

Thực trạng nền Viễn thông di động cộng với những lợi ích mà MVNO mang lại cho thấy một điều: thúc đẩy triển khai MVNO ở Việt Nam là một điều tất yếu. Tuy nhiên, để MVNO trở thành sự thật trên dải đất hình chữ S vẫn phải vượt qua rất nhiều những thách thức lớn.

 

Khe cửa hẹp cho MVNO Việt Nam?

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, đây là thời điểm không dễ dàng gì cho các nhà cung cấp Mạng di động không tần số. Đơn giản bởi MVNO hoàn toàn không phải là một “miếng bánh ngọt”.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam có sự tăng trưởng nóng về số lượng các thuê bao. Năm 2010, Việt Nam có xấp xỉ 100 triệu thuê bao di động. “Mảnh đất” đi động đang dần thu hẹp lại. Điều này dẫn tới các MNO đang không đủ tần số để phục vụ cho chính nhu cầu của họ. Việc cho thuê lại hay chia sẻ cơ sở hạ tầng mạng cho một đơn vị khác để làm MVNO là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, thị trường di động Việt Nam đang ở giữa cuộc chiến về giá cước với các chiêu khuyến mãi, giảm cước liên tục… dẫn đến hệ quả giá cước về sát với giá thành. Thực tế này đã đẩy các MVNO vào thế khó, bởi lẽ việc đàm phán với các mạng di động có hạ tầng sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc cơ sở lợi ích của các bên. Các mạng di động có hạ tầng sẽ luôn ở thế “cửa trên” và họ cũng không thể bán buôn lưu lượng cho mạng di động không tần số dưới giá thành. Doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (APRU) của Việt Nam hiện xuống khá thấp, chỉ từ 3-4 USD. Giới chuyên môn cho rằng, mô hình MVNO chỉ thành công ở những thị trường có APRU cao như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Những thị trường có APRU thấp sẽ rất khó để Mạng di động không tần số có thể “ký sinh” thành công.

Một khó khăn nữa đối với các MVNO ở Việt Nam là hiện nay các nhà Mạng di động không tần số chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ trên nền 3G – đồng nghĩa với việc họ có một phân khúc thị trường rất… nhỏ hẹp. Việc thu hút các thuê bao mới ngày càng khó khăn và thị trường đang tiến dần tới ngưỡng bão hòa. Các mạng di động lớn cho rằng những khách hàng còn lại phần đông là những khách hàng có thu nhập thấp, mà với họ 3G là một thứ xa xỉ.

Hơn nữa, các chuyên gia đã tính toán rằng, nếu không phải đầu tư mạng vô tuyến, các MVNO sẽ tiết kiệm được khoảng 90% chi phí. Thế nhưng, để có thể vận hành được mạng không tần số, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đến vài chục triệu USD cho hệ thống mạng lõi và hệ thống bán hàng. Nếu MVNO không tính toán tốt sẽ khó có khả năng thu hồi vốn.

Trong khi đó, bản thân các mạng di động có hạ tầng cũng chưa biết phải chia sẻ hạ tầng như thế nào đối với Mạng di động không tần số. Mô hình bán lại dịch vụ quá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam và hầu như các mạng di động đều khá mơ hồ về việc hợp tác này. Mọi thứ đều chỉ mới bắt đầu mang tính thử nghiệm và có quá nhiều thách thức phải vượt qua cho các MVNO Việt Nam.

 

 

VTC – bài toán kinh doanh năng động?

Tháng 8/2009, Bộ thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xây dựng mạng di động không tần số đầu tiên ở Việt Nam cho Đông Dương Telecom. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ chính thức ra mắt dịch vụ MVNO trên thị trường vào đầu năm 2010. Nhưng tới thời điểm này, Đông Dương Telecom vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Ngày 22/6/2010, VTC trở thành doanh nghiệp thứ hai được cấp giấy phép thành lập Mạng di động không tần số. Nhìn vào vết xe đổ của Đông Dương Telecom không ít người hoài nghi đặt dấu chấm hỏi cho VTC. Tuy nhiên, với những gì đang thể hiện VTC đã chứng tỏ được năng lực dựa trên những thế mạnh của mình trên thị trường viễn thông di động.

Dịch vụ thông tin di động mà VTC cung cấp sẽ dựa trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Việc hợp tác giữa EVN Telecom và VTC được Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như giới chuyên môn đánh giá cao, bởi lẽ EVN Telecom là một đơn vị số 1 về hạ tầng mạng còn VTC là đơn vị hàng đầu về công nghệ nội dung và dịch vụ. Đây là một bước đi giúp VTC giải quyết cơ bản bài toán về mặt tần số và cơ sở hạ tầng trong việc thiết lập MVNO. Lãnh đạo của VTC cho biết, trong thời gian tới đơn vị này sẽ đàm phán với các mạng di động khác về vấn đề roaming, giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ở cả những nơi mà mạng 3G của EVN Telecom chưa phủ sóng.

Ông Chu Tiến Đạt, Phó giám đốc VTC Digicom khẳng định, VTC sẽ cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tận dụng công nghệ 3G, mang lại những giá trị mới cho người dùng: “3G chưa thành công ở Việt Nam chủ yếu là do chưa có những ứng dụng phù hợp với yêu cầu xã hội. Với VTC, 3G là công cụ chứ không phải đích đến”. Việc phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền 3G cũng chính là cách để VTC mở rộng thị trường thay vì coi đó là “một khe cửa hẹp” như nhiều nhà phân tích đưa ra.

Theo ông Đạt, một trong những nguyên nhân khiến APRU của Việt Nam thấp là do hiện nay các nhà mạng di động mới chỉ triển khai các dịch vụ chính là thoại và tin nhắn. Tỷ trọng doanh thu của các dịch vụ giá trị gia tăng trên các dịch vụ truyền thống mới ở mức 2%, trong khi tỷ suất lợi nhuận của mảng dịch vụ này rất lớn. Nếu tăng tỷ trọng các dịch vụ giá trị gia tăng lên 20% thôi thì chắc chắn APRU của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể. Và khi đó, “miếng bánh” di động sẽ trở nên to hơn. “Hiện thuê bao 3G ở Việt Nam chủ yếu chỉ dùng các dịch vụ cơ bản và truy cập internet. Đó chưa phải là sự khác biệt của 3G. Ở các nhà mạng 3G lớn trên thế giới, doanh thu từ các dịch vụ gia tăng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các dịch vụ cơ bản”.

Trên thực tế, VTC là nhà cung cấp nội dung có thị phần lớn trên mạng di động từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh viễn thông có sự cạnh tranh dữ dội, VTC đã tự hoạch định cho mình một chiến lược riêng. Các dịch vụ gia tăng trên nền mạng 3G sẽ là phân khúc thị trường mà doanh nghiệp này hướng tới thay vì các dịch vụ thoại, SMS… mà các nhà mạng khác đang nắm ưu thế. VTC chính là doanh nghiệp có trong tay dịch vụ truyền hình, dịch vụ nội dung số, dịch vụ viễn thông – đều sẵn có và là đích đến về các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền 3G, vì thế đơn vị này tỏ ra khá thông minh và khôn khéo khi hướng tới đối tượng khách hàng mà họ có điểm mạnh, có lợi thế.

“Trước đây, khi Viettel ra đời, người dùng đã rất cảm ơn họ bởi nhờ Viettel mà giá cước di động giảm xuống. Chúng tôi cũng hi vọng với sự nỗ lực của VTC, người dùng sẽ được hưởng tất cả những tiện ích của 3G với giá thành hợp lý hơn. VTC đang cố gắng để biến 3G trở thành bình dân”, ông Đạt nhấn mạnh.

Đại diện VTC cũng cho biết nhà mạng này sẽ cung cấp các dịch vụ di động khác biệt và không cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng khác. Mục tiêu của VTC là biến chiếc điện thoại di động của khách hàng thành một vật “bất ly thân”, khách hàng có thể sử dụng nó như một công cụ thông tin, công cụ giải trí và một chiếc ví điện tử.

Nhà mạng này phấn đấu sẽ có được 1 triệu thuê bao trong vòng 3 năm và trên 20% doanh thu sẽ từ các dịch vụ giá trị gia tăng 3G. Thừa nhận là một mục tiêu thách thức, nhưng VTC hy vọng với việc đặt chất lượng, số lượng dịch vụ lên hàng đầu họ sẽ lôi kéo được nhiều khách hàng.

Với những lợi thế và những gì VTC đang thể hiện, thị trường viễn thông Việt Nam đang chính thức bước vào một cuộc chơi mới, lấy người dùng làm trung tâm, đem lại cho người sử dụng có thêm nhiều tiện ích với nội dung phong phú trên hệ thống hạ tầng băng rộng với giá cả cạnh tranh. Và khi đó, “miếng bánh” di động sẽ thực sự trở nên… to hơn?


 

  


 

 

 

 

 

    

   

 

 

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn