"Man vs. Wild": Bear và cuộc đấu tranh sinh tồn

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 02:00:00 +07:00

Mỗi tập phim Man vs. Wild là một cuộc hành trình khám phá đồng thời cũng là cuộc đấu tranh sinh tồn có thật giữa Bear Grylls với thiên nhiên hoang dại.

Mỗi tập phim Man vs. Wild là một cuộc hành trình khám phá đồng thời cũng là cuộc đấu tranh sinh tồn có thật giữa Bear Grylls với thiên nhiên hoang dại. Qua đó, khán giả có thể rút ra cho mình những kỹ năng cơ bản để sống sót trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. "Người có cơ hội sống sót là người sẵn sàng đẩy lùi những giới hạn và dĩ nhiên, anh ta phải tự lực cánh sinh".

Man vs. Wild là một chương trình truyền hình thực tế rất nổi tiếng ở Anh Quốc do Bear Grylls thực hiện và phát sóng trên kênh Discovery. Chương trình còn được biết đến với tên gọi khác như Born Survivour: Bear Grylls hay Ultimate Survival. Số đầu tiên lên sóng truyền hình vào ngày 10/11/2006 và ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của khán giả; hơn 1,4 triệu người đã bị mê hoặc đến nỗi không thể rời chiếc TV. Đến nay, chương trình vẫn tiếp tục chinh phục khán giả trên toàn thế giới, trong đó có cả khán giả Việt Nam.

 

Qua mỗi tập phim, khán giả sẽ có cơ hội chứng kiến cuộc đấu tranh sinh tồn của anh chàng Bear đơn độc giữa thiên nhiên khắc nghiệt, để từ đó, họ sẽ học hỏi được nhiều điều hữu ích cho bản thân. Bear Grylls từng là lính đặc nhiệm không quân của Anh Quốc. Anh đã một mình chinh phục đỉnh Everest khi vừa tròn 23 tuổi. Với kinh nghiệm của một người lính, một nhà leo núi và một người ưa phiêu lưu mạo hiểm từ nhỏ, Bear đã đơn độc tìm cách trở về cuộc sống văn minh dù trong mỗi cuộc hành trình, anh chỉ được cung cấp một ít quần áo, giày và vật dụng thiết yếu như dao và dây thừng.

Mỗi "cuộc vật lộn với thiên nhiên" của Bear được thực hiện trong vòng 7 đến 10 ngày. Đầu tiên là đoàn sẽ đi tiền trạm địa điểm dự kiến quay trong vòng khoảng 1 tuần. Sau đó, Bear sẽ đến đó trong hai ngày để tự mình kiểm nghiệm mọi thứ. Khi đã nắm được những thông tin cơ bản về các yếu tố an toàn và nguy hiểm, nói chuyện với kiểm lâm và các chuyên gia sinh học ở địa phương, Bear và đoàn sẽ bắt tay vào quay và dựng. Đi theo anh trong mỗi chương trình gồm một người quay phim, một kỹ sư phụ trách âm thanh. Tuy nhiên, những người này không được phép can thiệp hay giúp đỡ Bear ngoại trừ trường hợp nguy cấp đến tính mạng.

"Đó là thiên nhiên hoang dã và có rất nhiều điều bất ngờ xảy ra, vì thế, tốt nhất là tôi phải lường trước được 80% các tình huống. Đơn cử như khi tôi bị sụt cát hay bị cá sấu tấn công thì tôi sẽ phải làm gì? Tôi phải làm một chiếc bè ra sao? Dốc đá đó nguy hiểm như thế nào? Chỗ đó sẽ xuất hiện một dòng sông? Hay trong khe núi ấy là một ổ rắn..." – Bear nói.

 

Mặc dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng không phải lúc nào anh cũng an toàn tuyệt đối. Đã có không ít tình huống thót tim diễn ra và những bất ngờ ngoài dự kiến đó giúp chương trình Man vs. Wild trở nên hồi hộp, gay cấn không chỉ với khán giả mà còn cả với những người thực hiện.

Tính đến nay, chương trình Man vs. Wild đã xây dựng được 5 kỳ với 63 tập phim, đồng nghĩa với việc Bear đã trải qua vô vàn thử thách: trèo xuống đất từ dãy núi Rocky Moutain nổi tiếng hiểm trở của Bắc Mỹ, dãy Alps của Châu Âu, băng qua sa mạc Moab Desert nóng như "rang lạc" (110 độ C) ở Utah, sa mạc Sahara, rừng rậm Amazone, hay vùng núi băng tuyết Chugach ở Alaska... Để sinh tồn, Bear cũng từng phải chiến đấu với gấu xám, nếm sâu bọ, ăn sống các loài động vật, thậm chí là chưng cất nước từ chất thải của voi, nằm trong bụng của một con lạc đà đã chết để ngủ và tránh bão cát... Trong tập 3 của kỳ 4, Bear đã đến Việt Nam để trình diễn những kỹ năng cần thiết mà một người lính cần có để sống sót trong những cánh rừng nơi đây.

Vào tháng 4/2008, Bear và kênh Discovery đã xuất bản một cuốn sách viết về những mẹo vặt để sống sót. Cuốn sách này được viết dựa trên những thực tế mà anh đã nếm trải. Bear Grylls cho biết thêm rằng song song với chương trình truyền hình thực tế này, anh cũng muốn sản xuất phim 3D về đề tài con người làm thế nào để sinh tồn một mình giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

 

Thật – Giả

Bất chấp thành công trên, Man vs. Wild cũng bị "ném đá" không thương tiếc. Chương trình bị chỉ trích là thêu dệt, dàn dựng quá nhiều. Vào năm 2006, một thành viên trong ê-kíp đã nói rằng vài cảnh quay không giống với những gì mà khán giả thấy trên màn ảnh, trong nhiều tình huống, Bear không hề đơn độc.

Đơn cử, trong một cảnh quay ở vùng núi Sierra Nevada (California), Bear diễn một cảnh phải ăn sáng với đầu rắn và trình bày với khán giả rằng anh chỉ có một chai nước, một cái cốc và một viên đá lửa để sống. Nhưng điều mà khán giả không được kể, đó là Bear thực tế đã nghỉ mấy đêm ở khu Pines Resort (Bass Lake) – nơi được quảng bá như là ngôi nhà ấm cúng của các gia đình, các phòng đều trang bị Internet, và được phục vụ bánh việt quất vào mỗi sáng.

Trong một tập khác, khi mà Bear tuyên bố anh vừa bị lạc vào đảo hoang như Robinson Crusoe thì khán giả cũng chẳng thể nào ngờ đó lại là một trong những hòn đảo đẹp đẽ và cuốn hút nhất thế giới – Hawaii.

 

Năm 2007, Mark Weinert, một cố vấn của chương trình đã tiết lộ trên tờ Sunday Times rằng cái bè do Bear tự làm trong phim thực chất đã được cả đội làm sẵn trước đó và để rời thành nhiều bộ phận; Bear chỉ có nhiệm vụ ghép lại và trình diễn cho khán giả.

Thêm vào đó, trong cảnh Bear quăng thòng lọng vào cổ một con ngựa vằn hoang dã ở Sierra Nevada, con ngựa thực ra đã được thuần hóa và đưa vào phim từ một trạm dừng chân gần đó.

Ngay cả cảnh núi lửa phun – nơi Bear cố gắng thoát khỏi bầu khí độc, cũng được dựng lên bằng... than đá nung đỏ và máy tạo khói.

"Nếu bạn tin rằng tất cả những cảnh trên TV đều là thật thì bạn có đôi chút ngây thơ" – Mark nói.

 

Giả – Thật

Phản ứng trước những thông tin này, kênh Discovery và Channel 4 đã lên tiếng rằng mọi thứ trong phim là do chính Bear tự làm và anh đã phải đối mặt với không ít hiểm nguy từ những việc ấy. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận, cả đội làm phim luôn đứng sau Bear để sẵn sàng đối phó với những trường hợp nguy cấp đến tính mạng.

"Mỗi tập phim phải mất tới 10 ngày để quay và những gì bạn thấy tôi làm vào ban đêm trong phim đều là thật. Còn khi tôi không phải quay phim, tôi trở về với đội của mình để nghỉ ở nơi cắm trại. Càng xem kỹ bạn sẽ càng thấy cảnh phim là thật" – Bear Grylls bày tỏ.

Kể từ đó, Disney Channel đã thay đổi cách thực hiện của mình bằng cách bổ sung các dòng chữ chạy dưới chân màn hình mỗi khi Bear cần sự hỗ trợ của cả đội nhằm đảm bảo tính mạng cho anh. Hơn thế, họ cũng đưa cả những đoạn phim hậu trường cần thiết; trong đó, Bear giảng giải cho những người trong đội phương pháp và chiến thuật để hỗ trợ anh phòng khi anh lâm vào những tình huống nguy hiểm. Đồng thời, các đồng nghiệp của Bear cũng không còn là "kẻ giấu mặt" nữa, họ bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh và tự giới thiệu ngắn gọn về vai trò của họ trong việc hỗ trợ anh.

 

Rõ ràng, mục tiêu của chương trình là đem đến cho khán giả kiến thức và kỹ năng để ứng phó với những tình huống thiên nhiên khắc nghiệt. Nó cũng mang tới cho người xem những giây phút phiêu lưu kỳ thú qua màn ảnh nhỏ. Như thế phải chăng đã là quá tuyệt vời đối với một chương trình giải trí chỉ vẻn vẹn 45 phút? Liệu có nhất thiết phải đảm bảo tính chân thực của chương trình bằng tính mạng và sức khỏe của một con người?

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn