Manchester United: Thành tích kém cỏi thì tiền nhiều để làm gì?

Thể thaoThứ Hai, 27/05/2019 09:15:00 +07:00

Bên trong lớp vỏ hào nhoáng, Manchester United của Ole Gunnar Solskjaer hiện tại như một vương triều vụn vỡ và lạc lõng trong cõi u mê.

Năm 2003, Real Madrid bán tiền vệ phòng ngự Claude Makelele cho Chelsea. Ở sân Santiago Bernabeu, Makelele chưa bao giờ được đánh giá đúng khả năng. Cầu thủ người Pháp bị Chủ tịch Florentino Perez nhận định "hiếm khi chuyền quả bóng đi quá 3 mét". Ngày Makelele rời Real, Zinedine Zidane chua chát nói: "Dát vàng cho chiếc Bentley làm gì khi nó đã mất đi động cơ".

Manchester United không có đội hình toàn sao như "dải ngân hà" lừng danh của Real Madrid, nhưng ở thành phố công nghiệp nước Anh, một người đàn ông vẫn đang cặm cụi dát vàng cho chiếc Bentley của mình. Vỏ xe hào nhoáng, song động cơ bên trong đã không còn gì.

Người đàn ông đó tên là Ed Woodward. 

MU-Barca1 4

MU (áo đỏ) chỉ còn vỏ bọc hào nhoáng. 

MU vừa lập kỷ lục bán vé cả mùa 2019/2020. 52.000 tấm vé "bay hơi" trong nháy mắt, đấy là chưa kể 75.000 cổ động viên vẫn ở trong "hàng chờ". Ở Ngoại Hạng Anh, MU vẫn là thương hiệu lớn nhất, kiếm tiền giỏi nhất.

Trên bảng xếp hạng giá trị thương mại toàn cầu, MU mất ngôi đầu về tay Real, nhưng tựu trung lại, thương hiệu của Quỷ đỏ vẫn rất đáng nể, với hơn 50 nhà tài trợ và đối tác kinh doanh - con số còn tăng trong mùa hè này.

Chủ tịch Ed Woodward sẽ xoa tay hài lòng. Dưới thời cựu nhân viên cao cấp của hãng tài chính lừng danh JP Morgan, thương hiệu MU không ngừng "hái ra tiền". Trên khía cạnh thương trường, các CLB khác phải nể trọng MU một bậc. Lộ trình phát triển của Ed Woodward cùng gia đình Glazer đặt ra chắc chắn giúp đội chủ sân Old Trafford khuếch trương thương hiệu trong ít nhất 5 năm tới.

Pogba 6

Thương hiệu MU được đẩy mạnh nhờ những cái tên lớn. 

Tuy nhiên, giàu có là một chuyện. Tiền nhiều để làm gì, khi 6 năm sau thời Sir Alex Ferguson, MU có tới 3 lần mất vé đi Champions League, danh hiệu lớn nhất chỉ là Europa League. Ở Ngoại hạng Anh, Quỷ đỏ không lên ngôi thêm lần nào. Mùa giải này, MU kém đương kim vô địch Manchester City 32 điểm - đối thủ mà Sir Alex gọi là "gã hàng xóm ồn ào". Đó là câu hỏi không dễ trả lời. 

Jose Mourinho từng chửi thề ngay sau cuộc gọi với Ed Woodward ở mùa hè năm 2018 sau khi Phó Chủ tịch MU từ chối lời đề nghị tăng cường lực lượng. Mourinho nhìn thấy lỗ hổng ở hàng phòng ngự khi Smalling, Jones chưa bao giờ đáng tin cậy, Lindelof bất ổn, Bailly chấn thương liên miên còn Rojo đã mất chỗ đứng từ lâu. Ed Woodward nói "không", bởi đấy chẳng phải mối bận tâm của ông.

Thương hiệu MU được xây dựng trên những bản hợp đồng như Paul Pogba hay Alexis Sanchez. Với Sanchez, đó là kỷ lục về số lượng chia sẻ sau khi video ra mắt của tiền đạo Chile được đăng tải trên mạng xã hội. Với Pogba, đó là con số ấn tượng về lượng áo đấu bán ra cộng với sức hút của cầu thủ này với giới hâm mộ.

Số cầu thủ nổi tiếng cùng danh tiếng có sẵn từ thời Sir Alex khiến MU vẫn được chú ý dù thua tan nát trên mọi đấu trường. Dẫu vậy, Quỷ đỏ không thể "ăn xổi" trên vinh quang xưa cũ được mãi. 20 năm sau màn ngược dòng thần kỳ ở chung kết Champions League 1998/1999, "phép màu Munich" vẫn được CĐV MU nhắc đi nhắc lại. Hoài niệm quá khứ là dấu hiệu của sự bất mãn thực tại.

Một thực tại mà nếu không nhắc những câu chuyện xưa cũ, MU dường như... chẳng có nhiều điều để nói. Mất vé đi Champions League, không lẽ lại kể lể về giá trị thương hiệu cao nhất nước Anh?

solskjaer-1

Mourinho nói Solskjaer chỉ là "con rối" ở Old Trafford. 

Cách MU xây dựng và bảo vệ thương hiệu một cách bất chấp được minh chứng trong cách đội bóng này nỗ lực giữ chân Pogba. 3 năm qua, chưa bao giờ tiền vệ người Pháp thể hiện mình xứng đáng với mức giá 89 triệu bảng. Pogba thi đấu thất thường, kiến tạo ít, ghi bàn ít, tạo cơ hội hạn chế, là mầm hoạ trong phòng thay đồ.

Pogba được chú ý nhất vì những trò lố hơn là phong độ, và nếu cầu thủ này được cho là hay nhất MU, cũng chỉ bởi phần còn lại của đội bóng quá tầm thường. 

Một cầu thủ coi mình hơn tập thể như thế sẽ bị Sir Alex Ferguson đẩy đi không thương tiếc. Roy Keane, Ruud van Nistelrooy, David Beckham từng cúi đầu rời Old Trafford chỉ vì lỗi thái độ. Thế nhưng, MU không thể đẩy Pogba đi. Từ Mourinho đến Solskjaer, tất thảy đều phải chiều chuộng ngôi sao người Pháp, chỉ vì cầu thủ này là thương hiệu lớn.

Ed Woodward ra mức giá "trên trời" cho Pogba bởi tin rằng MU vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của tiền vệ số 6. Quỷ đỏ hoài niệm về những vinh quang quá khứ bằng những quyết định không hề liên quan đến những thứ xưa cũ.

Nếu Sir Alex còn ở Old Trafford, Pogba có dám thái độ thế này? 

David Moyes mất việc ngay mùa đầu tiên khi chưa đủ thời gian thiết lập dấu ấn. Louis van Gaal cũng không có nhiều hơn 2 mùa giải để xây dựng nền tảng. Mourinho đã được kiên nhẫn hơn, nhưng ông chưa bao giờ có đủ nhân sự để tạo dựng đội bóng của riêng mình. Solskjaer được bổ nhiệm vội vàng, và kết quả của bản hợp đồng 3 năm là chuỗi trận tệ hại cuối mùa giải.

Nếu Solskjaer thất bại, cũng chẳng ai trách cứ được ông. 4 người tiền nhiệm với danh tiếng và kinh nghiệm hơn thế nhiều lần còn cúi đầu ra đi, không dễ để ông thầy người Na Uy phục dựng được vương triều cũ nát. Một vương triều chỉ còn xuất hiện ở... bảng xếp hạng thương hiệu, vốn không phải điều CĐV quá quan tâm.

Khi giá trị cốt lõi nhất bị gạt bỏ để nhường chỗ cho những thứ hào nhoáng, tương lai MU có lẽ cũng sẽ như những kiểu tóc thay đổi hàng tuần của Pogba. Bắt mắt và hợp gu đấy, song cũng chỉ để... ngắm mà thôi.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn