Manchester City sang Việt Nam: Kiếm tiền kiểu đại gia, đừng mơ làm từ thiện

Thể thaoThứ Ba, 21/07/2015 06:10:00 +07:00

Sau khi đạt được những chiến quả trên mặt trận chuyên môn, Manchester City đã sẵn sàng thách thức thương hiệu Manchester United trên toàn cầu.

(VTC News)- Sau khi đạt được những chiến quả trên mặt trận chuyên môn, Manchester City đã sẵn sàng thách thức thương hiệu Manchester United trên toàn cầu.

* Lời tòa soạn:
Khi được biết Manchester City đang lên kế hoạch đầu tư vào bóng đá Ấn Độ, bầu Hiển đã khá ngạc nhiên và đặt câu hỏi: "Tại sao không phải là Việt Nam? Người hâm mộ, tình yêu bóng đá ở Việt Nam rõ ràng hơn hẳn Ấn Độ. Chẳng lẽ Manchester City không nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam?".

Đại diện Manchester City chỉ cười ý nhị, rồi họ nói cho bầu Hiển biết về những tính toán chiến lược của đội bóng nước Anh. Tới lúc đó, bầu Hiển mới quyết định sẽ cố gắng hết sức mình để bóng đá Việt Nam có thể đến gần hơn với kế hoạch cực kỳ tham vọng mà Manchester City vạch ra. Chuyến du đấu ngày 27/7 sắp tới của thầy trò Pellegrini chỉ là một phần nhỏ tham vọng của những ông chủ Ả Rập.

Để cung cấp cho độc giả cái nhìn đa chiều hơn về chuyến du đấu gây chú ý của Manchester City, VTC News xin trân trọng khởi đăng loạt bài: "Manchester City- Tham vọng phủ bóng đại gia khắp thế giới"

Manchester City vô địch
 Manchester City vô địch Ngoại hạng Anh
Kỳ 1: Manchester City không làm từ thiện, họ kiếm tiền theo kiểu đại gia

Thực tế cho thấy, dù đã từng vượt qua nhiều đại gia ở Premier League và cả đối thủ cùng thành phố Manchester United trên sân cỏ, Manchester City chưa bao giờ chịu dừng lại.

Đội chủ sân Etihad muốn bước lên vị trí số một về mặt tài chính bằng cách biến mình thành một doanh nghiệp thể thao toàn cầu siêu lợi nhuận.

Năm 2012, một cuộc khảo sát các CLB Premier League của Telegraph Sport cho thấy từ năm 2008 đến 2011, Manchester City đã bỏ ra đến 930 triệu bảng để thay đổi hoàn toàn thương hiệu của họ.

Kể từ đó, con số này ngày một tăng cao, song song với đó là số lượng các cầu thủ đẳng cấp gia nhập Man City ngày càng nhiều để rồi CLB này lên ngôi vô địch Premier League vào các năm 2012 và 2014.
Sheikh Mansour Bin Zayed Al Nahyan, ông chủ quyền lực và vô cùng giàu có của Man City
Dẫu vậy, đó chưa phải là điều ấn tượng nhất. Giai đoạn tiếp theo trong dự án đầy tham vọng của Man City thậm chí còn hứa hẹn nhiều điều ngạc nhiên hơn nữa với việc CLB này quyết tâm trở thành một thế lực thực sự trên cuộc đua tài chính bằng mạng lưới liên kết các CLB trải dài từ miền Bắc nước Anh tới Mỹ và Australia.

Theo báo cáo thường niên Brand Finance Football 50, thành công trên sân cỏ đã giúp Man City thu hẹp khoảng cách tài chính với đại kình địch Manchester United. Báo cáo cho biết năm 2014, giá trị thương hiệu Quỷ Đỏ đã hao hụt 98 triệu đô la, xuống chỉ còn 739 triệu đô la trong khi điểm đánh giá thương hiệu tụt từ AAA+ xuống AAA. Trong khi đó, nhờ vào việc vô địch Premier League 2014 và các CLB “sân sau” ở Australia và Mỹ, giá trị thương hiệu của Man city tăng đến mốc 510 triệu đô la.

“Từ quan điểm tài chính, mục tiêu của chúng tôi chỉ là giúp các CLB phát triển bền vững. Chúng tôi giúp các CLB hoàn vốn. Những chuyện sau đó chúng tôi không biết”. 

“Tại Manchester City, chúng tôi sắp đạt được điều đó ở mùa 2013/14 và chúng tôi rất vui vì số lỗ của CLB đã giảm một nửa sau một năm”, Soriano hứng khởi nói trong những ngày đầu năm 2014.

Tháng 6/2014, Man City công bố kế hoạch mở rộng số chỗ ngồi của sân Etihad lên mốc 55 nghìn chỗ và hứa hẹn sẽ còn tăng lên đến 60 nghìn chỗ, qua đó trở thành CLB sở hữu sân vận động lớn thứ nhì Premier League.

“Các CLB lớn ở Anh đều có sân vận động 60 nghìn chỗ ngồi. Chúng tôi muốn và có thể có được một sân vận động như thế. Một điều cũng rất quan trọng là chúng tôi phải giữ mức vé sao cho phải chăng và sân sẽ kín chỗ, không chỉ vì chất lượng của các trận đấu mà còn là vì các sản phẩm truyền hình”, ông nói.
Manchester City 1-0 Melbourne City
 Manchester City thắng Melbourne City ở trận giao hữu đầu mùa
Ngoài phí bản quyền, tiền vé và các khoản thu từ các đấu trường quốc tế như Champions League, các CLB bóng đá ngày càng phải chăm chỉ hơn bao giờ hết để tạo ra lợi nhuận từ việc mua bán và phát triển cầu thủ, mở rộng thị trường marketing và kêu gọi tài trợ bên cạnh việc bán hàng và các chuyến du đấu.

Soriano muốn các nhà lãnh đạo của bóng đá Anh ủng hộ ý tưởng tổ chức các trận đấu chính thức tại Mỹ để quảng bá hình ảnh của môn thể thao này tới người dân Bắc Mỹ.

“Thách thức chung chính là làm thế nào bạn biến một thương hiệu toàn cầu và có một lượng lớn cổ động viên trở thành tiền?”.

Để đạt được điều này, đã có 2 đơn vị được thành lập để quản lý cả 3 CLB một cách hiệu quả.

Đặt tại Manchester và được lãnh đạo bởi Brian Marwood, City Football Services (CFS) chịu trách nhiệm điều hành trung tâm huấn luyện City Football Academy có giá khoảng 200 triệu bảng. Trung tâm này vô cùng hiện đại, trông giống đại bản doanh Google tại California hơn là các trung tâm huấn luyện của các CLB Premier League.

Tổ hợp bao gồm một trường trung học, nhiều sân tập và nối thẳng tới sân Etihad. Nơi đây chính là nơi Manchester City đào tạo những tài năng trẻ họ tìm thấy trên khắp thế giới.

Tại Melbourne và New York, CFS cũng đóng vai trò tương tự.
Man City mở rộng thị trường
Man City mang hảo thủ đi du đấu
Bằng việc đào tạo “cây nhà lá vườn” và phát triển những cầu thủ nước ngoài ngay từ nhỏ thay vì bỏ tiền mua sao, CFG hy vọng có thể giảm thiểu chi phí tạo nên đội hình các cầu thủ đẳng cấp thế giới.

“Chúng tôi có thể đề nghị các cầu thủ một sự nghiệp xán lạn. Ở tuổi 18, một cầu thủ có thể sẽ không chơi cho Man City nhưng họ có thể chơi bóng tại New York và khi đến 32, họ có thể tới Melbourne. Mục tiêu của chúng tôi là như thế.

Bản thân CFS cũng sở hữu một mạng lưới gồm 36 tuyển trạch viên và HLV trên toàn thế giới. 14 trong số đó đóng tại châu Mỹ Latinh để tìm kiếm các tài năng trẻ tốt nhất ở đó.

Mặt khác, CFS cũng sẽ thu về lợi nhuận thông qua việc chào bán cho các CLB và LĐBĐ nước ngoài các dịch vụ hỗ trợ về mặt kĩ thuật.

Trong khi đó, City Football Marketing (CFM), có đại bản doanh tại London, chịu trách nhiệm thúc đẩy kinh doanh, tìm kiếm tài trợ và tiếp thị tiềm năng của CFG. Được điều hành bởi Tom Glick, người từng làm việc tại CLB Derby, CFM sẽ phải quảng bá thương hiệu của CFG và mang về những hợp đồng quảng cáo lớn, một nguồn thu rất quan trọng đối với các CLB.
Clip: Xếp hàng mua vé xem tuyển Việt Nam-Man City
Với kinh nghiệm từ các giải đấu bóng chày nhỏ và NBA khi còn sống ở Mĩ, Glick và cấp dưới đã ghi điểm vào tháng 7/2014 khi đạt được thỏa thuận với hãng xe hơi Nissan. Thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng này sẽ không chỉ gắn liền với Man City mà còn gắn liền với New York và Melbourne trong 5 năm.

Theo Man City, thương vụ này là bằng chứng cho thấy việc xây dựng thương hiệu toàn cầu thông qua 3 CLB riêng lẻ đã gây chú với các nhà quảng cáo quốc tế.

Một tháng sau đó, Man City đã đánh bại Manchester United để giành lấy quyền hợp tác với hãng bán hàng trực tiếp châu Á QNET.

“Chúng tôi bán một sản phẩm toàn cầu và chúng tôi đấu tranh mỗi ngày ở thị trường này với Manchester United, Real Madrid và Barcelona. Rất cạnh tranh”, Soriano khẳng định.

Dù CFG và Man City đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ một trong những ông trùm tài chính Trung Đông, việc phát triển thương hiệu toàn cầu mới là quân bài chủ chốt giúp họ ổn định lâu dài.

Soriano nói một câu tỉnh bơ: “Các mô hình từ thiện, rốt cuộc chẳng bao giờ làm việc cả”.

Man City không làm từ thiện. Họ bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền, để đưa về những "kiến trúc sư" giỏi nhất trên nhiều lĩnh vực để tự xây nên một mô hình chưa từng có bao giờ trong thế giới bóng đá.

(Còn tiếp)

Lê Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn