Máng ăn tự động cho heo – ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của sinh viên Đà Nẵng

Sản phẩmThứ Ba, 20/06/2017 16:44:00 +07:00

“Máng ăn cho heo tự động” là tên sản phẩm của bạn Phạm Minh Công – sinh viên Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, đã giành giải Ba của cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc 2017” diễn ra tại Hà Nội.

anh4

 Bạn Phạm Minh Công và chiếc máng cho heo ăn tự động của mình

Không chỉ vậy, sản phẩm này còn giành về cho mình vô số giải thưởng khác trước đó: lọt top 20 Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” do BSA phối hợp với hội Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao tổ chức; lọt vào top 30 dự án xuất sắc tham dự cuộc thi “TECHFEST 2016” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức; lọt top 100 dự án khởi nghiệp tiêu biểu của cả nước do chương trình truyền hình thực tế  “Shark Tank Việt Nam” lựa chọn; tham gia “Ngày Hội Khởi Nghiệp - Startup Day 2016”,..

Sản phẩm “Máng ăn cho heo tự động” đặc biệt bao gồm phần cơ khí và bộ điều khiển tự động. Trong đó, phần cơ khí là chiếc máng cho heo ăn và bồn chứa thức ăn, bộ điều khiển tự động gồm màn hình LCD có giao diện đơn giản cùng bộ bàn phím để người nông dân dễ dàng nhập 4 thông số: số bữa ăn, số lượng thức ăn, thời gian ăn đầu tiên và thời gian ăn cách nhau.

Bạn Phạm Minh Công chia sẻ: “Điểm khác biệt của chiếc máng ăn tự động so với những sản phẩm khác đã có trên thị trường là máy có bộ điều khiển hẹn giờ và khối lượng thức ăn nên đỡ hao phí khi để sẵn thức ăn, heo ưng ăn giờ nào thì ăn.”

Chiếc máng còn có thể cung cấp thức ăn đủ khối lượng cần thiết và đúng thời điểm, được điều khiển hoàn toàn tự động nên dễ dàng sử dụng và quản lý mà không cần người chăm sóc. Từ đó, người chăn nuôi có thể tiết kiệm được 10% lượng thức ăn hao phí (so với máng heo thông thường), giảm thiểu nhân công và theo dõi được chính xác lộ trình dinh dưỡng của heo để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ xuất chuồng.

anh5

 Chiếc máng được đưa vào chạy thử nghiệm thực tế tại Quảng Nam

Đối với những trang trại chăn nuôi lớn, sản phẩm sẽ được nâng cấp với phiên bản cao hơn và thực hiện hoàn toàn trên máy tính chủ. Từ đó, tất cả các bộ điều khiển của những máng heo tự động sẽ được kết nối Wi-Fi hoặc Internet để truyền về máy chủ. Nhờ vậy, việc quản lý số lượng lớn đàn heo cũng trở nên dễ dàng hơn và người nông dân không cần phải trực tiếp đến từng chuồng trại để kiểm tra, theo dõi.

Được biết, Minh Công đã cùng các bạn trong nhóm đã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thiết bị tự động SE và đưa sản phẩm này vào chạy thử nghiệm ở các trang trại của xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, sau đó tiếp tục nghiên cứu cải tiến trước khi đưa ra thị trường.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn